Thứ Tư ngày 15 tháng 1 năm 2025

Nước Mỹ tưởng niệm 17 năm cuộc tấn công khủng bố 11.9

 

Sáng 11-9-2018 tại những địa điểm từng xảy ra cuộc tấn công thảm khốc của bọn khủng bố Hồi giáo ngay trên nước Mỹ vào ngày thứ Ba 11-9-2001, người Mỹ đã tổ chức các nghi thức tưởng niệm các nạn nhân. Tại khu vực từng là tòa tháp đôi World Trade Center (nay là Ground Zero) ở thành phố New York, các người tham dự đã đọc tên các nạn nhân tử vong và dành phút mặc niệm vào đúng thời khắc hai chiếc máy bay hành khách American Airlines Flight 11 và United Airlines Flight 175 bị bọn khủng bố cướp cho đâm vào hai tòa tháp North Tower và South Tower và lúc cả tòa nhà cao 110 tầng sụp đổ (trong vòng 1 giờ 42 phút kể từ khi bị chuyến bay đầu tiên đâm vào lúc 8g46ph sáng).

Còn tại thành phố Shanksville (Pennsylvania), nơi chiếc máy bay United Airlines Flight 93 bị hành khách chống cự và rơi xuống, nghi lễ tưởng niệm có sự tham dự của Tổng thống Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania.

Theo số liệu chính thức, cuộc tấn công liên hoàn do tổ chức khủng bố Hồi giáo al-Qaeda thực hiện này đã giết chết 2.996 người (bao gồm 19 tên không tặc), làm bị thương hơn 6.000 người và gây tổn thất ít nhất là 10 tỷ USD.

Đây là một cuộc tấn công vào cả thế giới khi có tới hơn 90 nước có công dân thiệt mạng.

Đây cũng là lần đầu tiên bọn khủng bố cướp những chiếc máy bay hành khách để dùng làm những quả bom sống lao vào các mục tiêu. Có tới 4 chuyến bay của hai hãng hàng không Mỹ American Airlines và United Airlines (mỗi hãng 2 chiếc) với tổng cộng 265 người trên máy bay và tất cả không một ai sống sót.

Đây cũng là cuộc tấn công từ nước ngoài gây thương vong nặng nhất trong lịch sử Mỹ.

Trong số 2.606 người mất mạng trong cuộc tấn công tại WTC, có ít nhất 200 người đã chết vì rơi hay nhảy thoát thân trong khi các tòa tháp bị cháy và sụp đổ.

Điều đáng nói, cuộc tấn công 11-9-2001 không chỉ gây tổn thất trực tiếp khủng khiếp như vậy ở Mỹ. Nó mở đầu cho những năm dài chiến tranh “báo thù” của Mỹ ở nước ngoài. So sánh là khập khiễng, nhưng nếu như cuộc tấn công bất ngờ của Quân phiệt Nhật Bản vào Trân Châu Cảng năm 1941 đã đẩy Mỹ tham gia trực tiếp vào cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2, cuộc tấn công 11-9-2001 đã mở ra một chương dài thảm khốc khi Mỹ tuyên chiến với bọn cực đoan Hồi giáo toàn cầu. Mở đầu là cuộc chiến của Mỹ và NATO hồi tháng 10-2001 vào Afghanistan, nơi được cho là dung dưỡng bọn al-Qaeda. Đây là cuộc chiến tranh ở nước ngoài mà Mỹ tham gia lâu nhất trong lịch sử, kéo dài tới tận hôm nay, gần 17 năm. Theo một số liệu thống kê, cuộc chiến tranh Afghanistan này đã giết chết hơn 4.000 binh lính và nhà thầu liên quân ISAF (có 2.412 binh lính Mỹ), hơn 15.000 binh lính Afghanistan, hơn 30.000 tay súng người bản xứ và hơn 31.000 thường dân. Tiếp đó là cuộc chiến tranh Iraq từ tháng 3-2003, là cuộc chiến ở nước ngoài dài thứ 2 mà Mỹ từng tham gia (8,8 năm). Số người chết trong cuộc chiến tranh Iraq này khác nhau tùy theo nguồn, từ 151.000 người tới hơn 460.000 người. Đó là chưa kể những hoạt động quân sự khác của Mỹ ở nước ngoài để chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo.

Thế giới đã không được yên ổn mà ngày càng trở nên nguy hiểm hơn sau cái mốc sự kiện cuộc tấn công 11-9-2001. Tấn công – trả đũa – tấn công – báo thù cứ nối tiếp nhau gieo rắc chết chóc và đau thương khắp nơi. Có thể nói rằng, chưa bao giờ chủ nghĩa khủng bố quốc tế, đặc biệt là có liên quan tới Hồi giáo, lại lộng hành như trong 17 năm qua, kể từ sau sự kiện 11-9-2001. Và cũng chưa bao giờ, Mỹ tấn công vào các thế lực khủng bố Hồi giáo dữ dội như trong 17 năm qua, kể từ sau khi Mỹ bị khủng bố quốc tế tấn công ngay trên nước Mỹ ngày 11-9-2001.

Vì thế, mỗi lần tưởng niệm sự kiện 11-9-2001, người ta càng thấm thía một điều, bạo lực chỉ dắt dây cho bạo lực. Bài học của Quân phiệt Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ 2 và của tổ chức khủng bố Hồi giáo al-Qaeda năm 2001 cho thấy hậu quả khủng khiếp ra sao khi tấn công vào người Mỹ chứ đừng nói chi ngay trên nước Mỹ. Tất nhiên, cũng có những luồng ý kiến cho rằng chính người Mỹ đã khơi mào dẫn tới cuộc tấn công 11-9-2001 và những hoạt động trả đũa của người Mỹ sau đó càng chọc giận hơn các thế lực cực đoan Hồi giáo. Có lẽ, chúng ta cũng đành nói rằng, sự kiện bi thương 11-9-2001 là bài học cho tất cả về chiến tranh và hòa bình. Và sự tưởng nhớ thiết thực nhất đối với các nạn nhân cửa vụ tấn công khủng bố 11-9-2001 là nỗ lực để không bao giờ xảy ra nó một lần nữa ở bất cứ nơi đâu trên hành tinh này.

Live stream buổi tưởng niệm tại Shanksville (Pennsylvania) sáng 11-9-2018.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh chụp từ TV.