Giá như nhà trường luôn biết nghĩ vì học sinh
Cuối cùng, vụ việc một nữ sinh lớp 12 của một trường trung học công ở vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An cũng được giải quyết. Ban giám hiệu trường đã nâng xếp loại hạnh kiểm của nữ sinh này từ trung bình lên khá. Quy trình được xử lý khá là nhanh. Nhưng vụ việc chỉ được giải quyết sau khi báo chí đưa tin, dư luận phản đối và đích thân ông Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh có ý kiến. Nói vậy để chia sẻ với không ít trường hợp “lẽ ra không nên vậy” mà chưa có cơ duyên tới tai báo chí!
Xin kể những tình tiết chính của nội vụ như vầy. Từng được cứu chữa tại bệnh viện này trong một lần bị tai nạn, nữ sinh một thời gian sau (ngày 5-3-2017) chẳng hiểu bức xúc điều gì mới lên Facebook “chê” thái độ phục vụ kém của bệnh viện và “chốt hạ” bằng câu “làm như cha mẹ thiên hạ vậy, nên chấn chỉnh lại đi các ông bà. Làm nghề này nên coi trọng lại đạo đức của mình đi”. Ngay hôm sau, trường gọi nữ sinh lên làm việc và nội dung đó đã được chủ nhân xóa bỏ khỏi Facebook. Tưởng yên, dè đâu 10 ngày sau, ban giám hiệu ra quyết định kỷ luật nữ sinh này ở mức khiển trách với lý do “Có hành vi làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín đội ngũ cán bộ y bác sĩ bệnh viện đa khoa khu vực ĐTM trên mạng xã hội Facebook”. Chuyện ắt cũng chẳng có gì là ầm ĩ nếu như vào cuối năm học, nữ sinh này bị xếp hạnh kiểm ở mức trung bình cho dù cả năm học lớp 12, bạn ấy đạt điểm học vấn trung bình cả năm học cao (8,7 điểm).
Trả lời báo chí, ban giám hiệu giải thích rằng nữ sinh đó ngoài việc bị kỷ luật còn có những điểm xấu trong năm học như “như vắng học, đi trễ, có thái độ chưa chuẩn mực đối với giáo viên,…” Mẹ của nữ sinh này thì nói khác: con bà chỉ có một buổi vắng lao động tập thể và vắng phụ đạo, ngoài ra không nghe nhà trường phản ánh vi phạm gì hơn.
Tất nhiên ở đây chúng ta không bàn cụ thể về quá trình học tập của nữ sinh này, vì đó là chuyện khác và có gì thì cũng còn “tang chứng, vật chứng” đó thôi. Điều mà chúng ta quan tâm chính là cách ứng xử của nhà trường này, không phải để “nói hành, nói tỏi” gì họ đâu, mà là để coi có thể rút ra được bài học gì cho các thể loại nhà trường nói chung.
Trước tiên, việc nhà trường kỷ luật học sinh vì có ý kiến góp ý trên mạng xã hội vốn là một điều rất nhạy cảm, cần phải cân nhắc cụ thể. Không nên dùng bất cứ thế lực nào để áp chế, không cho học sinh được nói lên ý kiến của mình. Các em còn nhỏ, nhận thức có khi còn nông cạn nên có gì không nên không phải thì giúp các em hiểu rõ vấn đề, giáo dục cho các em thông suốt. Có lẽ cũng nên nói thật, tuổi trẻ ngày nay hiểu biết nhiều hơn các thế hệ cha ông mình ngày xưa. Không ai cấm nhà trường đề ra nội quy của mình, nhưng cũng không thể trái pháp luật và đặc biệt là phải cân nhắc với đặc thù của môi trường giáo dục và các học sinh. Nếu học sinh với tư cách một công dân có làm gì tới mức vi phạm pháp luật thì cứ để cơ quan hữu trách xử lý, nhà trường không thể làm thay. Và thường thì các cơ quan công lực có tâm và có hàm lượng nhân văn cao cũng dành những châm chước cho tuổi trẻ “chưa dậy thì” và đang học ở nhà trường. Và thực tế trong vụ này, với nội dung mà nữ sinh đưa lên Facebook (như báo chí đăng tải), nó chẳng hề nặng nề như nhà trường tự quy kết cho học sinh của mình. Lẽ ra, ban lãnh đạo bệnh viện nên tiếp thu và có gì thì trả lời cho mọi người biết. Nói thật có thế gây mất lòng chứ thái độ của không ít nhân viên các bệnh viện nói chung còn tệ hơn cả những gì mà nữ sinh này càm ràm. Từ bao năm nay, đó chính là một vấn nạn, một nỗi đau khôn nguôi của toàn ngành y tế nói chung và nói riêng là các thầy thuốc chân chính.
Kế đó là trong mọi quan hệ với học sinh, nhà trường cần luôn cẩn trọng, làm bất cứ điều gì cũng đều phải nghĩ tới quyền lợi và tương lai của học trò mình. Có những thầy cô thời trung học của tôi kể rằng họ đã phải suy nghĩ rất lâu, cân nhắc rất kỹ mỗi khi phải cho điểm thấp học sinh mình. Chỉ khi nào không còn có thể “vớt” được, họ mới “động thủ”. Thậm chí có thầy cô mãi tới nay, ở tuổi thất thập cổ lai hy, vẫn còn dằn vặt vì cách đây nửa thế kỷ từng hạ bút phê “lẽ ra không nên phê vậy” trong thành tích biểu của học sinh mình để những chữ đó đeo bám theo học trò cả đời.
Đáng tiếc là ban giám hiệu nhà trường này lại giẫm vào vết xe đổ của nhiều người khác là dùng tấm bùa “quy trình” để biện minh. Thật ra, quy trình không có tội, thậm chí là một sự tiến bộ mà chúng ta nên áp dụng. Nhưng quy trình chỉ có ý nghĩa là thủ tục, trình tự và hoàn toàn do con người đặt ra. Làm đúng quy trình không bao giờ đồng nghĩa với đúng pháp luật, hợp tình, hợp lý, huống chi cái cần nhất vẫn là xử lý quy trình sao cho thấu lý đạt tình, có tính nhân văn và tạo nền cho phát triển.
Nhà trường đích thực từ cổ chí kim, từ đông sang tây là nơi giáo dục con người thành người. Nó không thể là nơi phán xét, nhất là làm ảnh hưởng xấu tới tương lai cả đời của học trò. Khi để có trò “kém chất lượng” hay “không đạt chuẩn xuất xưởng”, trước tiên nhà trường nên coi lại trách nhiệm của chính mình đã dạy tốt hay chưa. Đành rằng nhân vô thập toàn và không phải học sinh nào cũng giống nhau, nhưng nhà trường vẫn phải có một cách hành xử nhân văn ngay chính với các “sản phẩm” của mình, không thể phủi tay, triệt tới cùng hay tệ hơn nữa là “trút hết trách nhiệm xuống số phận học trò để nhà trường tự giải cứu chính mình”.
Các thầy cô nếu không thể coi mình là cha mẹ (ngày xưa đạo lý của người Việt còn xếp thầy lên trên cha mẹ đó – quân sư phụ) thì cũng nên như anh chị của học trò mình. Chỉ có như vậy, họ mới có thể nhớ mà hành xử với học sinh tránh làm những điều mà họ không muốn con em mình cũng bị như vậy.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Ảnh: Internet. Thanks.