Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

19-1, không phải chỉ Quốc tang mà còn là Quốc hận

PHP RỦ RỈ RÙ RÌ

Sáng sớm nay, thứ Sáu 19-1-2018, Saigon đổ mưa khá lớn. Đó không phải chỉ là một trận mưa trái mùa làm đau lòng những nàng mai vàng phương Nam đang chờ ngày khai hoa nở nhụy mừng Tết Mậu Tuất chỉ còn 27 ngày nữa. Với những con dân nước Việt, đó là những giọt nước mắt “đến Trời cũng khóc” tưởng nhớ những đứa con Việt anh hùng tử sĩ đã hy sinh để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa cách đây 44 năm (19-1-1974).

Đối với những con người có mang dòng máu Việt, vẫn còn có thể xưng danh mình là hậu duệ Hùng Vương, ngày 19-1 kể từ năm 1974 không chỉ là ngày Quốc tang mà còn là ngày Quốc hận. Điều đó đã và sẽ được ghi vào lịch sử Việt Nam, chí ít là trong tâm trí mọi người vẫn tự hào là người Việt Nam, và được truyền – ít nhất là truyền miệng – từ đời nay sang đời khác.

Quốc tang là để tưởng nhớ trận hải chiến Hoàng Sa 19-1-1974 khi Hải quân Việt Nam Cộng hòa chiến đấu chống lại Hải quân Trung Quốc đang tiến chiếm toàn bộ quần đảo mà cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền, nhưng trong thực tế và danh chính ngôn thuận theo công pháp quốc tế thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa. Theo tư liệu ghi nhận được đến nay, có 75 quân nhân Hải quân VNCH đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa 19-1, trong đó có 63 người thuộc hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) – kể cả hạm trưởng Ngụy Văn Thà và hạm phó Nguyễn Thành Trí – bị bắn chìm tại chỗ. Có một lẽ đơn giản: bởi vì họ là người Việt, hy sinh để bảo vệ giang sơn nước Việt, nên họ mãi mãi là anh hùng tử sĩ của dân tộc Việt.

Quốc hận để ghi nhớ rằng kể từ ngày 19-1-1974, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm.

Tất nhiên, chúng ta Quốc tang và Quốc hận không phải để manh động hay gây chiến tranh. Nhìn nhận một cách thực tế, cho dù đau đớn đến nghiệt ngã, chúng ta hầu như không thể dùng vũ lực để giành lại các phần lãnh thổ đã bị một đối phương như Trung Quốc cưỡng chiếm. Chúng ta phải chấp nhận đòi lại giang sơn thông qua tiến trình đàm phán hòa bình dựa theo công pháp và thông lệ quốc tế. Điều đó mất rất nhiều thời gian và công sức lẫn tâm trí. Và chúng ta bắt buộc phải tìm sự hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế – những người có lương tri và biết lẽ phải trên toàn thế giới. Đó phải nhờ vào sự khôn ngoan của ngoại giao và quan hệ quốc tế. Nhưng bất luận thế nào, giang san là của người Việt, chỉ có người Việt mới có quyền đòi lại, và người Việt phải chủ động hoàn toàn trong tiến trình đòi lại công lý. Cộng đồng quốc tế dù tốt với ta đến đâu vẫn chỉ là người bên ngoài, mà ta gọi là người dưng.

Đừng ngây thơ hay sống ảo với ý nghĩ rằng rồi một ngày đẹp trời nào đó, Bắc Kinh bỗng dưng muốn làm người tử tế trả lại Hoàng Sa và một phần Trường Sa mà họ đang chiếm đóng cho Việt Nam. Nhưng chúng ta phải tin rằng, cho dù lầy lội tới mức độ nào, không nước nào muốn sống cùng thế giới lại có thể mãi bất chấp được sức mạnh công lý của cộng đồng quốc tế.

Chỉ có điều, suy cho cùng, cộng đồng quốc tế cũng chẳng quởn mà đòi đất giùm cho ta khi giang san của mình nhưng ta vẫn cứ ầu ơ ví dầu… coi như tài sản của lão hàng xóm.

Và Hoàng Sa cùng một bộ phận của Trường Sa đang nằm trong tay nước ngoài – khi để thành chuyện đã rồi – là bài học nhãn tiền cho thấy nếu chúng ta không bằng mọi cách bảo vệ được phần giang san còn lại, thì một khi đã mất đi 1 tấc đất cũng sẽ là… nghìn trùng xa cách.

Hôm nay, 19-1, một khi vẫn nghĩ mình còn là người Việt Nam, tôi không thể nào vui cười chớ đừng nói chi tới ăn chơi nhảy múa hát hò.

Hoàng Sa – Trường Sa mãi mãi là giang sơn của người Việt Nam. Chân lý đó chảy trong máu các thế hệ người Việt.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Các ảnh tư liệu từ Internet. Thanks.