BOT là gì?
Vấn nạn các dự án và trạm BOT lại nóng lên ngay trong những ngày đầu khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nói rằng “BOT là sản phẩm của giai đoạn trước” và bây giờ ông phải giải quyết.
Ông Thế được Quốc hội phê chuẩn đứng đầu Bộ GTVT từ tháng 10-2017 khi ông đang là Bí thư tỉnh Sóc Trăng. Nhưng ông từng là Thứ trưởng GTVT (2013-2015) trước khi được luân chuyển về Sóc Trăng. Và nghe nói, trong “giai đoạn trước” đó, ông đã ký hơn 20 dự án BOT, trong đó có BOT Cai Lậy gây ồn ào vừa qua. Vậy thì ra, bây giờ, ông giải quyết cái mình bày ra.
Mà BOT là gì? BOT viết tắt của cụm từ tiếng Anh Build–operate–transfer, một hình thức đầu tư gồm 3 giai đoạn xây dựng – điều hành – chuyển giao mà trong đó nhà nước sử dụng nguồn lực của tư nhân để xây dựng cơ sở hạ tầng rồi sau đó cho tư nhân kinh doanh để thu hồi dần vốn đầu tư tới một thời gian nào đó sẽ giao lại cho nhà nước quản lý.
Còn trong ngữ cảnh Việt Nam hiện nay, tôi nghĩ cái chữ BOT được viết tắt thuần Việt là “Bốt ông Thể”. Vậy á.
Cũng tại Quốc hội kỳ này, Bộ trưởng Thế giải thích lý do đổi tên trạm thu phí BOT thành trạm thu giá BOT. Đó là vì nghị định của Chính phủ à nghen. Phí thì là của nhà nước và do Hội đồng nhân dân địa phương quản lý và quyết định. Còn đây là kinh doanh của tư nhân nên để họ chủ động thay đổi giá cho phù hợp từng thời điểm, bộ GTVT đổi thành “thu giá”. Nhưng thực tế, từ “thu giá” hoàn toàn không có nghĩa gì trong tiếng Việt (ngoại trừ, mặc dù viết chưa đủ, có thể hiểu là nơi thu hồi hay thu mua…giá sống cho mấy quán phở). Tôi nghĩ, nếu muốn né cái từ “phí” sao không dùng từ “thu tiền” cho nó minh bạch hay “thu cước”.cũng được. Rõ là nhà chức trách Việt Nam mình tự bày ra cái chuyện phân biệt rồi giành độc quyền cái từ “phí” cho nhà nước. Vậy thì, hễ nói “lãng phí” phải hiểu đó thuộc phạm trù nhà nước chăng?
PHẠM HỒNG PHƯỚC