Thứ Ba ngày 24 tháng 12 năm 2024

Cập nhật tình hình Biển Đông tới ngày 4-9-2019

Các bạn nào quan tâm tới tình hình Biển Đông và muốn được cập nhật thông tin, xin vui lòng tham khảo trang Fanpage Dự án Đại Sự Ký Biển Đông trên Facebook: https://www.facebook.com/daisukybiendong/

Tất nhiên, trong hoàn cảnh không có đủ nguồn tư liệu khả tín để xác thực, đây vẫn chỉ là một trong những nguồn tham khảo có mức độ tin cậy cao nhất hiện nay. Bất luận thế nào, chúng ta vẫn cần phải động não, từ các mảnh thông tin này để tìm kiếm thêm, tra cứu thêm mà có cái nhìn toàn diện hơn – toàn diện không liên quan chi tới “đại cục” (có nghĩa là “cục lớn”).

Theo thông tin ở đây, xế chiều ngày 2-9-2019, tàu khảo sát đia chất Haiyang Dizhi 8 và hầu hết tàu hộ tống đã xả tốc lực chạy về căn cứ do Trung Quốc lập trái phép trên Bãi Đá Chữ Thập thuộc Quần đảo Trường Sa. Và khuya hôm đó, chúng đã neo đậu ở đây. Có lẽ để tránh một loạt cơn bão lớn đang dồn dập ập vào khu vực Biển Đông.

Trong một diễn biến khác, tàu cần cẩu lắp dàn khoan và các công trình biển Lam Kình (Lanjing) của Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc từ ngày 1-9 đã vào lãnh hải Việt Nam. Theo Dự án Đại Sự Ký Biển Đông, vào lúc 9g42ph ngày 3-9 (giờ Việt Nam), tàu có mặt ở tọa độ 14.935 – 109.395. Vị trí này nằm hoàn toàn trong lãnh hải Việt Nam, cách đường cơ sở chỉ 11 hải lý (20,3km), cách đảo Lý Sơn 30 hải lý (55,5km) về phía nam. Đây là khu vực có các lô dầu 119, 120, và ở phía nam là lô dầu 118, nơi có dự án Cá Voi Xanh mà Việt Nam hợp tác với tập đoàn dầu khí Exxon Mobil của Hoa Kỳ. Chưa rõ mục đích của tàu cẩu này.

Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), tàu nước ngoài có quyền đi qua vô hại trong lãnh hải của quốc gia ven biển. Sơ đồ đường đi của một chiếc tàu chỉ đi qua thường là một đường thẳng. Tuy nhiên sơ đồ đường đi của tàu Lam Kình từ ngày 1-9 tới nay không cho thấy như vậy – nó dích dắc đảo qua đảo lại. Gì nữa đây Giàng ơi!

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông tường thuật: Theo thông báo của Cục Hải sự Bắc Hải, tàu cẩu Lam Kình có một nhiệm vụ lắp đặt công trình tại vị trí có tọa độ 20°48’55.80″N/108°53’58.20″E ở Bắc Hải từ ngày 28-8 đến ngày 3-9-2019.

Ngày 5-8, tàu Lam Kình rời cảng Trạm Quan tới Bắc Hải với vận tốc trung bình 8 knot (14,8km/g) và giảm dần tốc độ khi bắt đầu vào sâu trong khu vực Bắc Hải lúc 4g sáng ngày 25-8.

Tàu tới khu vực làm nhiệm vụ vào khoảng 5g chiều ngày 25-8. Vận tốc chuyển động của tàu trong khu vực làm nhiệm vụ là 0-1 knot (1,85km/g), với mô hình là những đường đi ngắn như trong hình, gợi ý rằng tàu đang tiến hành hoạt động lắp đặt công trình. Tới 21g47ph ngày 26-8, tàu tăng vận tốc lên trên 3 knot (5,55km/g) và bắt đầu di chuyển ra ngoài, gợi ý rằng tàu đã kết thúc hoạt động lắp đặt ở đây.

Sau đó tàu Lam Kình vào sâu gần bờ biển Bắc Hải, chỉ cách bờ biển khoảng 15 hải lý. Tại đây tàu cũng giảm tốc độ xuống dưới 1 knot và có mô hình chuyển động zigzag. Nhiều khả năng, tàu vào đây chỉ là để neo đậu.

Lam Kình bắt đầu tăng tốc rời khỏi khu vực vào lúc 10g7ph ngày 30-8-2019 với vận tốc 9 knot (16,6km/g). Tàu bắt đầu giảm tốc xuống 6 knot (11,1km/g) và bắt đầu có chiều hướng đi xuống phía nam vào lúc 10g49ph ngày 31-8-2019. Tại thời điểm này, tàu cách Vịnh Yingge của đảo Hải Nam 16.1 hải lý, cách cảng Tam Á của đảo Hải Nam khoảng 54 hải lý.

Sau đó Lam Kình nhanh chóng tăng vận tốc lên tầm từ 7-8 knot liên tục xuống sâu phía nam trên một đường thẳng. Sơ đồ đường đi của tàu Lam Kình kể từ khi rời khỏi Bắc Hải, Vịnh Bắc Bộ xuống phía nam là một đường thẳng khá ổn định chứ cũng không có dấu hiệu bị cản trở (ví dụ bởi bão).

Cho tới khi xuống sâu điểm có tọa độ 14.9885 – 109.6302 vào lúc 15g45ph ngày 1-9-2019, tàu cẩu Lam Kinh bất ngờ giảm tốc độ xuống dưới 4 knot (7,4km/g), đi theo những đường zigzag vào sâu trong bờ biển Việt Nam ở tốc độ tầm 0-1 knots (1 knot = 1,85km/giờ).

Điểm tàu vào sâu nhất có tọa độ 14.9888 – 109.3367, nằm trong lãnh hải của Việt Nam, vào lúc 8g27ph ngày 3-9.

Tàu cẩu Lam Kình bắt đầu trở về tốc độ 8 knot vào lúc 7g30ph ngày 4-9 và quay lại về hướng bắc, theo hướng trở về Trạm Giang (Trung Quốc).

Cho tới nay vẫn chưa rõ vì sau tàu cẩu Lam Kình lại làm một chuyến “đi lạc” hay “rong chơi” xuống tận vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Việt Nam như vậy?

Thôi thì, 500 người anh chị em thiện lành của tôi theo dõi tiếp hén.

P.H.P.