Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Văn hóa… thần kinh

Hình ảnh từ một cuộc diễu hành chiều 29-4-2019 trên cầu Trường Tiền (Huế) trong khuôn khổ sự kiện Lễ Tế tổ bách nghệ và Lễ rước tôn vinh nghệ nhân, thợ thủ công và nghề thủ công truyền thống Việt Nam.

Những cô gái thướt tha trong những tà áo dài tím Huế với những nón lá Huế trên đầu.

Ảnh sẽ đẹp biết bao nếu như trên những chiếc nón lá Huế không bị ai đó cho mọc lên những cái sừng rừng rú của ba mẫu tự “HUE”. Chiếc nón lá Huế nên thơ biến thành kệch cỡm, quái dị.

Có lẽ người thiết kế nào đó sợ người ta không nhận ra đây là những cô gái Huế. Nhưng nếu vậy, họ chỉ cần sơn hay dán lên thân nón chữ “HUE” thì ít phản cảm hơn – dù không có vẫn đẹp hơn.

Ôi xứ sở Thần Kinh thơ mộng và cổ kính chẳng lẽ đang nắng nóng đột biến khiến ai đó bị thần kinh?

Tôi không thể không đồng tình với những người anh chị em thiện lành yêu Huế khi gọi đây là một trong những hành vi phá văn hóa. Từng chút một, từng vụ việc một, những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt đang bị những người Việt phá hoại dần.

Nhân tiện, tôi đang lo âu cho số phận của ngôi nhà thờ Bùi Chu (Nam Định) 134 năm tuổi – thực tế có thể được coi là một di sản kiến trúc và tôn giáo không phải chỉ của giáo dân mà cả đất nước, không phải chỉ của Việt Nam mà cả thế giới, có thể bị xóa sổ bởi quyết định chỉ của đấng bề trên giáo phận Bùi Chu. Tôi cầu xin Chúa Thánh Thần ban sự sáng suốt cho giáo quyền, Hội đồng Giám mục Việt Nam và Tòa thánh Vatican có ý kiến, cũng như toàn thể cộng đoàn dân Chúa Việt Nam lên tiếng thiện lành. Trùng tu thì phải trùng tu, nhưng trùng tu chỉ có ý nghĩa khi cứu được di sản.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.