Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Có một chữ V, đó là… Venezuela

Venezuela, đất nước nằm bên bờ biển phía bắc của Nam Mỹ, ngó ra Bắc Đại Tây Dương và Biển Caribbe, trở thánh một điểm nóng trên bản đồ thời sự quốc tế. Một cuộc binh biến nhỏ dẫn tới cuộc nổi dậy của người dân nhằm phế truất Tổng thống Nicolás Maduro 57 tuổi do họ bầu ra tháng 4-2013 với 50,62% phiếu để kế nhiệm Tổng thống Hugo Chávez qua đời ngày 5-3-2013. Lúc đó, Maduro đang là Phó Tổng thống (từ năm 2012) của Tổng thống Chávez. Ngày 23-1-2019, giữa cuộc biểu tình của hàng vạn người dân tại thủ đô Caracas chống lại Tổng thống Maduro, Chủ tịch Quốc hội Juan Guaidó, 35 tuổi, thủ lĩnh lực lượng đối lập, đã tuyên bố là quyền Tổng thống của Venezuela. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhanh chóng công nhận ông Guaidó tạm quyền Tổng thống Venezuela. Sau đó, Canada và một số nước châu Mỹ Latinh như Brazil, Argentina, Chile,… cũng làm theo Mỹ.

Hàng vạn người dân biểu tình tại thủ đô Caracas chống chính phủ của Tổng thống Maduro ngày 23-1-2019.

Venezuela từng là một nước giàu có. Trước kia, họ là một nhà xuất khẩu nông sản, chủ yếu là cà phê và cacao. Sau khi phát hiện ra dầu lửa hồi đầu thế kỷ 20, Venezuela với trữ lượng dầu lửa lớn nhất thế giới, nhanh chóng trở thành một trong những nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới.

Năm 2002, người dân Venezuela đã bỏ phiếu bầu ông Hugo Chávez, khi ấy 54 tuổi, làm tổng thống mới của mình. Đó là một nhà chính trị cánh tả không tưởng, muốn được ghi vào lịch sử như một người chuyển Venezuela từ một nước tư bản thành một nước xã hội chủ nghĩa theo cách hiểu của ông ta.

Thật ra, không thể trách móc gì cử tri Venezuela vào thời điểm đó. Tình trạng dư thừa dầu hồi thập niên 1980 dẫn Venezuela tới một cuộc khủng hoảng nợ nước ngoài và một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài. Tỷ lệ lạm phát lên tới 100% vào năm 1996 và tỷ lệ người nghèo tăng tới 66% vào năm 1995. Năm 1998, GDP bình quân đầu người giảm xuống mức tương tự năm 1963 và nếu so với đỉnh điểm năm 1978 đã bị giảm tới 1 phần 3. Trong bối cảnh như vậy, một ứng cử viên “đi ngược chiều” như ông Chávez dễ thuyết phục cử tri Venezuela mạo hiểm mong đổi chiều.

Các chính sách phúc lợi xã hội theo chủ nghĩa dân túy của Tổng thống Chávez trong mấy năm đầu quả là có đẩy mạnh được kinh tế nước này, tạm thời giảm được tình trạng bất bình đẳng kinh tế và nạn nghèo. Nhưng sau đó, các chính sách dân túy và nửa vời như thế đã lộ rõ những bất cập khiến nền kinh tế sa sút kết hợp với tình hình giá dầu lửa thế giới bị giảm mạnh, cùng với sản lượng dầu mỏ của Venezuela cũng bị sụt giảm do cung cách đầu tư và khai thác kém hiệu quả. Tổng thống Maduro kế nhiệm ông Chávez lộ rõ nhiều bất cập đã càng làm cho tình hình đất nước thêm trầm trọng hơn. Hậu quả là Venezuela chìm trong siêu lạm phát, suy thoái kinh tế, khan hiếm nhu yếu phẩm, dẫn tới gia tăng về tỷ lệ thất nghiệp, nghèo đói, dịch bệnh, tội phạm,… Vào năm 2017, Venezuela bị các tổ chức xếp hạng tín dụng tuyên bố là mất khả năng thanh toán nợ nần. Vào cuối năm 2018, nước này có mức siêu lạm phát lên tới 1.370.000%. Theo đài phát thanh Canada CBC, chủ yếu do tham nhũng và quản lý yếu kém, sản lượng dầu lửa của Venezuela từ khoảng 3 triệu thùng/ngày hồi đầu thế kỷ 21 vào năm 2018 đã giảm xuống còn 1,2 triệu thùng/ngày, một mức thấp trong 60 năm.

Tất nhiên không thể so sánh chủ nghĩa xã hội mà hai đời chính phủ Chávez và Maduro tuyên bố xây dựng ở Venezuela với những nỗ lực tương tự ở Trung Quốc, Việt Nam và Cuba. Khác biệt lớn nhất là ở Venezuela không do đảng cộng sản lãnh đạo. Nhưng Venezuela lại là một điển hình cho việc một nước tư bản muốn chuyển đổi thành CNXH. Nghĩa là đi từ một thực thể bằng xương bằng thịt sang một giấc mơ mộng mị chưa hề có ai biết hình thù nó ra sao. Kết quả thế nào cứ để thực tế trả lời.

Ông Nicolás Maduro (giữa) tại Dinh Chính quyền Miraflores ở Caracas ngày 23-1-2019 kêu gọi chống lại lực lượng bạo loạn. Bên cạnh ông ta có Chủ tịch Cơ quan Hiến pháp Quốc gia Diosdado Cabello, Đệ nhất phu nhân Cilia Flores, Phó Tổng thống Delcy Rodriguez. (Photo by Edilzon Gamez/Getty Images)
Ông Juan Guaidó ngày 23-1-2019 tuyên bố là Tổng thống lâm thời của Venezuela.

Kể từ ngày 23-1-2019, Venezuela có 2 tổng thống cùng hoạt động song song nhau. Tình hình nước này chắc chắn sẽ có những diễn biến đặc biệt. Đất nước từng nổi tiếng là nơi sản sinh những hoa hậu thế giới đang ở bên bờ vực phá sản kinh tế, lầm than cuộc sống giờ có nguy cơ bị chia rẽ chính trị trầm trọng. Mong rằng họ sớm có giải pháp để không bị xô đẩy vào một cuộc “cách mạng máu”. Bất luận thế nào, đó cũng là sự lựa chọn của người dân dù khi này lúc khác. Lựa chọn sai, họ ắt phải trả giá. Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ người dân có thể và được lựa chọn.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.