Thứ Năm ngày 07 tháng 11 năm 2024

Chuyện còn dài của gã Bia Văn Rượu ở một “cường quốc rượu bia”

Ngày 3-6-2019, trong tiến trình thông qua dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa 14, khi ý kiến các đại biểu về hạn chế và không hạn chế sử dụng rượu bia suýt soát nhau, và vờn nhau khiến cả hai không thể đạt ngưỡng quá bán, người ta khó không suy nghĩ tới sức mạnh của lobby nghị trường. Ai có thể vận động hành lang và phía sau nghị trường thì thiết nghĩ chỉ có người xỉn tới mức mụ mẫm mới không hiểu. Chỉ có điều, chuyện lobby lại là bình thường ở bất cứ hoạt động nghị trường dân chủ nào mà ai mạnh, ai khéo léo – thậm chí ranh ma – thì chiến thắng.

Kết quả ý kiến chắc chắn đã làm buồn rầu các thể loại hãng bia rượu nếu như người ta vẫn còn đang trong cơn phẫn uất về những tai nạn thảm khốc do kẻ say rượu gây ra. Con người, và đặc biệt là các mạng xã hội, vốn chóng quên, còn nhanh hơn cả ông Cọp Ba Mươi tương truyền rằng đi 30 bước là quên tuốt luốt.

Còn thực tế tại cuộc lấy ý kiến đại biểu QH ngày 3-6-2019 đã có kết quả đáng buồn là không đú quá bán để đưa vào dự thảo luật phương án “bổ sung quy định thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ từ 22g đến 8g sáng hôm sau” (do chỉ có 224 đại biểu, chiếm 46,28% đồng ý). Trong khi đó phương án “không quy định về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ” có 214 đại biểu nhất trí (chiếm 44,21%).

Quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông (khoản 8 điều 5) cũng không nhận được quá bán số phiếu đồng tình ở cả hai phương án. Phương án “cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn” dù được lấy ý kiến tới hai lần cũng chỉ có 236 đại biểu đồng ý (48,76%) ở lần một và sau đó giảm còn 214 đại biểu đồng ý (44,21%) ở lần biểu quyết thứ hai. Ngay cả phương án “cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông” cũng chỉ nhận được 240 phiếu đồng ý (49,59%).

Luật phòng chống tác hại rượu bia quả là một đạo luật cực kỳ phức tạp, có lẽ do nó đụng chạm tới quá nhiều người, kể cả những người có quyền bấm nút thông qua. Nhiều nhà phân tích cảnh báo rằng càng để lâu, càng trải qua nhiều lần sửa chữa, dự thảo luật này càng “yếu” đi.

Xã hội văn minh hiện đại không thể cực đoan tới mức cấm rượu bia. Nhưng xã hội văn minh hiện đại chỉ có thể an toàn hơn khi có thể kiểm soát tốt việc sử dụng rượu bia. Mà chuyện kiểm soát rượu bia phải là của cả đôi ta: ý thức người dân và pháp luật nhà nước. Thường thì ý thức cộng đồng được hình thành và vun đắp bởi cả một quá trình truyền bá văn hóa và giáo dục kết hợp với sự nghiêm minh của pháp luật. Và trong khi người dân chưa có đủ ý thức cần thiết, xã hội rất cần tới một pháp luật nghiêm khắc và nghiêm minh.

Báo Người Lao Động (23-5-2019) dẫn số liệu của Bộ Y tế cho thấy tỉ lệ người Việt Nam uống rượu, bia thuộc hàng cao nhất thế giới với 80,3% nam giới và 11,6% nữ giới. Việt Nam hiện đứng thứ 2 các nước Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Tốc độ tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam tăng phi mã và vượt mọi dự đoán khi năm 2018 đã đạt 4,67 tỉ lít bia, cao hơn cả dự báo của năm 2025.

Theo Tổng cục Thống kê, đóng góp cho ngân sách Nhà nước của toàn ngành sản xuất rượu, bia năm 2017 khoảng 50.000 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD).

Còn theo tính toán của Bộ Y tế, Việt Nam thiệt hại ít nhất khoảng 65.000 tỷ đồng mỗi năm vì các tác động của rượu bia. Đó là chi phí mà xã hội phải tốn cho việc chữa trị các chứng bệnh có nguyên nhân chính là tác hại của rượu bia cũng như giải quyết các hậu quả của những tai nạn giao thông do kẻ say rượu gây ra.

Cũng có những ý kiến cho rằng: thuế bia rượu vào ngân sách nhà nước, còn chi phí khắc phục hậu quả bia rượu là từ túi người dân.

Có một chi tiết đáng ngẫm nghĩ. Theo Bộ Y tế, mỗi năm, Việt Nam tốn 4 tỷ USD cho tiền mua rượu bia trong khi nguồn thu từ xuất khẩu gạo chỉ có 2,41 tỷ USD.

Các người anh chị em thiện lành chắc đại đa số không ủng hộ việc cấm rượu bia. Ai lại cực đoan như vậy hén. Nhưng bảo đảm hầu như mọi người đều nhận thấy sự cần thiết và bức thiết của một đạo luật có khả năng kiểm soát cao nhất có thể được việc sử dụng rượu bia để giảm bớt các tác hại do rượu bia gây ra. Luật về rượu bia không phải để cấm đoán sản xuất, kinh doanh hay sử dụng rượu bia, mà mục đích chính là để người ta sử dụng rượu bia một cách chừng mực, có ý thức và trách nhiệm – trước hết là để bảo vệ sức khỏe và an toàn cho người dân. Nói thẳng ra là để gây khó khăn hơn cho người muốn uống rượu bia, buộc họ phải suy nghĩ trước khi tốn tiền mua bia rượu, không còn cái kiểu uống bừa bãi, thả dàn như lâu nay. Người uống bia rượu sẽ phải hiểu rằng trước hết mình sẽ chịu tốn kém không nhẹ khi mua bia rượu và sau đó phải chịu những hậu quả nặng nề nếu như gây tổn hại cho người khác do say rượu. Không thể nói chuyện lý lẽ, ý thức, văn hóa, trách nhiệm với kẻ đã uống rượu bia tới mức say xỉn. Và với thực tiễn ở Việt Nam, đừng có mơ là người dân sẽ tự giác sử dụng rượu bia một cách đúng mực nếu không có những biện pháp chế tài mạnh mẽ bằng pháp luật.

Chúng ta nào có thiếu luật lệ. Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay có 33 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến rượu, bia, gồm 12 luật, 9 nghị định, nghị quyết của Chính phủ, 3 quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và 9 quyết định, chỉ thị, thông tư của cấp bộ trưởng. Vậy mà vẫn không đủ sức để kiểm soát rượu bia.

Tất nhiên, một đạo luật chỉ có ích và có giá trị nếu như các quy định trong đó có tính khả thi cao. Nhưng mặt trái là cái “tính khả thi” đó cũng có thể trở thành cái phao cho ai đó muốn quyền lợi của mình không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi luật mới.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.