Chưa chắc à nghen…
Mấy hôm nay, trên Cõi Phây có ngày càng nhiều người muốn hợp pháp hóa chuyện mua bán cái vốn tự có của phụ nữ. Họ muốn công nhận đó là một nghề và người hành nghề phải đăng ký kinh doanh, có đóng thuế hẳn hoi. Và họ cũng giải thích rằng như vậy là cái việc đó không bị coi là phi pháp hay bị lên án nữa. Oh yeah!
Thiệt ra, luật hiện hành của Việt Nam thuộc loại tiến bộ, trong trường hợp này nhé, vì không hình sự hóa hành vi mua bán dâm. Những người chẳng may bị bắt quả tang thì chỉ bị xử phạt hành chính, coi như thuộc dạng mà trước năm 1975 ở Saigon gọi là công xúc tu sỉ, tức là xúc phạm thuần phong mỹ tục. Tất nhiên, nếu hai đương sự cẩn thận không để bị nhà chức trách bắt quả tang thì là chuyện thuận mua vừa bán thôi. Luật chỉ xử tội kẻ môi giới, tổ chức, kinh doanh thân xác người khác.
Theo một thống kê hồi tháng 4-2018 của tổ chức ProCon.org, trong số 100 nước mà họ khảo sát về vấn đề mua bán dâm, có 53 nước hợp pháp hóa, 12 nước hợp pháp hóa có giới hạn và 35 nước coi là phi pháp. Nếu tính luôn Taiwan, thế giới hiện có 196 nước, trong đó có 193 nước là thành viên Liên Hiệp Quốc.
Để nói chuyện Mỹ chút nghen. Mỹ là một nước hợp pháp hóa vụ mua bán dâm có giới hạn. Ngoại trừ bang Nevada, tất cả 49 bang còn lại đều coi mua bán dâm là phạm pháp (illegal). Năm 1980, bang Rhode Island công nhận mua bán dâm trong nhà là hợp pháp. Tùy bang và mức độ phạm pháp mà có mức phạt từ 10 ngày tù tới 5 năm tù hay từ 50 USD tới 150.000 USD (cho người bán dâm và mua dâm). Bạn có thể tham khảo cụ thể ở đây.
Nếu có đi Mỹ, bạn ắt thấy là trong mẫu đơn xin cấp visa du lịch có một câu hỏi trong phần an ninh hỏi bạn có từng qua Mỹ hành nghề bán dâm, môi giới mãi dâm hay dính tới gái mãi dâm trong vòng 10 năm qua không? Bạn thử Yes một cái mà coi.
Thiệt ra, có những điều không vi phạm pháp luật, nhưng lại bị xã hội, đạo đức xã hội, văn hóa dân tộc phê phán. Đó cũng là lẽ thường tình. Tôi tin rằng đại đa số những người châu Á như Việt Nam sẽ không coi mua bán dâm là chuyện bình thường. Và ngay cả những người trong cuộc cũng không bao giờ coi đó là cái nghề bình thường, đáng tự hào. Thử hỏi có quý ông nào dám công khai mình vừa vui vẻ với một cô hành nghề ấy ấy hay ngang nhiên đến những nơi ấy.
Đành rằng người ta bán cái vốn tự có của mình, nhưng chớ nên lẫn lộn hay đánh đồng thân xác với các thứ vật chất khác ở trên đời.
Mà nghĩ cũng lạ. Ngay cả ở Mỹ, nơi quyền tự do cá nhân được ghi rõ trong Hiến pháp và được tuân thủ một cách đặc biệt, cũng không có ai dám lập luận theo kiểu cái vốn tự có của mình thì mình muốn cho ai, bán ra sao tùy mình.
Sau khi được công nhận là một nghề hợp pháp, tất nhiên dịch vụ này sẽ được xếp vào nhóm ngành nghề nhạy cảm, kinh doanh có điều kiện và thậm chí theo quy hoạch của địa phương. Bất cứ ai kinh doanh, hành nghề cũng sẽ phải đăng ký kinh doanh, đóng thuế theo luật định.
Vậy là, nếu như vậy, bán dâm thành một nghề hợp pháp nên người mua kẻ bán không còn bị cấm hay nơm nớp lo sợ phạm pháp nữa. Chỉ có điều, người hành nghề mại dâm tuy không còn bị xử phạt về hành vi này, nhưng sẽ có thể bị xử phạt tội hành nghề lậu và trốn thuế. Bán dâm hiện nay nếu bị bắt quả tang cũng chỉ bị xử phạt hành chính 500.000 đồng. Nhưng tội hành nghề lậu và trốn thuế là tội hình sự với mức án chẳng hề nhẹ nhàng.
Tôi nghĩ thế này, sau khi suy đi tính lại, các chưn dài sẽ không bao giờ đồng ý hợp pháp hóa dịch vụ vui vẻ mát trời ông địa này. Bởi chắc chắn, làm sao mà một hoa hậu, người mẫu, MC,… lại có thể đăng ký hành nghề bán dâm. Mà một khi nhảy dù, nếu bị bắt quả tang, họ sẽ không còn chỉ bị xử phạt hành chính nhẹ như lông gì đó nữa, mà có nguy cơ phạm tội hình sự do hành nghề lậu và trốn thuế. Xin đừng có nói là thuận mua, vừa bán ở đây.
Mà tôi thắc mắc, nếu coi bán dâm là một nghề hợp pháp, chắc chắn người ta phải có tên gọi khác, không thể gọi một cách bình dân là bán dâm được, ai lại thế! Hồi trước năm 1975, người Saigon gọi chuyện này là bán hoa. Bây giò mà gọi vậy, các dịch vụ bán hoa tươi, hoa giả la làng chói lọi. Ờ, có lẽ gọi cho nó theo trend 4.0 là “dịch vụ tình dục” có tên tiếng Anh là “sex service”.
Nhân tiện, để nêu cao tinh thần nhìn xa trông rộng, đi trước đón đầu, tôi có nên gọi vốn start-up mở trường dạy nghề bán dâm không? Vì một khi bán dâm đã trở thành một nghề hợp pháp, tất nhiên phải có đào tạo nghề, cấp chứng chỉ nghề. Không chừng có cả bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành… à mà thôi. Ôi, cứ nghĩ tới lúc được khoe namecard có in các chức danh, học vị ấy thiệt là thần thái, đưa tới đâu là thiên hạ oh yeah tới đó.
Sẵn đây, mời bạn đọc chơi cho biết một bài của nữ giáo sư người Mỹ Janice G. Raymond thuộc Liên minh quốc tế chống buôn bán phụ nữ (CATW) nêu: 10 lý do vì sao không nên hợp pháp hóa mãi dâm.
Quả là mọi chuyện không hề đơn giản như đang giỡn đâu. Vậy thì phải làm sao? Thôi thì trong khi tiếp tục suy nghĩ cho thấu đáo, ta vẫn cứ nên thuận theo tự nhiên như hiện giờ, nhưng cần có những quy định để đưa dần vào vòng quản lý. Đây là chuyện mà ngay cả vợ chồng hợp pháp có pa-tăng và giấy xác nhận quyền sở hữu cũng phải vận động một cách ý tứ, kín đáo kia mà. Ăn bánh trả tiền mà để cho bị bại lộ thì trời kêu ai nấy dạ thôi! Ai biểu khiêu thích cho thiên hạ GATO mà chi!
PHẠM HỒNG PHƯỚC