Thứ Ba ngày 05 tháng 11 năm 2024

Một nốt lặng trầm…

PHP RỦ RỈ RÙ RÌ

“Đôi khi một cái tâm sáng và một trái tim chân thành cũng là chưa đủ.” Câu viết trên Facebook của một cô đồng hương vong niên ấy khiến tôi xốn xang, trăn trở cả tối nay. Cô gái sinh năm 1984 này là một trong 2 cô con gái của một người đàn ông đồng hương cùng huyện quê nội tôi.

Tôi và cô chưa hề quen biết nhau, cho dù cha cô từng là nhà lãnh đạo cao nhất của thành phố tôi đang sống. Tôi ra Hà Nội nhiều lần nhưng cũng chưa một lần về thăm quê nội ngoại ở hai tỉnh cách thủ đô chưa đầy 100km. Ba tôi vốn người khí khái, chẳng biết quy lụy ai, luôn tìm cách bênh vực và giúp đỡ đồng bào mình, thậm chí từng có lần đánh đồng cấp là sĩ quan Pháp để bảo vệ người dân Việt nên luôn bị đì sói trán, lang bạt khắp miền Nam, một thân một mình. Ông mất năm tôi 13 tuổi tới nay cũng đã 48 năm. Vậy nên khái niệm đồng hương đối với tôi cũng chỉ là hương khói mơ hồ.

Chiều nay, ông nội cô qua đời sau thời gian dài bạo bệnh phải nằm luôn trong bệnh viện. Khi ba cô và chú cô cùng bị bắt trong một vụ đại án hồi cuối năm 2017, nghe nói cả nhà giấu không dám để ông nội biết, sợ chịu không nổi. Trong môt vụ án kỷ lục về thời gian xét xử, hai anh em trong 2 phiên tòa cùng diễn ra trong tháng 1.2018. Khi ông bố hấp hối, người anh vừa lãnh án 13 năm tù (vẫn chưa kịp có hiệu lực), còn người em đang bị đề nghị 11-12 năm tù.

Một cô bạn đồng nghiệp của tôi cho biết khi ông cụ hấp hối, người anh được cho về gặp cha lần cuối trong 1 giờ, và sau khi người đã có án này trở lại nhà giam 20 phút thì ông bố qua đời.

Vậy là giờ đây, ở bên kia thế giới, chắc chắn ông cụ đã biết được bi kịch của 2 con trai mình. Trong trường hợp này, ai lại có thể cầu ông “ngậm cười” nơi chín suối (khi ông cụ ắt đang phải “ngậm ngùi”). Nhưng cũng chính từ nơi rất gần mà lại rất xa ấy, ông mới có thể hiểu thực hư chuyện 2 con trai mình.

Là người, ai cũng phải trả giá cho những việc mình làm trước đó. Chỉ mong được xét xử công minh, thấu tình đạt lý, đặc biệt trong những vụ án phức tạp.

Ảnh: Internet. Thanks.

Chính trị luôn là tráo trở, hư hư thực thực với “chân lý” thuộc về thế lực đang nắm quyền. Ai đã chấp nhận vào con đường quan lộ, làm chính trị đều phải hiểu và chấp nhận điều đó.

Chính trị là phe cánh, luôn phải loại trừ lẫn nhau, thắng làm vua, thua làm giặc.

Tội kinh tế tất nhiên là làm thiệt hại tiền của, vật chất của ai đó, nếu không gây tổn thất cho cá nhân thì là nhà nước.

Tôi không đề cập tới chuyện ai đó có tội hay không, bởi đã có luật pháp. Ở đây tôi chỉ nói tới đạo lý nghĩa tử là nghĩa tận. Đó là chuyện giữa người và người.

Và cuối cùng, tôi cám cảnh cái bi kịch và thân phận những con người. Liệu có ai thử đặt mình lâm vào cảnh ngộ này để hiểu phần nào tâm trạng những người trong cuộc trước khi buông ra những bình phẩm. Liệu case study thứ…n này có đủ sức làm thức tỉnh những ai khác đã trót hay sắp dính chàm. Ai cũng hiểu làm người tử tế là vô cùng khó giữa môi trường không tạo điều kiện cho ta sống tử tế. Nhưng tốt cho tất cả là bất kể ra sao, ta vẫn luôn dặn lòng mình hãy sống tử tế với mình và với những người chung quanh. Chẳng ai biết ngày mai mình sẽ ra sao. Nhưng ta có thể biết ngày mai mình sẽ được đối xử như thế nào.

Nghĩa tử là nghĩa tận.

PHẠM HỒNG PHƯỚC