Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Chuyện kể về những kiện hành lý bị quăng đùng đùng…

 

Hãng hàng không Jetstar Pacific tối 5-11-2018 cho biết đã áp dụng kỷ luật cao nhất là sa thải hai nhân viên bốc xếp hành lý sau khi trên mạng xuất hiện clip ghi hình họ đang quẳng một số kiện hành lý lên băng chuyền trong quá trình bốc hành lý lên máy bay ngày 30-10-2018 tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Hãng Jetstar Pacific giải thích: khi đến những gói hàng “tài liệu giấy” nhỏ và nhẹ cuối cùng, 2 nhân viên này đã không thực hiện bốc xếp theo quy định (đặt hàng hóa cẩn thận lên băng chuyền) mà lại ném lên băng chuyền để chuyển vào khoang máy bay.

Bữa nay 29 (tháng thiếu không có ngày 30) tháng 9 Mậu Tuất rồi, chỉ còn 3 tháng nữa là tới Tết Âm lịch Kỷ Hợi 2019, nói thiệt lòng mình, tôi thấy mức kỷ luật như vậy là nặng thiệt. Cảnh cáo và rút kinh nghiệm toàn hãng là hợp tình hợp lý rồi.

Tôi luôn thích các hãng máy bay hành xử tử tế với hành lý của hành khách. Bởi tôi từng mấy lần là nạn nhân. Hên là không phải là nạn nhân của các hãng hàng không Việt Nam. Nhiều lần đi Mỹ, có bay nội địa, tôi xót xa với những chiếc valy của mình bị bầm dập, sứt mẻ. Lần nặng nhất là valy bung ra, văng cả chiếc laptop Sony Vaio trị giá 1.500 USD của tôi bỏ trong đó từ Việt Nam qua tới Washington DC. Valy được dán băng keo lại có kèm theo miếng giấy báo “tai nạn”. Chỉ tội là chiếc laptop bị nứt một bên cạnh, về Việt Nam vô trung tâm bảo hành mất 2 triệu đồng – phải chờ nửa tháng vì ship phụ tùng từ Nhật Bản qua. (Lần đó, có bạn thắc mắc vì sao tôi không khiếu nại đòi bồi thường. Lòng kiêu hãnh của Con Rồng Cháu Tiên đã ngăn cản tôi làm điều đó, dân Việt ngon lành chấp chi ba cái vụ số xui ráng chịu đó hén!)

Vậy nên tôi tò mò và hậm hực canh me tìm hiểu. Chuyến bay sau chọn ngồi ngay cửa sổ và tận mắt quan sát, quay video cảnh những ông Mỹ to khỏe vật vã đang quẳng hành lý của hành khách từ xe tải lên băng chuyền (bốc lên, load) và từ băng chuyền lên xe tải (dỡ xuống, unload). Họ quẳng hành lý đùng đùng với sức như hà mã. Hèn gì có lần tôi chứng kiến tại sân bay, một nữ hành khách đang khổ sở với chiếc valy bằng nhựa bị bể nứt – cũng được băng bó bằng băng keo. “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”, à lộn, từ ấy trong tôi bừng cẩn trọng, trước tiên hãy tự cứu lấy hành lý của mình bằng cách đóng gói an toàn hơn.

Hành lý được chuyển rời lên máy bay.

Hầu như những hãng hàng không lớn và chính thống, đặc biệt là ở châu Á, trước nay vẫn áp dụng phương thức chất hành lý hành khách vào những container kim loại chuyên dụng để đưa lên máy bay vận chuyển. Cách làm này vừa bảo vệ được hành lý, vừa dễ cố định chắc chắn trong hầm máy bay, không bị xô lệch khi gặp thời tiết xấu. Nhưng cách này tốn thời gian và chi phí hơn. Có lẽ vì vậy mà hầu hết các hãng hàng không giá rẻ (low cost) – đặc biệt là bay nội địa – để rời hành lý mà đưa lên máy bay từng kiện riêng rẽ. Chỉ tội các nhân viên bốc xếp hành lý, rất cực thân.

Hành lý được chất trong những container kim loại chuyên dụng.

Mấy hãng hàng không Mỹ và Châu Âu coi chuyện quăng hành lý của hành khách lên xuống máy bay là bình thường – nếu không, chắc ký lệnh sa thải mỏi tay. Hành lý có hư hỏng thì đã có bảo hiểm đền. Hành khách trước khi làm thủ tục bay đã được khuyến cáo không để đồ dễ vỡ hay có giá trị cao trong hành lý ký gửi (checked baggage). Ai cẩn thận thì dán thêm miếng nhãn có biểu tượng ghi “hàng dễ vỡ” (fragile). Rồi thì… hên xui!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.