Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Chưa có xe điên, chỉ có người điên lái xe như điên

 

Không, chính xác là chưa, có xe điên gây tai nạn chết người như người ta nói đâu. Chỉ có những người điên chạy xe như điên thôi.

Xe chỉ là một phương tiện vô tri vô giác và ngày càng được nâng cấp tốt hơn. Có chăng là hãn hữu nó bị sự cố kỹ thuật khiến người lái không thể điều khiển được nữa rồi gây tai nạn. Mà tất cả các sự cố kỹ thuật của xe cũng là từ con người. Vì thế, chưa thể dùng từ “xe điên”. Sở dĩ nói chưa là tới khi xe được điều khiển hoàn toàn bằng trí tuệ nhân tạo (AI), có thể tự lái, thì lúc đó có khi nó trở chứng bị chập cheng mà nổi điên. Ít nhất thì kịch bản Hollywood viết vậy.

Hôm qua, khi rơi vào cái tâm trạng cùng cực tương tự như cái “cây cột đèn mà có chân nó cũng bỏ đi”, tôi có viết một bài về nguy cơ “ác hóa” đang lan rộng trong người Việt. Và tới nửa khuya, một tai nạn giao thông thê thảm xảy ra ở Vòng xoay Hàng Xanh (TP.HCM) khi một phụ nữ trong tình trạng say xỉn phóng chiếc xe xịn BMW với tốc độ cao lao vào những chiếc xe gắn máy đang dừng đèn đỏ, lùa đi 5 chiếc tan tác rồi húc bẹp hông một chiếc taxi cùng chiều mới chịu dừng lại. Một cô gái trẻ đi xe gắn máy nằm chết trong gầm chiếc xe gây tai nạn. 5 người khác bị thương, trong đó có 1 người nguy kịch.  

Hiện trường vụ tai nạn khuya 21-10-2018 tại Vòng xoay Hàng Xanh (TP.HCM). Ảnh: Internet. Thanks.

Tôi nhìn thấy ở đó không chỉ đơn thuần là một tai nạn giao thông, mà có bóng ma cái ác. Nó thể hiện ở việc xem thường mạng sống người khác.

Thường thì có 2 yếu tố hợp thành làm cho cái ác trở nên nguy hiểm hơn:

– Một là, say xỉn mà lại lái xe trên đường. Bất cứ trạng thái say nào, kể cả say tình, cũng đều khiến người ta rơi vào tình trạng không thể kiểm soát được bản thân. Cứ hỏi những người đang say rượu rằng họ có thể lái xe nổi không, có lẽ tới 99% người trả lời là “vô tư” (còn 1% kia xỉn quá trả lời hổng nổi). Khi say, người ta phớn phở, thậm chí nghĩ mình có thể “lái xe bay lên trời” chớ đừng nói chi ba cái lẻ tẻ chạy trên đường.

– Hai là, có một nhóm người trong xã hội ngày nay sống trong cảm giác mình có tiền là mình có thể làm chủ được tất cả mọi việc – thậm chí kể cả mua mạng sống ai đó. Cái cảm giác bệnh hoạn này nó càng mạnh hơn trong một xã hội bị xô thiên về hình thức và kim tiền.

Và khi cả hai yếu tố này trộn vào nhau, cộng đồng bị nguy hiểm gấp bội lần. Hậu quả xảy ra ngay và luôn.   

Nhân tiện, có 2 (hay 3) người cùng tên Nguyễn Thị Nga sáng nay cùng bị mạng xã hội tấn công tới tấp. Thực tế chỉ có 1 người là chủ một nhà hàng thịt nướng ở quận 3 (TP.HCM) mới là người gây tai nạn. Còn lại, trong đó có người làm sếp ngân hàng ở Hà Nội là vô can. Lỗi là họ trùng cả họ lẫn tên và năm sanh. Nhưng lỗi của muôn lỗi là sự nhanh tay hơn não của các thể loại anh hùng bàn phím. Mà thiệt là tâm lý cá nhân nó bị sức mạnh trào lưu tập thể trên mạng dẫn dắt khiếp quá. Nó cũng dễ dàng lên núi xuống vực, thay đổi xoành xoạch. Ban đầu, nghe nói tới “ngân hàng” (tôi vốn “ác cảm” bẩm sinh do họ vừa từ chối cho tôi vay tiền mà vừa giới hạn hạn mức thẻ tín dụng của tôi), giờ lại xảy ra vụ tai nạn liên hoàn thê thảm này, tôi nhìn gương mặt người phụ nữ kia trong profile ai đó tương lên trên Facebook mà hừng hực nghĩ “sao gương mặt ngập ngụa ác khí thế kia”. Tới chừng có được thông tin cải chính, tôi nhìn lại gương mặt đó và thấy xao xuyến nghĩ “sao gương mặt đáng yêu như vậy”. Tệ thiệt á!

Chị Nguyễn Thị Nga làm ngân hàng ở Hà Nội đã phải cải chính khéo léo trên Facebook của mình sáng 22-10-2018.

Lại mượn chuyện đường xa. Khi sang Mỹ, ngồi trên xe do người khác lái chạy trên các nẻo đường với tốc độ cao, tôi luôn cảm thấy an toàn. Cho dù có những đoạn đường xuống cấp, chủ yếu do chưa kịp tu bổ sau mùa tuyết, nhưng mọi thiết chế giao thông luôn rất chuẩn mực, hợp lý với mục tiêu cuối cùng là bảo vệ sinh mạng cho người tham gia giao thông. Xe chạy nhanh nhưng không phải phóng ào ào. Người lái xe luôn có ý thức cao tuân thủ luật lệ giao thông. Và khi mỗi người tham gia giao thông đều tự giác tuân thủ luật giao thông thì hoạt động giao thông trở nên nhịp nhàng, trôi chảy và an toàn. Và hễ có ai trật chìa là gây ra tai nạn ngay.

Nhìn về xứ Việt, chắc chắn do sống ở đây hoặc đã quá quen, hoặc phải chấp nhận “chung sống cùng lũ”, người ta cứ đưa xe ra đường buông trôi theo dòng chảy giao thông. Một anh bạn đồng nghiệp của tôi nói rằng mỗi ngày ra đường là một cuộc chiến sinh tử. Tôi thì mỗi khi chạy xe, xe gắn máy thôi, về là đầu óc mệt mỏi vì căng thẳng. Mình luôn chạy xe đúng luật giao thông, nhưng muốn sống thì còn phải biết cảnh giác với những kẻ bất chấp. Đang chạy xe nghiêm túc trên đường mà có xe vượt ẩu hay từ trong hẽm phóng ra thì chắc chỉ có thể vận tuyệt chiêu khinh công Lăng Ba Vi Bộ của Đoàn Dự mới thoát thân nổi. Đau đớn nhất là chính những người đang tuân thủ luật giao thông lại bị cướp mất mạng. Mới nhất là những người chạy xe máy đang dừng đèn đỏ ở Hàng Xanh thì bị xe ôtô lao vào. Trước tới nay không thể nhớ nổi có bao nhiêu trường hợp trớ trêu như vậy. Tôi chỉ biết dặn các con mình, khi dừng đèn đỏ, nên cố gắng ở vị trí gần lề đường bên phải, có thể bớt nguy hiểm hơn.

Chúng ta đang phải sống trong một thực tế: đa số người Việt có ý thức giao thông rất kém. Đó mới chỉ ở mức ý thức chớ chưa nói tới văn hóa giao thông. Mà ý thức rồi văn hóa bị chi phối bởi cái môi trường chung. Bệnh quỷ cần có thuốc tiên. Thôi chớ mị dân và ngụy dân chủ nữa. Đừng tiếp tục tốn công sức vào chuyện coi việc giáo dục ý thức tuân thủ luật lệ là nền tảng nữa – nó chỉ có hiệu quả khi tiến hành song hành với pháp quyền. Có những thứ phải chuyên chế, siết lại ngay từ việc thực thi pháp luật, xử phạt thiệt nặng và không khoan nhượng đối với các hành vi gây tổn hại, đặc biệt là sinh mạng, của người khác. Xử cho sợ tới ớn lạnh óc eo mà chừa, mà tởn. Thử nhìn sang Singapore cách ta chưa tới 2 giờ bay để coi vì sao cuộc sống xã hội họ nền nếp hơn các nước cùng văn hóa và khu vực. Hãy nhìn các mức phạt của họ, minh bạch và cụ thể, dù rất kinh khủng, nhưng đâu có ai kêu là vô nhân đạo, mà ngược lại chúng còn giúp Singapore trở thành một nước văn minh hơn nhiều láng giềng.  

Nói vậy thì nói cho sướng cái… tay thôi. Chớ rồi cũng lại trôi theo dòng đời lạc trôi như bao năm nay vẫn vậy. Vài ba bữa, khi vụ tai nạn giao thông này lắng xuống (hay bị những vụ mới khác đè lên), đâu lại hoàn đó. Cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ. Và bạn và tôi vẫn tiếp tục phải đấu tranh sinh tử mỗi ngày khi đi ra đường. Bi kịch là đâu thể cứ ru rú trong nhà.

Riết rồi nhiều khi đâm ra nghĩ lẩn thẩn: Liệu Việt Nam giờ có bộ máy cầm quyền hay không mà cái xã hội nó rơi tự do như vậy? Hay là có, nhưng mà do họ bận tập trung cho những cái thứ quản chặt cứng nhắc khác hòng phục vụ cho chính họ là trước hết?

PHẠM HỒNG PHƯỚC