Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

VND chớ nên giỡn mặt với USD

Sau gần một tuần liên tục tăng cao một cách đáng quan ngại, tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng USD ngày 10-5-2019 đã bất ngờ giảm mạnh. Giá bán USD của Eximbank đã giảm từ 23.380 đồng/USD như niêm yết trưa 10-5 xuống còn 23.330 đồng vào cuối ngày. Giá này giảm 110 đồng so với ngày 9-5-2019.

Vietcombank ngày 10-5 cũng giảm giá bán USD 80 đồng, còn 23.380 đồng/USD. Ngày hôm trước, giá niêm yết của ngân hàng này lên tới 23.460 đồng/USD.

Trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, trong khi tỷ giá của nhiều quốc gia biến động khá mạnh, nhưng ở Việt Nam, tỷ giá VND/USD vẫn duy trì ổn định. Vì thế, sự tăng tỷ giá trong tuần đầu tháng 5-2019 khiến người ta nghĩ rằng có sự thay đổi lớn trong điều hành tỷ giá của chính phủ. Tuy nhiên, theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, trả lời báo chí: Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô nên mức độ điều chỉnh tỷ giá sẽ nằm trong biên độ mà NHNN đã đề ra và bảo đảm không tạo nên biến động lớn trên thị trường.

Tỷ giá đồng VND/USD tăng cao khiến những người nhập khẩu hàng hóa hay vay nợ nước ngoài tính theo USD lên máu theo từng nhịp độ tăng tỷ giá. Trong số đó có tôi, kẻ đua đòi start-up nên liều mạng vay của Sir Obama một mớ ngân lượng có hình Sir Franklin.

Sự giảm giá đột ngột của tỷ giá VND/USD ngày 10-5 sau 1 tuần tăng liên tục phải chăng là sự trở bộ hay can thiệp của Chính phủ Việt Nam ngay sau khi trên truyền thông quốc tế rộ lên thông tin Việt Nam có thể bị Mỹ dán nhãn “kẻ thao túng tiền tệ” (Currency Manipulator) trong báo cáo 6 tháng một lần của Bộ Tài chính Hoa Kỳ sắp công bố? Thao túng tiền tệ ở đây có nghĩa là dùng chính sách tiền tệ, tỷ giá của mình để gây hại cho đồng USD. Tất nhiên, để dán nhãn “kẻ thao túng tiền tệ” cho nước nào, Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ xem xét với những yếu tố:

1. Thặng dư tài khoản vãng lai (current account surplus): Việt Nam hiện có mức thặng dư tài khoản vãng lai bằng 3% GDP (vào cuối năm ngoái), trong khi hạn mức của Mỹ là 2%. Việt Nam có thặng dư tài khoản vãng lai lần thứ 7 trong vòng 8 năm qua.

2. Thặng dư thương mại (trade surplus) với Mỹ: Theo số liệu của Cục Thống kê Hoa Kỳ (U.S. Census Bureau), Việt Nam có mức thặng dư thương mại trong giao thương với Mỹ (ở đây là xuất siêu sang Mỹ) đạt tới 39,5 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 1990. Từ năm 2014, mức thặng dư của Việt Nam luôn ở mức trên 20 tỷ USD.

3. Nhà nước thường xuyên can thiệp trên thị trường tiền tệ: Việt Nam bị cho rằng đã dùng chính sách điều hành tỷ giá để làm giảm giá trị đồng VND hòng đem lại lợi ích cho xuất khẩu và nền kinh tế. Cụ thể là tăng tỷ giá VND/USD.

Vậy ha. Không thể giỡn mặt với Mỹ, đặc biệt là với Sir Donald Trump, một doanh nhân tỷ phú nhảy vào làm ông chủ Nhà Trắng. Còn ruồi bay qua mặt, Sir đó còn biết con nào là đực, con nào là cái, thậm chí con nào là pê-đê mà. Beijing còn lên máu với Sir Trump thì tôi ơi nào có tuổi chi mô răng rứa hỉ…

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.

+ THAM KHẢO: Here’s Why Vietnam Risks Being Labeled a Currency Manipulator