Thứ Năm ngày 28 tháng 11 năm 2024

Khi những bộ óc 2.0 lại có quyền bấm nút cho 4.0.

 

Quốc hội trong kỳ họp thứ 5 Khóa 14 này đang thảo luận lần chót để thông qua dự thảo Luật An ninh mạng vốn gây nhiều tranh cãi.

Và bản dự thảo cuối cùng được trình ra QH này sau nhiều góp ý đã gây thất vọng và quan ngại cho nhiều người. Có thể nói tóm tắt thế này, nếu được các đại biểu bấm nút thông qua như dự thảo, Luật An ninh mạng sẽ trói chân, kéo lùi Internet Việt Nam về thời 2.0.

Có bạn đồng nghiệp quan ngại rằng: trong khi người người, ngành ngành đang ra rả nói về thời Công nghệ 4.0 thì các nhà soạn luật lại kéo lùi về thời 2.0.

Tôi nghĩ điều đó là dễ hiểu và là tất nhiên. Bởi bộ luật của thời 4.0 được soạn thảo và có thể được thông qua bởi những bộ óc 2.0. Việt Nam hiện không chấp nhận những nhà soạn luật độc lập và chưa sử dụng những nhà soạn luật chuyên nghiệp. Trong điều kiện đó, lẽ ra nên giao việc soạn thảo luật cho các tổ chức chuyên môn chuyên ngành làm, nhà nước lại giao việc ấy cho các cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước. Điều dễ hiểu là họ sẽ soạn luật sao cho đem lại lợi ích cho nhiệm vụ quản lý của ngành họ chớ đâu vì lợi ích của công chúng và của những người thực hiện và bị chi phối. Họ cũng dễ đẩy sự bất cập và bất lực về quản lý của mình về phía người thi hành luật bằng cách cài cắm các quy định bảo đảm an toàn cho họ. Luật An ninh mạng do Bộ Công an soạn thảo tất nhiên được nhìn từ góc độ công an và đứng về phía công an.

Đã có một số đại biểu QH cho thấy sự hiểu biết của mình qua những ý kiến tranh luận nêu ra được những bất cập, bất hợp lý, khó khả thi (nếu không cưỡng ép bằng mệnh lệnh nhà nước) còn tồn tại trong dự thảo này. Nhưng liệu tiếng nói của họ có được lắng nghe? Một dự luật về công nghệ hiên đại, có liên quan hội nhập quốc tế, liệu sẽ được thông qua thế nào khi đại đa số đại biểu QH lại không thuộc lĩnh vực đó, khó thể hiểu thấu đáo nó.

Ngoài ra, người đứng đầu ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội lại khẳng định việc bắt buộc các nhà kinh doanh trên Internet quốc tế phải đặt máy chủ, mở văn phòng ở Việt Nam là “không vi phạm các quy ước, cam kết mà nước ta đã ký” với quốc tế. Có lẽ ông này quên hay không biết tới các cam kết của nhà nước Việt Nam, cụ thể khi gia nhập WTO và về loại hình kinh doanh dịch vụ xuyên biên giới. Quan chức lãnh đạo đã vậy, trách chi đại biểu đại trà không bấm đại.

Trích từ “Cam kết WTO về các dịch vụ kinh doanh” do Trung tâm WTO thuộc VCCI cung cấp.

Trích từ “Cam kết WTO về các dịch vụ kinh doanh” do Trung tâm WTO thuộc VCCI cung cấp.

PHẠM HỒNG PHƯỚC