Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

45 năm (19/1/1974 – 19/1/2019), Hoàng Sa mãi trong tim người Việt Nam yêu nước

Hôm nay thứ Bảy 19/1/2019, tròn 45 năm sau trận hải chiến bi hùng ngày 19/1/1974 với sự kiện lịch sử Bắc Kinh cho quân đánh chiếm Quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) vùng biên viễn giữa Biển Đông (South China Sea) của Việt Nam. Trong năng lực và hoàn cảnh của mình, tôi chọn hình thức check-in Facebook để từ nay cứ ngày này mỗi năm, bạn Mark Zuckerberg cho người nhắc nhớ (remind) tôi và người thân, con cháu của mình. Hoàng Sa mãi trong tim người Việt Nam yêu nước.

Tôi thiệt lòng không thích dùng chữ “cưỡng chiếm” (cho dù hồi năm ngoái vẫn dùng từ này). Mà muốn gọi thẳng đó là “đánh chiếm”. Bởi vì Hoàng Sa bị mất trong một cuộc tử chiến giữa hải quân Việt Nam Cộng Hòa – những người con nước Việt bảo vệ Tổ quốc với hải quân Trung Quốc – những quân binh viễn chinh đánh chiếm lãnh thổ Việt Nam.

Không hề có chuyện người dân Việt Nam “dâng” đất Tổ tiên cho nước ngoài. Những người Việt có trách nhiệm bảo vệ Hoàng Sa, cụ thể là các anh lính hải quân và địa phương quân của Việt Nam Cộng Hòa, đã có những cuộc chiến đấu sinh tử để rồi do bị thua kém nhiều mặt – kể cả là nạn nhân bị hy sinh của những toan tính sau lưng từ những nước lớn có liên quan – họ đã bị đánh bại, hy sinh và bị chiếm mất lãnh thổ. 74 người lính hải quân (có nguồn nói là 75 người) trong hải chiến Hoàng Sa năm 1974 đã trở thành những tử sĩ vị quốc vong thân, trong đó có 63 người – bao gồm hạm trưởng Ngụy Văn Thà – thuộc Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) bị đánh chìm mà xác thân họ vẫn nằm dưới đáy biển Tổ quốc.

Hộ tống hạm Nhựt Tảo (HQ-10) vẫn đang nằm dưới đáy biển Hoàng Sa.

Đất nước, Tổ quốc nước nào là của người dân, của toàn dân nước đó chớ không hề thuộc bất cứ một cá nhân, tổ chức hay chính thể nào. Lòng yêu nước không bao giờ có màu sắc chính kiến, tôn giáo, sắc tộc, giai tầng xã hội.

Sẽ là ảo tưởng với ý nghĩ Việt Nam có thể dùng vũ lực giành lại Hoàng Sa, hoặc chờ Bắc Kinh một ngày nào đó bỗng dưng thiện lành gọi xin trả lại Hoàng Sa. Cũng không thể cứ ngồi im thụ động trông chờ nước nào khác đòi lại lãnh thổ giùm Việt Nam. Việt Nam phải chủ động đấu tranh bằng mọi phương thức phù hợp nhất có thể được để khẳng định chủ quyền của mình trên nền tảng công pháp quốc tế và sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế mà Việt Nam là một thành viên. Nhưng trước hết, Việt Nam phải làm sao thuyết phục được cộng đồng quốc tế tin cậy mình, đồng thuận với mình và cuối cùng đứng về phía mình một cách thực chất.

Bất cứ sự việc nào trên đời cũng đều có những yếu tố lịch sử mà không ai có thể phủ nhận. Thôi thì đã 45 năm rồi, không thể chỉ biết cứ ngồi đó mà trách người này, móc kẻ khác. Hoàng Sa, khi nào còn tự nhận mình là người Việt yêu nước, dù ở bất cứ phương trời nào, ta không thể và không được phép quên. Ôn cố chỉ tốt khi để biết tri tân.

Oan có đầu, nợ có chủ. Điều đáng sợ nhất là tôi để cho mình bị lôi kéo vào mưu toan kích động hận thù giữa các dân tộc. Nhà cầm quyền Bắc Kinh không phải là nhân dân Trung Quốc. Ngay trong cuộc chiến tranh trước 1975, miền Bắc Việt Nam vẫn cho thấy họ phân biệt nhà cầm quyền Hoa Thịnh Đốn và nhân dân Hoa Kỳ, biết tìm cách tranh thủ sự hiểu thấu và ủng hộ của người dân nước Mỹ. Trải qua 3.000 thế giới cố giữ được cái gien thiện lành bẩm sinh, tôi giác ngộ rằng: Nếu bản thân mà không chứng tỏ được mình là chính nghĩa, là người hiểu biết phải trái thì đừng hòng người khác yêu mến và đứng về phía mình.

Bản đồ hành chính chính thức của Việt Nam do Bộ Tài nguyên – Môi trường thực hiện.

Hoàng Sa mãi mãi là một mảnh đất Tổ quốc trong tim người Việt Nam yêu nước.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Bản đồ và ảnh từ Internet. Thanks.