Tôi đi làm
“Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy hoa xuân và xe cộ. Vợ tôi dứt khoát nắm tay tôi kéo đi trên con đường chưa bị lấn chiếm lề đường. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi vô sở trở lại sau nghỉ Tết.”
Ngàn lời xin lỗi nhà văn Thanh Tịnh khi tôi cả gan “chế biến” chút đỉnh một đoạn trích trong truyện ngắn Tôi Đi Học nổi tiếng của ông hồi đầu thập niên 1940.
Hôm qua, ngày thứ Tư 21-2-2018 (tức mùng 6 Tết Mậu Tuất), những người đi làm việc Nhà nước, ngoại trừ giáo viên, đã trở lại sở làm sau 7 ngày nghỉ Tết được Nhà nước bảo chứng (từ 29 Tết tới hết mùng 5 Tết). Do năm nay ngành giáo dục được nghỉ Tết ta 14 ngày và được ấn định hợp tình hợp lý hơn nên các trường học ở TP.HCM mãi tới thứ Hai 26-2(11 tháng Giêng) mới bắt đầu đi học lại.
Tôi đi làm ngày đầu tiên sau nghỉ Tết nói thiệt bụng được thôi thúc bởi việc được các thể loại sếp lì xì, chớ trong lòng hoang mang, hụt hẫng lắm bởi “Đang vui như Tết, tự nhiên hết Tết”.
Thao tác đầu tiên sau khi ngồi vào chiếc bàn làm việc quen thuộc là mở máy tính để check e-mail. Khốn khổ cho những ai trong những ngày Tết không check e-mail. Với những người hay công việc có mối quan hệ rộng nước trong nước ngoài, có lẽ lúc này các e-mail đổ về như lũ quét.
Nhưng hãy để đó, ta phải đi dự họp mặt đầu năm của cơ quan. Chẳng ai nhớ nhung gì các sếp đâu, thậm chí gặp mặt lại chán như con gián đó chớ. Chỉ có điều hôm nay các sếp bỗng nhiên có sức hấp dẫn đặc biệt ánh lên khuôn mặt có nọng từ màu đỏ của những chiếc phong bao lì xì. Theo tập tục chẳng biết có từ bao giờ, các sếp tối cao không thể nào thoát khỏi cái nghiệp chướng lì xì cho mọi nhân viên trong ngày đi vô sở đầu tiên sau nghỉ Tết. Tất nhiên không phải tiền túi của sếp đâu. Sau đó là tới các sếp trưởng bộ phận. Những người lao động lớn tuổi ắt bị các em, các cháu, các con của mình nã lì xì tận tình với tinh thần tận thu triệt để, thêm đồng nào, vui đồng nấy.
Tết năm nay, có thêm nhiều cơ quan học nhau cái cách lì xì ngẫu nhiên, bất đối xứng. Mỗi bao lì xì chứa một món tiền khác nhau, từ 10.000 đồng, 20.000 đồng tới 200.000 đồng hay chót vót là 500.000 đồng. Nghe nói có những sở làm ăn nên làm ra hào phóng lì xì tới mấy tờ hiện kim lận. Rồi mọi người tự rút lấy phong bao và chịu sự quyết định của hên xui đầu năm. Thiệt ra, cách làm này theo ý tôi là rất dở. Thay vì thế giới đại đồng, xã hội bình đẳng, ai cũng như ai để vui cả làng, việc lì xì theo kiểu hên xui này tạo căng thẳng và bất an cho những người xui xẻo rút nhằm những phong bao bèo nhèo. Có khi lại còn gây mất đoàn kết nội bộ giữa những kẻ lâu nay GATO nhau, bằng mặt mà chẳng bằng lòng.
Ngày mùng 6 có bạn trên cõi Phây đã đầy tâm trạng ghi status khuyến cáo sếp rằng “Lì xì dưới 200.000 đồng là tội ác.” Lì xì là để xài chớ không để cho vui, nên phải loại bỏ các mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng đi. Mèng nhứt cũng phải là 50.000 đồng.
Xong cuộc gặp mặt nhận lì xì, ta về bàn vừa tám chuyện ăn Tết với bạn bè, vừa xem một số e-mail đáng quan tâm nhất.
Thời gian như bóng câu. Tới giờ bạn bè rủ đi ăn trưa, nhân tiện để xử lý món tiền lì xì vừa nhận.
Buổi chiều mùng 6 cũng làm việc theo kiểu lấy ngày cho vui. Một anh bạn hào hứng post lên Phây rằng: “Ngày làm việc đầu tiên: máy tính đã mở – máy in đang chạy – người đã sẵn sàng”. Tôi bèn dội cho một vại bia lạnh rằng: “Việc còn đang ăn tết”. Tôi đã cẩn thận gọi hôm nay là ngày đầu tiên vô sở mà. Vô sở đâu có đồng nghĩa với đi làm.
Rồi sắp tới giờ tan sở ngày làm việc đầu tiên sau Tết. Trước khi đóng máy, ta check Internet banking coi tài khoản có ai gởi thêm tiền hay không. Không tránh khỏi có những khoản người lạ không kịp chuyển trước Tết, qua Tết nhận như của hoạnh tài.
Trước khi về nhà, có khi ta hẹn bạn bè đi thăm ai đó, như các sếp cũ, các sếp đã nghỉ hưu mà trước đây có nhiều ân nghĩa với ta hay giờ có hậu vận tốt, có của ăn của để.
Chợt nhớ hồi trước 1975 ở miền Nam nghỉ Tết nguyên đán chắc cú chỉ có 4 ngày, từ 30 Tết tới hết mùng 3. Tới mùng 4, nếu không trùng Chủ nhật, là đi làm răm rắp. Năm nào như năm đó, thành quy định hẳn hòi. Phải chăng bởi cứng nhắc như vậy nên mới gãy đổ. Phải chăng bởi ăn Tết và nghỉ lễ ít ngày nên hồi đó Saigon chớ hề được vinh danh là xứ sở hạnh phúc.
À mà thôi. Vẫn còn tới mùng 10 cúng Thần tài xong mới coi như về cơ bản là xong một cái Tết. Năm nay ắt hên. Nhà nước tế nhị cho nghỉ luôn ngày mùng 5 Tết vốn bị hầu hết con dân coi là hỗng hên, ở nhà còn rủi nói chi ra đường. Rồi tháng 2 chỉ có 28 ngày, cúng Thần tài mùng 10 nhằm Chủ nhật 25-2 rồi, qua đầu tuần là ta lại có lương tháng 2 coi như Thần tài linh ứng. Thường thì thu nhập sau Tết có ý nghĩa cứu rỗi đời ta.
Và sau mùng 10 hết Tết Mậu Tuất, ta chỉ cần đếm countdown 345 ngày nữa (số tiến quá đẹp và dễ nhớ) là tới Tết Kỷ Hợi 2019. Đời ta là những đợt nghỉ Tết nối đuôi nhau như đoàn tàu xình xịch bò về phía trước với nhà ga vô định. Sống như ta, làm như ta mà biết được ta đi tới đâu… chết liền á!
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Ảnh: Chú chó mà tôi nghe mấy bạn trẻ gọi là “Con chó lười biếng” tại Đường Hoa Nguyễn Huệ Tết Mậu Tuất 2018.