Chủ nhật ngày 24 tháng 11 năm 2024

Thôi thì hai người cứ vẫn bắt tay nhau đi…

Trong buổi họp báo dài hơn 40 phút lúc 14g ngày 28-2-2019 tại tại Khách sạn Marriott Hà Nội, nơi Tổng thống Hoa Kỳ ở trong thời gian dự cuộc gặp thượng đỉnh Hoa Kỳ – CHDCND Triều Tiên (DRPK-US Summit) lần thứ 2 tại Hà Nội, ông Donald Trump trả lời một câu hỏi của nhà báo rằng ông không có ý muốn đổ lỗi, nhưng cần nói thật là chính ông Obama và những đời tổng thống Mỹ khác đã dung dưỡng để cho Bắc Triều Tiên thành như thế này. Và ông là người phải giải quyết. Ôi kẻ ăn ốc, người đổ vỏ ư?

Hai ông Trump và Kim bắt tay nhau tối 27-2-2019 trước khi ăn tối cùng nhau tại Hà Nội.

Chắc chắn mục tiêu tối thượng mà Mỹ mong muốn là “phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên” sẽ còn cả một chặng đường dài phía trước. Ngay cả ông Trump khi còn ở Mỹ, trong ngày trước khi lên đường phó hội, cũng tuyên bố rằng ông không vội vã. Tại Hà Nội, ông cũng nhắc lại ông không vội vã. Thiệt ra, ai cũng biết đây là chuyện cốt tử và mang tính nhạy cảm – trước hết là với Bắc Triều Tiên. Cần có thời gian, miễn là có tiến bộ và hai bên vẫn giữ vững được lộ trình. Dù sao, trong cuộc tiếp xúc ngắn với báo chí sáng 28-2 trước khi hai nhà lãnh đạo bắt đầu hội đàm, ông Kim đã chính thức trả lời câu hỏi của báo chí “liệu ông có thực sự sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân không?” rằng: “Nếu tôi không thể chấp nhận điều đó thì tôi đã không ở đây.”

Thiệt ra, hai nhà lãnh đạo gặp nhau chỉ mang tính nghi thức và để hiện thực hóa những gì hai bên đã thỏa thuận bằng quyết định cuối cùng từ hai nhà lãnh đạo. Mọi chuyện đã được các đoàn đàm phán hai bên chuẩn bị từ lâu và từ trước. Thời gian cuối là để hai bên giải quyết những tồn đọng với quyết định ngay từ hai nhà lãnh đạo có mặt tại chỗ. Chuyện quốc gia đại sự không phải chỉ là chuyện cá nhân của nhà lãnh đạo nào, đặc biệt là ở phía Mỹ. Huống chi, chuyện Mỹ – Bắc Triều Tiên còn mang chiều kích và ảnh hưởng quốc tế toàn cầu.

Hai ông Trump và Kim bắt tay nhau tối 27-2-2019 trước khi ăn tối cùng nhau tại Hà Nội.

Suy cho cùng, gọi là cuộc gặp thượng đỉnh (summit) cho nó mang tính chính trị hoành tráng chớ thực chất đây là một cuộc mua bán (deal) giữa những thương nhân chính trị. Mà đã là mua bán thì có ra giá, trả giá, dự liệu giá có thể mua và bán. Bắc Triều Tiên chỉ có 1 mặt hàng và cũng là vốn liếng gia sản của mình, đó là tham vọng sở hữu sức mạnh hạt nhân. Vì thế, nếu bán sạch thì họ còn chi vốn liếng. Nói thiệt, nếu không còn cái vũ khí hạt nhân là bửu bối của Bình Nhưỡng và nguy cơ đối với những nước khác, Bắc Triều Tiên chỉ là một nước thuộc nhóm nghèo khổ và chưa phát triển. Có tuổi chi mô. Nên Mỹ đâu thể mua hết mà còn phải biết chừa cửa cho người ta để dành dưỡng già nữa chớ. Chính ông Trump sau khi “nghỉ họp sớm” đã nói rằng lẽ ra ông có thể đạt được thỏa thuận tại Hà Nội, nhưng đó là thỏa thuận mà ông không hài lòng, nên ông cho qua.

Tôi không nghĩ mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên có thể đạt được trọn vẹn trong nhiệm kỳ này, thậm chỉ cả nhiệm kỳ 2 nếu có được, của Tổng thống Trump. Qua các đời tổng thống sau thì đành phải ca bài Que Sera Sera – Biết ra sao ngày mai, bởi mỗi đời chủ Nhà Trắng mỗi khác. Bởi vậy, chỉ cần Bình Nhưỡng chịu hứa và thực hiện không thử tên lửa và phát triển hạt nhân nữa là coi như ông Trump đã thành công.

Hai ông Trump và Kim đi dạo cùng nhau sáng 28-2-2019 trước khi bắt đầu hội đàm chính thức với nhau tại Hà Nội.

Nhân tiện cũng nên sòng phẳng với ông Trump. Vào đúng thời gian ông đang gặp ông Kim để đạt giải pháp cho Triều Tiên, Quốc hội Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát lại lôi Michael Cohen, nguyên luật sư lâu năm của ông Trump, ra điều trần, trong đó có nghi án ông Trump câu kết với Nga để khuynh đảo cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua mà nhà tỷ phú này bất ngờ đắc cử. Chẳng bao lâu sau khi chứng kiến lễ ký kết các hợp đồng bán hàng cho Việt Nam trị giá hơn 20 tỷ USD giúp các doanh nghiệp Mỹ, ông Trump đã phải đối mặt với việc lời khai được viết sẵn của luật sư Cohen được công bố. Một nhà báo hỏi ông nghĩ sao khi luật sư Cohen gọi ông là “kẻ bội tín” (conman), ông Trump đã lắc đầu và không bình luận gì. Thử hỏi liệu khi ở nhà đang có kẻ châm lửa đốt nhà mình, ai còn lòng dạ mà toàn tâm toàn ý lo chuyện thế giới đại đồng.

Có thể nói rằng, Việt Nam nên cảm ơn hai ông Trump và Kim vì đã chọn Việt Nam làm nơi gặp mặt lần thứ 2 này. Đây không chỉ là một vinh dự (thực chất hẳn hoi) mà còn là một cơ hội ngàn vàng có một không hai để Việt Nam được quảng bá trên truyền thông toàn cầu. Hơn 3.000 nhà báo nước ngoài đã tới Hà Nội đưa tin về sự kiện này, và cái tên cũng như hình ảnh Việt Nam không ngừng có mặt với mức độ cực hot trên các hệ thống truyền thông toàn cầu. Số tiền chi phí mà Việt Nam bỏ ra lo cho sự kiện này chắc chắn chỉ là rất nhỏ so với chi phí quảng cáo để được PR tiếp thị với quy mô như vậy.

Rõ ràng, kết quả không như ý nhiều người của cuộc gặp Mỹ – Bắc Triều Tiên lần này không phải do Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam đã ghi điểm với thế giới về công tác tổ chức sự kiện này. Ngay cả những gì Việt Nam đã làm cho hơn 3.000 nhà báo quốc tế nhìn chung cũng tạo được những hiệu ứng lan tỏa và dư âm tốt đẹp cho đất nước.

Như Tổng thống Trump khẳng định trong cuộc họp báo tại Hà Nội chiều 28-2-2019, cuộc gặp lần này tuy chưa thể đạt được những kết quả mong muốn ban đầu, nhưng hai nước Mỹ – Bắc Triều Tiên vẫn đang tiến lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn. Sau cuộc gặp này, các phái đoàn đàm phán hai bên vẫn tiếp tục làm việc với nhau.

Bất luận thế nào, cái kết “no deals” của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Bắc Triều Tiên lần thứ hai vẫn làm hầu như mọi người buồn. Biết làm răng được nè. Trước hết là vì không như ý chủ quan của mình. Thôi thì chừng nào ông Trump và ông Kim vẫn còn chịu bắt tay nhau là thế giới vẫn có thể vui mừng. Chưa mua bán được với nhau thì cứ là bạn tốt của nhau cái đã. Chuyện đâu còn có đó và có lộ trình cần thời gian.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.