Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Tất cả không ngoài nghĩa tận thu

PHP RỦ RỈ RÙ RÌ

 

Có một người bạn nhận xét rằng vào thời điểm này và trong thực tế tình hình ở Việt Nam như thế này mà còn toan tính áp dụng thêm thuế tài sản đánh vào nhà ở là do có mục tiêu “triệt tiêu sức dân”.

Trong bài viết trên báo VnEconomy (14-4-2018), chuyên viên kinh tế TS Lê Đăng Doanh nói rằng, với một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp vào khoảng 2.200 USD/người như ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo chỉ nên thu thuế khoảng 18% GDP, không nên thu thuế cao hơn để khoan sức dân, để người dân có lợi nhuận tái đầu tư. “Song hiện nay chúng ta đã thu thuế lên đến khoảng 32% GDP rồi, tức là rất cao so với khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới và đây là điều chúng ta phải suy xét”, ông Doanh nhận định.

Thực tế, thuế tài sản đánh vào giá trị vượt khung của nhà cửa chẳng phải là cái gì mới mẻ. Theo từ điển bách khoa Wikipedia, cả thế giới gồm 195 nước hiện chỉ còn không tới 10 nước chưa áp dụng loại thuế trực thu được coi là ổn định hơn cả này. Tất nhiên, mỗi nước có những cách thu thuế tài sản khác nhau.

Không ai có quyền nghi ngờ lòng yêu nước của người dân Việt. Khi tổ quốc cần, họ còn không tiếc gì máu xương và mạng sống. Nhưng có một thực tế là người dân ngày càng thêm mất lòng tin nặng nề hơn vào việc những người nhân danh người nhà nước tiêu xài bừa bãi ngân sách nhà nước vốn là tiền thuế của người dân mà có. Vì thế, ý nghĩa tích cực của bất cứ loại thuế nào cũng bị triệt tiêu khi thuế trở thành gánh nặng thật sự của người dân và họ cảm thấy mình không phải là đóng góp theo nghĩa vụ mà là bị bóc lột.

Tôi thì nghĩ rằng việc “triệt tiêu sức dân” thực tế là một hậu quả của mục tiêu “tận thu” (nói nôm na kiểu bình dân là “vặt lông vịt”) mà những người chủ trương muốn. Một khi đã quá bức bối không tìm được nguồn thu khả dĩ mới để bù đắp các núi chi tiêu và vô số thiệt hại do cung cách làm ăn và điều hành, ai đó bám víu vào công cụ thuế và phí. Họ bất chấp nguyên tắc trường tồn là khoan sức dân và nuôi nguồn thu.

Vậy nên, tôi cả gan xin lỗi nhà thơ Chế Lan Viên mà chế bài thơ Chiều Xuân của ông như vầy:

Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Thu chi thêm thuế gợi thêm sầu?
Với tôi, tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa tận thu!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.