Như một lời chia tay Otellini Intel
Tập đoàn Intel ngày 3-10-2017 ra thông cáo báo chí báo tin buồn ông Paul Otellini, cựu Tổng giám đốc Intel, đã qua đời trong khi đang ngủ (passed away in his sleep) ngày 2-10-2017, thọ 66 tuổi. Vậy là một trong những tượng đài công nghệ, nhân vật đứng đằng sau những con chip xử lý CPU và chipset huyền thoại của nhà Intel đã chìm vào trong một giấc ngủ đông (hibernation) rồi tắt nguồn (shutdown) mà không thức lại (wake-up) nữa. Cầu nguyện cho ông an nghỉ “rest in peace” như cách ông ra đi.
Giữa tháng 6-2005, ngay sau khi trở thành CEO mới của Intel, ông Otellini đã có chuyến thăm 2 ngày đến Việt Nam. Một kỷ niệm trong chuyến thăm này là ông tham dự lễ công bố chương trình “Thanh niên tình nguyện hè 2005 và Máy tính Thánh Gióng” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức.
Và ngày 29-10-2010, CEO Otellini đã có mặt trong lễ khánh thành nhà máy Lắp ráp và Kiểm định chip của Intel (Intel Assembly and Test, ATM) tại Việt Nam ở Khu Công nghệ cao TP.HCM. Nhà máy Intel Products Vietnam này không chỉ là nhà máy ATM lớn nhất thế giới của Intel mà còn là dự án đầu tư nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam đạt mức 1 tỷ USD. Từ nhà máy này, hàng loạt chipset, CPU và những sản phẩm khác của Intel đã được cung cấp cho khắp thế giới. Trong lễ khai mạc, ông Paul Otellini phát biểu: “Nhà máy lắp ráp và kiểm định chip tại Việt Nam sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công của Intel, trở thành nguồn cung cấp những sản phẩm Intel tới các thị trường trên thế giới với số lượng lớn. Khách hàng của chúng tôi trên toàn thế giới sẽ sử dụng chính các sản phẩm được lắp ráp từ nhà máy này để tạo ra những công nghệ có thể làm thay đổi thế giới.”
Trong gần 10 lần dự Diễn đàn Các nhà phát triển Intel IDF tại San Francisco (Mỹ), tôi đã có nhiều dịp được trực tiếp dự những cuộc keynote của ông Otellini. Năm 2017 này, sau 19 năm tổ chức, Intel đã tuyên bố chấm dứt sự kiện IDF thường niên và cũng năm này, ông Otellini cũng từ giã cuộc chơi công nghệ. IDF mùa Thu San Francisco thường diễn ra vào đầu tháng 9 hàng năm (từ năm 2015 làm vào giữa tháng 8), và ông Otellini cũng ra đi vào mùa Thu 2017, chỉ 1 tháng rưỡi sau thời điểm mà Intel nói lời chia tay với IDF 2017.
Xin mời xem video:
Trong tin buồn về sự ra đi của ông Otellini, Intel viết rằng: Paul Otellini đã trở thành CEO thứ 5 của Intel vào năm 2005. Dưới sự lãnh đạo của ông, công ty đã đạt được những thành quả quan trọng về chiến lược công nghệ và tài chính. Chẳng hạn như việc chuyển đổi các hoạt động và cấu trúc chi phí cho sự tăng trưởng lâu dài; khẳng định vị trí dẫn đầu trong mảng thị trường máy chủ; duy trì lợi nhuận giữa cơn suy thoái toàn cầu. Những thành quả khác như ký kết những cam kết mới một cách ấn tượng với người tiêu dùng, giành được mảng kinh doanh PC của Apple, tiến hành những quan hệ đối tác kinh doanh và sáp nhập chiến lược giúp Intel mở rộng sự có mặt của mình trong các cộng đồng an ninh bảo mật, phần mềm và di động. Về mặt tài chính, Intel đã đạt được tổng doanh thu trong 8 năm lãnh đạo của ông nhiều hơn tổng số mà công ty đã có được trong 45 năm trước đây. Vào năm 2004, năm trước khi ông được bổ nhiệm chức CEO, Intel có doanh thu bán hàng 34 tỷ USD; và vào năm 2012, năm cuối cùng ông giữ chức lãnh đạo Intel, con số này lên tới 53 tỷ USD.
Ông Otellini được ghi nhận là người luôn thúc đẩy Intel chuyển động theo triết lý của mình là không ngừng sáng tạo và phát kiến ra các “sản phẩm đột phá” chứ không phải chỉ đơn giản là sản xuất các sản phẩm. Ông luôn nghĩ ra những phương cách để Intel có thể thu lại càng nhỏ càng tốt các thiết bị, con chip, cũng như số lượng công nhân, chi phí,… trong khi ngày càng phát triển to lớn hơn về quy mô và doanh thu. Nhưng cũng có người nghĩ rằng ông Otellini phải chịu phần nào trách nhiệm cho việc Intel bị lỡ chuyến đò ngang sang bến bờ di động.
Năm 2013, ông Otellini rời khỏi Intel. Sự ra đi một cách tự nguyện này được một số nhà phân tích cho rằng ông muốn mở đường cho Intel có một nhà lãnh đạo có thể đưa tập đoàn công nghệ bề thế này vào kỷ nguyên di động.
Trong bản tin buồn, ông Brian Krzanich, CEO hiện nay, người kế nhiệm ông Otellini, ca ngợi người tiền nhiệm: “Ông là tiếng nói không khoan nhượng của người tiêu dùng giữa một biển các kỹ sư, và ông đã dạy chúng tôi rằng, chúng tôi chỉ có thể chiến thắng khi nào mình đạt người tiêu dùng lên đầu tiên.” (He was the relentless voice of the customer in a sea of engineers, and he taught us that we only win when we put the customer first.)
Chủ tịch Intel Andy Bryant chia sẻ: “Sự nhạy bén về kinh doanh, tính lạc quan và tinh thần cống hiến của Paul đã tiếp năng lượng cho sự phát triển của chúng tôi xuyên suốt thời kỳ ông là CEO. Động lực không mệt mỏi, tính kỷ luật và tính khiêm tốn của ông là những hòn đá tảng trong cách lãnh đạo của ông và sẽ sống mãi trong các giá trị của công ty chúng tôi cho tới ngày nay.” (Paul’s business acumen, optimism and dedication fueled our growth throughout his tenure as CEO. His tireless drive, discipline and humility were cornerstones of his leadership and live on in our company values to this day.)
Ông Otellini sinh tại San Francisco (bang California) ngày 12-10-1950. Ông nhận bằng cử nhân kinh tế tại Đại học University of San Francisco năm 1971 và bằng MBA tại University of California, Berkeley năm 1974. Ông gia nhập Intel năm 1974 và trải qua nhiều vị trí khác nhau cho tới khi tự nguyện nghỉ hưu năm 2013. Từ năm 1990 tới 2002, ông từng giữ chức Phó Chủ tịch điều hành và Tổng giám đốc Nhóm Kiến trúc Intel (Intel Architecture Group), chịu trách nhiệm về các kinh doanh và chiến lược về bộ vi xử lý và chipset của Intel cho điện toán để bàn, di động và doanh nghiệp; cũng như Phó Chủ tịch điều hành và Tổng giám đốc Nhóm Kinh doanh và Tiếp thị (Sales and Marketing Group). Sau khi nghỉ hưu năm 2013, ông dành hết thời gian cho việc hướng dẫn, đào tạo giới trẻ và tham gia nhiều tổ chức nhân đạo và từ thiện. Vợ ông là bà Sandy, chung sống với nhau suốt 30 năm nay. Ông bà có hai con là Patrick (con trai) và Alexis (con gái).
Xin chia tay với ông Paul Otellini, người mà tôi có những cơ hội được tham gia những sự kiện ông có mặt ở Việt Nam và Mỹ. An nghỉ ông nhé, Sir Paul. R.I.P.
PHẠM HỒNG PHƯỚC