Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Đừng hỏi vì sao giáo sư buồn…

 

Các giáo sư, phó giáo sư chân chính của xứ Việt quả là có một năm 2018 buồn ơi là rầu. Một loạt sự kiện bê bối xảy ra làm hoen ố hình ảnh học hàm cao quy này.

Hồi đầu năm lùm xùm vụ có những ứng viên không đủ tiêu chuẩn vẫn tìm cách lọt được qua vòng ngoài để có tên trong danh sách đề cử phong giáo sư, phó giáo sư quốc gia năm 2018. Lần phong này được gọi là “chuyến tàu chót” vì qua năm, tiêu chuẩn sẽ khắt khe – nói chung là khó hơn nhiều. Sau khi bị báo chí khui ra, và sau đó buộc Thủ tướng phải can thiệp, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước (CDGSNN) đã phải tiến hành rà soát lại 94 hồ sơ “có nghi vấn” trong danh sách công nhận ban đầu. Cuối cùng, đầu tháng 4-2018, Hội đồng này đã công bố danh sách 53 ứng viên trong số đó được công nhận GS, PGS. Như vậy, có 41 ứng viên đã bị loại khỏi danh sách ban đầu, bao gồm một số người sau khi ra soát lại thấy không đủ điều kiện và một số ứng viên chủ động xin rút lui.

Trước đó, ngày 6-3-2018, Chủ tịch Hội đồng CDGSNN đã ký quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 đối với 1.131 ứng viên trong tổng số 1.226 hồ sơ đã được thông báo trước đó. GS.TSKH Bùi Văn Ga, Phó Chủ tịch Hội đồng CDGSNN đã nói với báo chí rằng: các hội đồng ngành và tổ công tác đã xác định có 1.131 hồ sơ ứng viên đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, có minh chứng rõ ràng, đảm bảo đầy đủ các điều kiện để công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS, không có đơn thư tố cáo. Như vậy, có 95 hồ sơ đã bị loại ra khỏi danh sách công nhận so với danh sách ban đầu.

Giữa tháng 5-2018 nóng bỏng nhiều chuyện an sinh xã hội, trật tự trị an lại ồn ào vụ “khai quật” một trường hợp phong chức danh giáo sư bất bình thường. Chuyện xảy ra từ lâu rồi nay bỗng dưng được khui lại. Một người được phong chức danh GS năm 2009 bất chấp việc trước đó từng bị quy là “đạo văn”. Cụ thể là ông này đã được vào 2 cuốn sách của mình cả trăm trang từ luận văn của hai nghiên cứu sinh học trò mình. Cho dù ông có chú dẫn nguồn, nhưng việc sử dụng nội dung của người khác chiếm tới gần 1/3 cuốn sách thì khó thể được coi là “dẫn lời” hay “dẫn ý”.

Mà thôi, chuyện cũng đã qua nhiều năm rồi (bắt đầu từ năm 2002). Vấn đề là chẳng hiểu sao giờ có người lại lôi nó lên, không lẽ muốn thu hút dư luận xông vào tranh cãi mà xao lãng những chuyện dầu sôi lửa bỏng khác? Lại thuyết âm mưu rồi ư!

Phần mình, tôi chỉ lăn tăn trước ý kiến của một vị giáo sư hiện là Chủ tịch Hội đồng CDGS ngành Ngôn ngữ học – mà hồi đó từng là thành viên hội đồng này xem xét hồ sơ GS của ông kia. Trả lời phỏng vấn của báo điện tử VietNamNet (15-5-2018), vị giáo sư này thừa nhận ông kia có đạo văn, nhưng việc vẩn được phong chức danh giáo sư là vì “tinh thần nhân đạo và nhân văn của truyền thống văn hóa Việt Nam”. Ôi, không lẽ cái tính xuề xòa “dĩ hòa vi quý”  50% tốt, 50% xấu của người Việt cũng ăn vào cả quy trình xét phong chức danh giáo dục.

Tất nhiên do đã bị khui ra rồi, vụ việc của vị giáo sư kia sẽ được cơ quan chức năng xem xét lại để công bố cho phân minh tỏ tường. Dù sao cũng cần phải thanh minh, trả lại danh dự cho người kia, nếu như thiệt sự bị oan Thị Kính. Đành rằng không nên truy cùng diệt tận, luôn phải mở lòng ra tạo điều kiện cho người ta có cơ hội thứ hai, nhưng mọi sự cần minh bạch, rõ ràng. Hơn nữa, ngành giáo dục có những đặc thù riêng mà có những khi chỉ cần nhúng chàm một lần là vô phương tẩy rửa. Đó cũng chính là một trong những thành tố hợp thành tạo nên sự cao quý cho nhà giáo.

Cuối cùng, xin phép nhắc lại, tôi chỉ ngẫu hứng tám về chuyện này vì lo rằng có thêm một thể loại “giáo sư vị tha, nhân đạo”. Tôi không bị xao lãng đâu nghen.

PHẠM HỒNG PHƯỚC