Ước gì ta biết nghĩ cho nạn nhân…
Sáng hôm qua, một anh bạn đồng nghiệp của tôi vốn có mỹ danh là “nhà báo nhan sắc” hiện đang là phó soái một tờ báo ở Saigon treo trên trang Facebook của mình cái status đầy tâm trạng: “Trong các cuộc khủng hoảng truyền thông liên quan đến nhiều bên, nếu trong quá trình xử lý, các bên không đặt lợi ích của nạn nhân là trung tâm mà cứ chạy theo mục đích, mục tiêu của mình thì tổn thất đối với nạn nhân sẽ cực lớn. Vết thương sẽ trầm trọng và khó chữa lành ngay cả khi khủng hoảng đã chấm dứt!”
Một anh bạn chung đang dạy báo chí đã lo ngại: “Vấn đề là làm sao xác định ai, những ai là nạn nhân.”
Băn khoăn của anh bạn chung là đúng đắn trong những trường hợp chưa rõ ai là nạn nhân. Nhưng tôi hiểu ý của “nhà báo nhan sắc” là dù ở bên nào, khi xử lý khủng hoảng cũng cần phải biết nghĩ tới những thiệt hại của phía nạn nhân, làm sao để có sự thật, trả lẽ công bằng cho nạn nhân và bù đắp phần nào những thiệt hại của nạn nhân.
Chỉ có điều, nếu vậy thì cả anh bạn “nhà báo nhan sắc” và tôi nữa giống như đang sống trong môi trường thực tế ảo (VR) lý tưởng hóa cuộc đời này. Tôi đã comment như vầy: “Anh nghĩ là chuyện không tưởng nhà báo nhan sắc à. Bởi mục đích của xử lý khủng hoảng truyền thông luôn để giảm nhẹ nhân tai cho mình. Người Việt mình còn học ai cái thói tìm mọi cách đổ tội cho nạn nhân.”
Vậy là một nhà báo khác lên tiếng bằng cách chia sẻ một status dài của anh post ngày 21-4-2018 với tựa là “Nạn nhân”. Trong đó anh viết: “Tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân là một tâm lý phổ biến của đám đông. Từ tâm lý đến hành động, lời nói, văn bản đổ lỗi cho nạn nhân là 1 quá trình nhanh chóng. Và điều đó rất đáng kinh tởm!” Anh viết tiếp: “Hãy đặt mình vào vị trí nạn nhân. Nạn nhân luôn đơn độc ở xã hội có nhiều “kẻ đổ lỗi cho nạn nhân”…. Hiểu và đứng về nạn nhân mới là cách khiến những “hung thủ tương lai” phải chùn bước khi nghĩ tới cách phạm tội… Lần nữa, hãy nghĩ cho nạn nhân!”
Tất nhiên là tôi chỉ trích một số câu trong bài viết có nhiều dẫn chứng cụ thể và thẳng thắn của anh bạn đồng nghiệp. Có thể anh khó chịu khi bị tôi “tước” đi những chỗ “nhạy cảm” nhất. Xin anh tha lỗi. Ở đây, tôi chỉ muốn bày tỏ sự đồng tình mà không đồng tính với anh bạn chung “nhà báo nhan sắc” ở trên.
Từ trải nghiệm đời mình, tôi nghĩ rằng họa chăng là “Thánh sống” thì mới đạt tới cái tâm thức biết nghĩ tới tha nhân trước cái bản ngã của mình. Còn thì hầu như khi làm bất cứ chuyện gì, ta thường quan tâm rằng nó đem lại được gì cho mình và tập thể. Có lần, tôi giải thích với mấy bạn trẻ về cái sự mới khánh thành đã phải sửa chữa của những công trình xây dựng, cầu đường rằng: Ở xứ người – cụ thể là Mỹ hay Tây Âu – khi duyệt công trình nào, người có chức trách cân nhắc coi công trình đó sẽ được xây dựng ra sao, hiệu quả kinh tế thế nào, đem lại lợi ích gì cho cộng đồng và có độ bền bao lâu. Còn ở những xứ mà chỉ số trong sạch (Corruption Perceptions Index, CPI) thấp lè tè, điều mà quan chức có quyền duyệt dự án nghĩ tới đầu tiên là “mình được chia bao nhiêu phần trăm”.
Nếu từng chứng kiến những vụ va chạm giao thông ngoài đường, bạn ắt không hề xa lạ gì với cảnh người gây tai nạn thấy rõ vừa mở cửa xe ra là sa sả đổ lỗi cho nạn nhân, giống như ra đòn trấn áp phủ đầu khiến đối phương lúng túng mà ú ớ. Đó chính là một điển hình cho cái tâm lý chỉ muốn đổ lỗi cho người khác – ở đây là nạn nhân – của tôi và chúng ta.
Còn vì sao mà thiên hạ khoái đổ lỗi cho người khác? Muốn thoát trách nhiệm, không làm tổn hại tới uy tín, bảo vệ hình ảnh lâu nay sáng ngời ngời của mình, giảm nhẹ tiền bồi thường, tránh nguy cơ bị tù,… Nhiều nhiều nguyên nhân lắm, nhưng tựu trung lại, tất cả gom vào 2 cụm từ “tư lợi” và “cái tôi”.
Ước gì một bữa nào đó tôi lang thang trên phố rồi va chạm một hoa hậu (xin bỏ qua cái vụ xét vô tình hay cố ý). Lúc đó, tôi sẽ thể hiện mình là một gentleman lăng xăng lít xít hỏi thăm tình trạng của nàng, ân cần nắm tay nàng hít hà với bộ mặt đầy ân hận, cuối cùng hỏi xin nàng nickname Facebook, số phone đặng có thể hỏi thăm sức khỏe ra sao. Đó đó thấy không, tôi là người luôn biết nghĩ cho nạn nhân trước tiền. Ai đó có như tôi…
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Ảnh gốc: Internet. Thanks.