Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Dạy làm người trước khi dạy kiến thức

Một nhà giáo viết trên báo Tuổi Trẻ ngày 7-4-2018 rằng: Từ kinh nghiệm nhiều năm dạy học, nhà giáo này hiểu rằng cần phải dạy trẻ làm người trước khi dạy kiến thức.

Từ rất lâu trước đây, cụ thể là trước cái mốc 1975, ông bà ta đã đúc kết một chân lý giáo dục là “Tiên học lễ, hậu học văn”. Toàn bộ nền giáo dục nói riêng và xã hội nói chung chuyển động nhịp nhàng tương hỗ lẫn nhau theo cái chân lý này. Bây giờ, trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, người ta mới gắn thêm cho giáo dục cái đuôi thời thượng là bao trùm – educational inclusion, giáo dục bao trùm hay sự bao trùm về giáo dục. Mà ngay từ cách đây hơn nửa thế kỷ, giáo dục con người là cả một sự bao trùm từ gia đình tới nhà trường lan rộng ra toàn xã hội. Mỗi môi trường đều có những tác động hình thành nhân cách một con người.

Vậy mà, sau 1954 ở miền Bắc và sau 1975 ở miền Nam, các nhà trường đã phải gỡ bỏ, quét vôi phủ lên những câu “khẩu hiệu” giáo dục bị coi là phong kiến hay tiểu tư sản, hoặc tàn dư văn hóa phương Tây trong các lớp học. Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” cũng chịu chung số phận. Mãi tới nhiều năm sau này, vào thời mở cửa và hội nhập, câu khẩu hiệu mang tính chân lý và triết lý giáo dục này mới được phục hồi trở lại. Ban đầu vẫn là những sự “phá rào”, len lén lẳng lặng gắn lên trong bao hồi hộp của những nhà làm giáo dục chân chính và nhiều tâm tư.

Ấy vậy mà cách đây 5, 6 năm, tôi đọc được trên báo chuyện có một số trường học tại thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến đang vận động xóa sổ câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Những người đề xướng giải thích theo cách hiểu của họ rằng đây là một tư tưởng phong kiến, tàn dư Khổng giáo, khiến con người yếu đuối đi do cứ phải nhường nhịn lẫn nhau. Thậm chí họ còn hiểu theo nghĩa đen thui chữ “lễ” là dạng lễ nghi theo kiểu “quân sư phụ”, học trò phải răm rắp nghe lời bề trên là cha mẹ và thầy cô, mất đi cái tôi của mình, mất đi sự tự chủ. Một nhà phê bình văn học từng được coi là nổi tiếng ở miền Bắc đã quy cho câu khẩu hiệu này những “trọng tội” là từ vay mượn Hán – Việt, mang tư tưởng Nho giáo, Khổng giáo, và viết trên báo như vầy: ” Về phía người học, “lễ” dễ gợi tới sự khuất phục – đòi hỏi học trò phải vâng phục – điều mà học trò lớp trên càng khó có thể sẵn sàng thể hiện, do tư cách “người lớn” đang đậm dần lên ở các cô gái, chàng trai. Họ không thể “phục” nếu người thầy không thật giỏi và không thật có tư cách. Đối với phụ huynh, “lễ” nổi bật nhất ở ý nghĩa cống nạp – nó có cái gì đó nặng nề hơn so với sự trả công thông thường.” Hết trích dẫn. Cũng thông cảm cho họ, bởi họ không hiểu thấu đáo được cái lẽ thâm sâu của chữ “lễ” ở đây chính là dạy làm người.

“Tiên học lễ, hậu học văn”. Lễ đây là cái đức, văn đây là cái tài. Không nên so đo cái nào quan trọng hơn cái nào, mà một con người nếu muốn thật sự làm người chân chính phải có đủ cả hai cái chân đứng: đức và tài. Ở đây, chúng ta chỉ xem xét cái nào tập trung dạy trước làm nền tảng, cái nào sẽ dạy sau phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi phát triển của con người. Dạy làm người na ná như uốn một cây kiểng, phải làm từ khi còn non. Còn tri thức sẽ được truyền đạt dần dần theo sự phát triển của trí não con người.   

Bạn nào có điều kiện tìm đọc những cuốn sách giáo khoa từ những lớp vỡ lòng trước năm 1975 sẽ thấy học trò chỉ được dạy để hiểu biết về môi trường chung quanh, còn hầu hết thời gian là dạy về đạo đức làm người. Ngay từ lớp Năm (nay là lớp 1), học trò đã học nằm lòng những nguyên tắc ứng xử như người lớn hơn phải biết nhường nhịn người nhỏ hơn; phải biết lễ phép kính trọng người lớn, người già cả; ra đường phải biết đi bên phải, phải biết nhường nhau khi chạy xe; lên xe buýt hay ở nơi công cộng phải biết nhường chỗ cho trẻ em, người già, thai phụ; đang đi đường thấy xe tang đi qua phải đứng lại nghiêm chỉnh giở nón cúi đầu chào tiễn biệt; đi ngang nơi đang chào cờ phải biết đứng lại đứng nghiêm chào cờ Tổ quốc mình,… và vô số những khuôn phép lẽ phải của một con người. Điều đáng nói là cách dạy làm người như vậy làm cho những cách ứng xử nhân văn đã ăn sâu thành máu thịt của chúng tôi cho tới tận hôm nay, hơn nửa thế kỷ sau.

Có vô số điều hay lẽ phải mà chúng tôi đã được học để làm người tử tế, người chính trực trong suốt những năm tháng học đường. Những điều đó trở thành bình thường trong cách sống của mỗi người. Riêng với tôi, tôi gom tất cả lại thành một nguyên tắc sống: “Không làm điều gì mà mình không muốn người khác làm với mình”.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh từ Internet. Thanks.

+ Nếu có thời gian, bạn có thể đọc loạt bài về việc vận động loại bỏ “tiên học lễ, hậu học văn” hồi năm 2012 ở miền Bắc.