Mới ăn Tết 2 tháng đã tính chuyện ăn Tết tiếp
Nàng Minnie hào hứng: “Lại sắp được ăn Tết nữa rồi!”
Chàng Mickey ngo nguẩy đuôi: “Tào lao. Bữa nay mới 16 tháng 4 trên và 1 tháng 3 dưới. Mới ăn Tết Mậu Tuất hoành tráng cách đây có 2 tháng mà đã lo ăn Tết Kỷ Hợi rồi sao.”
Minnie đẩy chiếc smartphone có màn hình tràn viền 19:9 ngồ ngộ với 2 chiếc tai thỏ (notch) cho Mickey coi: “Nè đọc báo đi…”
Báo ngày thứ Hai 16-4-2018 đưa tin: Cuối tuần qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức lấy ý kiến các bộ ngành liên quan về các ngày nghỉ lễ Tết năm 2019. Theo đề xuất, nghỉ Tết Âm lịch 9 ngày; nghỉ Tết Dương lịch 4 ngày; và nghỉ dịp 30/4 và Quốc tế lao động 1/5 là 5 ngày.
Để có những ngày nghỉ liền kề kéo dài như vậy, bao giờ cũng phải có những ngày làm bù vào thứ Bảy. Thiệt ra, làm bù bất thường vào ngày nghỉ bình thường thì chỉ mang tính hình thức, cho có làm. Bởi ngày đó thiên hạ quen là ngày nghỉ, ai mà đi làm. Chẳng hạn các cơ quan và dịch vụ phục vụ người dân, có làm bù ngày thứ Bảy cũng chỉ hao điện vì thực tế chẳng có bao nhiêu người dân biết mà đi làm giấy tờ, thủ tục.
Phải chăng cơ quan chức năng của ta quởn quá nên phải bày chuyện ra kẻo người ta nhìn vào chê mình sống bằng tiền dân đóng thuế mà không chịu làm việc? Cớ sao không để cho các ngày nghỉ lễ cứ theo nếp nghỉ đúng theo luật định, mà năm nào cũng phải xúm nhau tìm phương án nghỉ mới?
Theo Điều 115 Bộ luật Lao động 2012, thời gian nghỉ Tết Âm lịch được hưởng nguyên lương là 5 ngày. Nếu những ngày nghỉ theo quy định này trùng vào ngày nghỉ hàng tuần, thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp. Với ý định tạo sự linh động, Điều 8 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động quy định: “Thời gian nghỉ Tết Âm lịch do người sử dụng lao động lựa chọn 1 ngày cuối năm và 4 ngày đầu năm hoặc 2 ngày cuối năm và 3 ngày đầu năm. Người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo phương án nghỉ Tết Âm lịch cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.” Nhưng chính cái sự linh hoạt này mà năm nào, Chính phủ cũng phải làm thêm cái việc quyết định chọn phương án nghỉ Tết nào, chứ không cố định thành một tập quán là nghỉ từ 30 Tết tới hết mùng 4 Tết hay từ 29 Tết đến hết mùng 3 Tết. Cho dù Thủ tướng chỉ là người sử dụng lao động trong lực lượng lao động nhà nước, nhưng quyết định nghỉ Tết của Chính phủ lại có giá trị cả nước, nên coi như các người sử dụng lao động khác không thể làm khác đi.
Điều đáng nói ở đây là trong dịp nghỉ Tết Âm lịch Kỷ Hợi 2019, cả hai phương án nghỉ Tết do Cục An toàn lao động (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) dự thảo có thể coi là… trớt quớt. Bởi lẽ chúng giống hệt nhau cả về số ngày nghỉ (9 ngày) lẫn thời gian nghỉ (từ thứ Bảy 28-12 Mậu Tuất tới hết ngày Chủ nhật 6-1 Kỷ Hợi). Do 5 ngày nghỉ Tết theo luật định có thể nằm trọn một tuần từ thứ Hai tới hết thứ Sáu, thêm 2 ngày cuối tuần trước và sau đó (vị chi là 9 ngày), lẽ ra cứ quyết định vậy cho đơn giản và đúng luật. Đằng này, quý ngài chuyên viên còn vẽ ra thêm cái phương án thứ 2 cho mọi người góp ý chọn và Thủ tướng quyết, đẩy thời gian nghỉ Tết lên vào ngày Chủ nhật để rồi sau đó gọi ngày thứ Sáu sau Tết là ngày nghỉ bù Tết. Chi vậy trời!
Còn một chi tiết nữa, gọi là “nghỉ Tết 9 ngày” cho nó gọn thiệt á, nhưng có gì đó sai sai à nghen. Bởi thực tế nó gồm 5 ngày nghỉ Tết theo luật và 4 ngày nghỉ cuối tuần bình thường. Trong văn bản giấy tờ chính thức có lẽ không nên gọi là “nghỉ Tết 9 ngày”, mà chính xác là “nghỉ dịp Tết 9 ngày” hay “đợt nghỉ Tết 9 ngày”. Gọi là “nghỉ Tết 9 ngày” có nghĩa là phá rào, vi phạm luật Lao động rồi á; cũng như khiến cái năm con heo ú nù bị mang tai mang tiếng là nghỉ Tết quá dài, gần gấp đôi bình thường.
Tất nhiên công chức và người lao động luôn khoái được nghỉ càng nhiều ngày càng tốt, đặc biệt càng sướng hơn khi nghỉ vẫn được hưởng nguyên lương.
Chỉ khổ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và các chủ doanh nghiệp, nhà quản lý doanh nghiệp rầu thúi ruột do phải cho công nhân nghỉ nhiều ngày liên tiếp. Nó ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất. Đặc biệt là các doanh nghiệp chi nhánh nước ngoài ở Việt Nam hay có làm ăn hợp đồng với đối tác, bạn hàng nước ngoài. Nghỉ nhiều và nghỉ dài ngày như vậy là một trở ngại trong thời giao thương hội nhập quốc tế.
Mà thôi, than thân kể khổ là làm giùm cho doanh nghiệp và các ông bà chủ thôi. Còn ta là người làm thuê ăn lương, hễ được nghỉ đúng quy trình là thấy cái chỉ số hạnh phúc (Happy Planet Index) cao ngời ngời đầy thần thái rồi.
PHẠM HỒNG PHƯỚC