Chủ nhật ngày 24 tháng 11 năm 2024

Hết rồi thời những “ông già” công nghệ Nhật

 

Thực tế thì chỉ cần xoay trở chậm một nhịp là các doanh nghiệp đã khốn đốn rồi, đừng nói chi là già cỗi từ cách nghĩ cho tới cách làm – già từ bên trong, già bản chất. Huống chi trong lĩnh vực làm ăn công nghệ, công nghệ càng cao càng cần tốc độ xử trí nhanh hơn. Đó chính là bi kịch của những hãng công nghệ Nhật Bản từng có một thời gian dài hưng thịnh, làm hải đăng dẫn đường cho cả thế giới.

Sony Vaio một thời thần thánh.

Do đặc thù của một đất nước quần đảo Thái Bình Dương chẳng được thiên nhiên ưu đãi “rừng vàng, biển bạc, lòng đất đầy những khoáng sản”, sau này lại bị Chiến tranh thế giới mà chế độ quân phiệt đeo đuổi làm cho kiệt quệ, Nhật Bản đã chọn con đường phát triển công nghệ để vượt thoát khỏi số phận nghiệt ngã. Có một thời cách đây không phải xa, hễ nói tới công nghệ hiện đại, đặc biệt là điện tử, người ta hướng tới Nhật Bản như những chuẩn mực toàn cầu.

Cho dù hiện nay khu vực Đông Á vẫn còn là cái nôi công nghệ thế giới, nhưng các trật tự ngôi vị đã được chuyển đổi. Ban đầu từ Nhật Bản chuyển sang Hàn Quốc láng giềng, rồi bây giờ Trung Quốc vươn lên trở thành đối thủ cạnh tranh không phải với Nhật nữa, mà là với Hàn Quốc.

Phần lớn các hãng công nghệ Nhật Bản có tuổi đời rất xưa cũ, thậm chí hơn 100 năm. Mà đặc thù của công nghệ là phải không ngừng đổi mới và sáng tạo, không phải dựa trên nền tảng kinh nghiệm là chủ yếu. Vậy nên, nói người Nhật thua thiệt ngay từ nền tảng là như vậy.

Mặc dù công nghệ Nhật Bản nói chung ngày nay không còn là hiện đại nhất, nhưng sản phẩm Nhật vẫn là tốt nhất – chủ yếu nói về độ bền. Âu đó cũng là một nét văn hóa Nhật. Có lẽ hiếm có nước nào khác trên thế giới có cái tư tưởng chủ đạo là hàng nội địa phục vụ cho người Nhật phải có chất lượng cao hơn hàng xuất khẩu ra nước ngoài. Các hãng phải ưu tiên phục vụ đồng hương của mình cái đã, chứ không thể cứ chăm bẳm mang chất xám đi mua vui cho thiên hạm cho dù để kiếm tiền về. Xin nói cho rõ, hàng Nhật Bản xuất khẩu vẫn luôn có chất lượng thiên hạ vô đối, nhưng loại dành cho người Nhật nội địa còn tốt hơn nữa.

Càng ngày, số hãng công nghệ Nhật Bản rơi rụng dần, hay nếu còn sống thì cũng èo uột, càng nhiều hơn. Không ít thương hiệu chẳng còn sống nổi nữa. Trong rất nhiều lĩnh vực, người Nhật không còn dẫn đầu nữa rồi. Chẳng cần đâu xa, ngay cái sản phẩm điện tử phổ dụng là chiếc TV, giờ đồ của Hàn Quốc là số 1. Theo số liệu của MBA Skool, thị phần thế giới của các hãng TV trong năm 2016 dẫn đầu là Samsung (Hàn Quốc) chiếm 21%. Kế đó là LG (cũng của Hàn Quốc), chiếm 12,6%. Thứ ba là Sony (Nhật Bản) với 6,9%. Thứ tư là Hisense (Trung Quốc) chiếm 5,6%. Tiếp theo là TCL (cũng của Trung Quốc) chiếm 5,6%. Lần lượt sau đó là Skyworth (Trung Quốc) chiếm 5,3%; Panasonic (Nhật Bản) chiếm 3,7%; Toshiba (Nhật Bản) chiếm 3,4%; Sharp (Nhật Bản) chiếm 3,2%. Xếp thứ 10 là Vizio (Mỹ) chiếm 3%. Bạn thấy đó, TV vốn là sản phẩm nổi tiếng của Mỹ và Nhật mà nay thuộc về tay Hàn Quốc và Trung Quốc.

Còn về smartphone, theo số liệu tháng 11-2016 của Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDC, vào Quý 3-2016, Top 5 thương hiệu smartphone toàn cầu lần lượt là Samsung của Hàn Quốc (chiếm 21% thị phần); Apple của Mỹ (12,5%); Huawei của Trung Quốc (9,3%); Oppo của Trung Quốc (7,1%); và thứ 5 là Vivo của Trung Quốc (5,9%). Chẳng có một thương hiệu Nhật Bản nào lọt vào trong Top 5 ông lớn smartphone toàn cầu, và chiếm số đông nhất vẫn là Trung Quốc.

Sony Vaio một thời thần thánh.

Trước thời của MacBook (thế hệ đầu tiên của thương hiệu laptop này được Apple sản xuất hồi giữa năm 2006), Sony Vaio (ra đời từ năm 1996) là “hoàng đế” trong vương quốc máy tính xách tay. Lúc đó, ai sở hữu được chiếc laptop của Nhật Bản này là một sự tự hào, một dấu chỉ đẳng cấp. Nhưng rồi, tới tháng 2-2014, do làm ăn thua lỗ kéo dài, mảng kinh doanh PC đã bị Sony bán lại. Cũng còn an ủi là thương hiệu Vaio được nhà đầu tư Nhật Bản mua lại và cái tên Sony Vaio được đổi thành Vaio Corporation. Nhưng thời hào quang của thương hiệu Vaio nay đã mãn.

Trong khi đó, hãng Sharp lại trở thành một điển hình cho việc một hãng Nhật Bản hồi sinh khi nằm trong tay “người lạ”. Sau 105 năm hoạt động để rồi những năm sau này thua lỗ nặng, Sharp đã phải “bán mình” cho Tập đoàn Hon Hai (Đài Loan), công ty mẹ của công ty Foxconn, hồi tháng 3-2016 với giá 3,5 tỷ USD và phía Nhật Bản chỉ còn nắm giữ 34% cố phần của Sharp. Sau đó, từ chỗ đang hấp hối, Sharp đã sống lại và bắt đầu sống khỏe. Trong quý 4-2016, Sharp đã đạt lợi nhuận 4,2 tỷ yên, trong khi cùng kỳ năm trước đó, hãng Nhật Bản này bị lỗ 24,7 tỷ yen. Trong thông cáo ngày 17-2-2017, Sharp cho biết dự báo mới cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2017 là khoản lợi nhuận hoạt động (operating profit) của hãng sẽ đạt 47,4 tỷ yen (khoảng 418 triệu USD).

Sẽ là võ đoán khi nhận xét rằng qua vụ Sharp, người Nhật làm ăn không giỏi bằng ngưới Đài Loan. Điều may mắn cho Sharp là được mua lại bởi Hon Hai vốn có tiềm lực lớn và những hoạt động kinh doanh có lợi cho sự sống lại của Sharp.

Có thể nói rằng cung cách hoạt động không còn hợp thời mà hầu như khó lòng xoay chuyển, trở bộ được đã khiến cho nhiều hãng công nghệ Nhật Bản lâm nguy.

Trong những ngày gần đây, hãng Toshiba của Nhật Bản ra đời cách đây 142 năm đang trở thành một điểm nóng trong dòng thời sự công nghệ. Hãng này vốn nổi tiếng với nhiều sản phẩm công nghệ từ hàng điện máy, điện tử gia dụng (như TV, máy lạnh, tủ lạnh,….) tới hàng công nghệ thông tin (laptop, chíp bộ nhớ, ổ lưu trữ dữ liệu,…) Vậy mà bây giờ Toshiba đang phải bán bớt tài sản của mình để giải quyết hậu quả thua lỗ khi đầu tư vào hãng điện hạt nhân Westinghouse Electric. Hiện nay, Toshiba đã đặt Westinghouse vào chế độ bảo vệ phá sản theo luật định và nói rằng doanh nghiệp điện hạt nhân này có thể mất tới 1.000 tỷ yen trong năm tài chính 2016 kết thúc vào tháng 3-2017. Theo BBC News, tính tới tháng 2-2017, Westinghouse của Toshiba đã thua lỗ tới khoảng 6,3 tỷ USD.

Trang công nghệ Storage News Letter (21-4-2017) cho biết, để có nguồn tiền mà sống sót, Toshiba đã quyết định bán “hạt ngọc” của mình là mảng kinh doanh chip nhớ NAND Flash và muốn hoàn tất việc chuyển nhượng này vào tháng 3-2018. Theo ước tính của DRAMeXchange, doanh thu Quý 4-2016 của các nhà cung cấp chip NAND vào khoảng 12 tỷ USD. Samsung dẫn đầu thị trường với 37% thị phần và Toshiba đứng thứ hai với 18% thị phần.

Theo nhiều nguồn tin, tình hình Toshiba trầm trọng tới mức nếu không được Nhà nước cứu, hãng này có thể chết. Có lẽ cái chết của Toshiba gây nhều hệ lụy hơn nhiều hãng Nhật khác. Hãng này vào năm 2016 có tới hơn 187.000 người lao động. Toshiba là nhà sản xuất bán dẫn lớn thứ 7 trên thế giới. Và đây cũng chẳng là lần đầu tiên Nhà nước Nhật Bản ra tay cứu sống doanh nghiệp quan trọng khỏi bị phá sản.

Vấn đề nổi lên ở đây là Toshiba không phải là trường hợp cuối cùng trong làng công nghệ Nhật Bản.

Trong khi các hãng công nghệ Nhật già cỗi, xoay trở chậm chạp, các hãng của Hàn Quốc và Trung Quốc trẻ trung, năng động hơn, và đặc biệt là giàu óc đổi mới sáng tạo. Cái thời chém to kho mặn, ăn chắc mặc bền khiến giá thành cao ngất đã qua rồi. Tính năng động và hiểu rõ người dùng của những hãng Trung Quốc và Hàn Quốc rõ ràng hơn hẳn các hãng Nhật Bản.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 23-4-2017 và trên báo Pháp Luật TP Online