Thứ Hai ngày 16 tháng 9 năm 2024

Có tin tàu thăm dò Haiyang Dizhi 8 đã rút về Bãi Đá Chữ Thập

Ryan Martinson @rdmartinson88, một trợ lý giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc (China Maritime Studies Institute) thuộc trường Đại học Hải chiến Hoa Kỳ (U.S. Naval War College), ngày 7-8-2019 đã đưa lên tài khoản Twitter của mình bản đồ vị trí hiện nay của tàu thăm dò địa chất Haiyang Dizhi 8 (Hải dương Địa chất 8) của Trung Quốc với thông tin “Haiyang Dizhi 8 has completed its survey. It is now at Fiery Cross Reef.” (Tàu Haiyang Dizhi 8 đã hoàn tất cuộc thăm dò của mình. Bây giờ nó đang ở Bải đá Chữ Thập).

Vào ngày hôm trước (6-8-2019), chuyên gia theo dõi diễn biến Biển Đông này đã công bố bản đồ cho thấy hoạt động thăm dò của tàu Haiyang Dizhi 8 này kể từ ngày 3-7-2019 trong Bãi cạn Tư Chính (Vanguard Bank) ngay trong vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Việt Nam. Con tàu chạy dích dắc tạo hành trình như cái nùi trong suốt hơn 1 tháng trời ngang nhiên hoạt động trong vùng lãnh hải thuộc của quyền của Việt Nam.

Ngày 7-8-2019, tàu Haiyang Dizhi 8 đã rút về căn cứ của Trung Quốc xây dựng trên Đá Chữ Thập – một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa mà Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền. Không rõ tàu này rút về căn cứ của Trung Quốc chiếm đóng trên quần đảo Trường Sa là đã hoàn thành chuyến thăm dò lần này hay chỉ là để tránh bão hoặc để tiếp tế. Và liệu không có tàu Haiyang Dizhi 8 nữa thì các tàu Trung Quốc – bao gồm các tàu hải cảnh và tàu dân quân biển đội lốt tàu đánh cá có còn tiếp tục hoạt động ở khu vực Bãi cạn Tư Chính nữa không. Hãng tin APN (Asie Pacifique News) cho biết nhà nghiên cứu Úc – Giáo sư Carl Thayer, trường đại học New South Wales (Úc) – đã đếm trên các ảnh vệ tinh chụp ngày 3-8-2019 cho thấy có lúc có tới 80 tàu Trung Quốc hoạt động trong khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam này. (Mời tham khảo thêm).

Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc. Trung Quốc kiểm soát bãi đá này từ năm 1988 đến nay. Theo tài liệu nước ngoài, ngày 31-1-1988, hải quân Việt Nam cử hai tàu chở vật liệu từ đá Tây đến xây dựng công trình tại Đá Chữ Thập nhưng bị hải quân Trung Quốc chặn lại. Từ cuối tháng 2-2018, Trung Quốc bắt đầu xây dựng căn cứ tại đây và hoàn tất việc tạo lập căn cứ vào tháng 7 cùng năm.

Theo từ điển bách khoa Wikipedia, Trung Quốc đã xây dựng một tòa nhà bê tông dài hơn 60m trên Đá Chữ Thập. Ngày 26-5-2010, Trung Quốc phủ sóng mạng điện thoại trên đá này. Từ năm 2014, Trung Quốc bắt đầu cải tạo mở rộng Đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo lớn nhất quần đảo Trường Sa, có diện tích 2,74 km vuông (tính đến tháng 7-2015) với tổng kinh phí hơn 73 tỉ nhân dân tệ (11,5 tỉ USD. Trung Quốc xây dựng trên Đá Chữ Thập 9 cầu tàu, 2 bãi đáp trực thăng, 10 ăng ten liên lạc qua vệ tinh và một trạm radar. Đặc biệt là việc xây dựng một đường băng dài 3.125m và rộng 60m, là đường băng duy nhất đủ lớn cho máy bay ném bom chiến lược lên xuống tại Trường Sa, cho phép quân đội Trung Quốc bao quát không phận rộng lớn từ Tây Thái Bình Dương gồm cả Guam (nơi có các căn cứ của Mỹ) đến Ấn Độ Dương. Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), Đô đốc Harry Harris, cho biết hiện các vỉa đá ngầm mà Trung Quốc chiếm giữ và xây dựng trái phép ở Biển Đông nhìn giống hệt các căn cứ cho máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, tàu và hoạt động do thám. Đài truyền hình CNBC của Mỹ ngày 2-5-2018 dẫn các nguồn tin tình báo cho biết các tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B đã được Trung Quốc lắp đặt trên ba thực thể Đá Chữ Thập, Xu Bi, Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

P.H.P.