Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Vùng chửi yêu, miền chửi bậy

 

Thiệt lòng, tôi không hề muốn nhắc lại chuyện cô gái thánh chửi dạy tiếng Anh vừa làm dậy sóng “Dang Cư Mận” kia. Đau lòng lắm. Và tôi hồn nhiên tin rằng chắc cô gái lạ ấy cũng đã rút được bài học là sau này có chửi lưu loát như thế thì nên dùng tiếng Anh cho ít người hiểu hơn. Nhưng sáng nay, tôi đọc được status của ông bạn double đồng nghiệp (nhà báo và công nghệ) Le Trung Viet viết rằng: “Vụ thầy trò chửi nhau. Trò chửi thầy là trò mất dạy. Thầy chửi trò là thầy khốn nạn. Mất dạy có thể dạy lại được. Khốn nạn là bản chất.” Có lẽ do quá bức xúc nên anh ấy hơi nặng lời. Chỉ có điều nó đáng để nghĩ ngợi.

Hôm rồi coi clip ghi tại lớp, tôi nghĩ có thể do cô thánh chửi nhất thời manh động. Sáng hôm sau, coi cô ấy live stream giải thích và nói rõ phương pháp “giáo dục” của mình, tôi mới biết đó là bản năng của cô ấy. Có bạn khen cô ấy dạy tiếng Anh giỏi và có nhiều người học. Cái kia gọi là cá tính. Nhưng cá tính dù mạnh mẽ và lập dị tới đâu cũng vẫn có thể chấp nhận được (ai không hạp thì bỏ đi), còn khi cái gọi là cá tính đó bị biến dạng tới mức gây tổn hại và miệt thị người khác – nhất là học trò mình – thì không còn là cá tính nữa. Đó là chuyện văn hóa rồi.

Rồi một anh bạn đồng nghiệp người Bắc lấy vợ phương Nam lập nghiệp ở Saigapore đặt câu hỏi: “Tại sao tất cả những chuyện kiểu thú đau thương, bún mắng cháo chửi, cô giáo 100k, cô giáo bọ cạp… này chỉ có ở ngoài Bắc mà ko có ở nơi nào khác, kể cả miền Trung, các ông các bà có bao giờ vắt tay lên chán tự hỏi không?” Quả là một câu hỏi cực nhạy cảm, có thể bị chụp cho các thể loại mũ phân biệt vùng miền, kỳ thị Bắc Nam, gây mất đoàn kết dân tộc, khoét sâu cuộc chia ly định mệnh của Tổ phụ – Tổ mẫu,… toàn là đáng bị xử bằng lá ngón.

Thật ra, người muốn hiểu theo ý mình (tôi không dám dùng chữ “thiển cận” đâu nhé), coi cách hỏi đó là phân biệt vùng miền. Còn nếu nhìn xa qua lũy tre làng, người ta nghĩ tới các ảnh hưởng của môi trường sống, của văn hóa. Nó không phải là chuyện của người tỉnh này, thành kia. Nó là chuyện của văn hóa vùng miền. Môi trường sống và văn hóa vùng miền được hình thành qua nhiều thế kỷ từ những đặc thù, hoàn cảnh riêng mang tính lịch sử. Tôi không dám đi sâu phân tích, mà chỉ nghĩ rằng: có những cái mà người ở đó xưa nay vốn coi là chuyện bình thường. Tôi xin thí dụ vui nhé. Ở miền Bắc mà chửi nhau là “Đồ mặt lợn” có khi được hiểu là chửi yêu, trong khi ở miền Nam mà gọi nhau là “Đồ mặt heo” thì nặng nề lắm nghen. Người vợ ở miền Bắc mà được bố thằng cu gọi là “mẹ cái hĩm” cứ là phê tít cả mắt, còn ở miền Nam mà bị gọi là “mẹ… à mà thôi” là coi như xong phim.  

Nếu nói về thói hư tật xấu thì người Việt Nam mình chia đều cho nhau giữa các vùng miền, kẻ tám lạng, người nửa cân. Có khác nhau chăng là mỗi vùng miền có những thói tật nặng nhẹ không như nhau.

Bản thân mình, tôi không sợ bị ném đá là kẻ kỳ thị vùng miền. Bởi tôi là người Việt 100% bẩm sinh. Đây nè, cha mẹ tôi gốc Bắc, tôi đẻ rớt tại miền Trung, và lớn lên ở miền Nam – nơi tôi được hoài thai. Nên ai nói xấu vùng miền nào cũng đều khiến tôi nhột hết ráo.

Khi tôi nói: “Xin đừng gọi cái cô “thánh chửi” là cô giáo. Tội nghiệp các thầy cô giáo chân chính. Cô ấy chỉ là người dạy tiếng Anh.”, có bạn thắc mắc: “Việt Nam có câu “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Thú thiệt, tôi không rõ đây có phải là một câu của người Việt không vì nó được dịch từ câu chữ Hán “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Tôi thiển nghĩ, vấn đề nằm ở chỗ người đó có đáng để được gọi là thầy không? Câu tục ngữ kia hàm ý khuyên ta biết ơn người dạy cho ta những điều hay lẽ phải. Nhưng biết ơn việc người đó dạy mình và tôn kính nhân cách người đó là chuyện khác nhau á, và cũng có nhiều sắc thái, ngữ cảnh khác nhau. Cô giáo dạy ta biết tiếng Anh thì ta phải biết ơn cô, nhưng nếu cô giáo có nhân cách tệ hơn vợ thằng Đậu thì ta không thể nào yêu cô ấy được.

Mà thôi, nói nãy giờ vừa mang tiếng nhiều chuyện, vừa làm mất lòng một cơ số người (có thể bị “ủn” follow hay friend). Mục đích chính của tôi chỉ là để có cớ chia sẻ bức biếm họa của họa sĩ LAP (Lê Anh Phong) của báo Tuổi Trẻ Cười về cuộc song đấu giữa cô Lợn và cô Bọ Cạp.

Sống đơn giản thì sống lâu, sống phức tạp dễ bị tổn thọ.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Tranh của họa sĩ biếm LAP. Xin mượn từ nhà Phây của anh. Thanks.