Nhớ một thời đọc báo Tết Trung thu trước 1975
Hồi trước 1975, tức một thời tuổi thơ của tôi, tôi sống tại tỉnh Kiến Tường – một tỉnh nhỏ biên giới giáp Cambốt và thuộc vùng Đồng Tháp Mười. Đây là một vùng chiến tranh ác liệt của Biệt khu 44 thuộc Quân khu 4 – Vùng 4 Chiến thuật.
Tỉnh nhỏ và chiến tranh, chỉ có một con đường độc đạo Tỉnh lộ 29 nối ra Cai Lậy (tỉnh Định Tường) rồi rẽ trái ngược theo Quốc lộ 4 (nay là QL 1A) tới Ngã Ba Trung Lương tiếp tục rẽ trái mà theo QL4 băng qua Tân An để lên Saigon, cách Kiến Tường hơn 140km. Hàng ngày, báo chí từ Saigon được đưa về Kiến Tường bằng xe đò (mùa nước nổi thì từ Cai Lậy vô phải đi tắc-ráng, bây giờ gọi là vỏ lãi). Thị xã Kiến Tường chỉ có 2 nhà sách và cũng là 2 nơi có bán báo chí, đó là Rạng Đông và Tinh Hoa, sau này có thêm tiệm Mai Trang bà con của nhà Rạng Đông. Bà chủ nhà sách Tinh Hoa trong một lần ngồi xe đò từ Cai Lậy về Kiến Tường đã bị cụt cả 2 chân do xe cán phải mìn gài trên đường. Hồi trước 1975 từ Kiến Tường đi ra Cai Lậy, sợ nhất là đoạn đường qua Mỹ Phước Tây liền kề Cai Lậy. Đây là vùng của du kích và vì thế đường bị gài mìn hầu như quanh năm suốt tháng. Sáng sớm, tỉnh cho thiết vận xa chạy trước, làm dấu bánh xe để các loại xe khác – kể cả xe đò – cứ theo đó mà chạy theo, chỉ cần chạy lố ra ngoài lằn bánh xe thiết giáp là có thể ăn mìn. Đó là với loại mìn cán lên là nổ, còn với mìn châm điện (pin) thì trời kêu ai nấy dạ thôi. Hồi đó, theo kinh nghiệm mà người lớn truyền lại, mỗi lần ngồi xe đò đi qua Mỹ Phước Tây, tôi đều thu chân ngồi chồm hổm, để xe có bị mìn thì 2 chân có thể tránh bị cấn gãy như thọc chân dưới gầm ghế. Kể chuyện này để nêm nếm cho biết hồi đó đọc được sách báo ở Kiến Tường chẳng phải là đơn giản – có khi phải đổi bằng máu.
Tôi mê đọc sách báo từ nhỏ – chính xác là bị người lớn gọi là bị “ngộ chữ”, đọc bất cứ cái gì tìm thấy. Vì thế, tôi đọc các sách báo thiếu nhi ngay từ lúc bắt đầu biết đọc. Vậy nên, khi các tạp chí thiếu nhi ở Saigon bắt đầu ra những số đặc biệt Tết Trung Thu, vào các dịp Tết Trung Thu, tôi không mê bánh hay đèn mà chỉ khoái nhất là được đọc các tờ tạp chí này. Trung Thu ở Kiến Tường rơi vào mùa nước nổi – mà hồi đó nước từ thượng nguồn sông Mê Kông còn sung lắm, chưa có bị Trung Quốc và Lào chặn lại làm thủy điện như giờ, năm nào cũng có nước lụt về, khác chăng là lớn nhỏ. Vì thế, Tết Trung Thu hồi đó tôi thường nằm đọc các tạp chí Tết Trung Thu trên sàn nhà đã cơi cao, bên dưới là nước ngập nhà sóng vỗ bộp bộp và tứ bề là biển nước.
Hồi đó tôi có cái cách đọc sách báo rất là “nhã”. Để tránh bị ba mẹ rầy vì suốt ngày cứ chúi mắt vào sách báo, tôi thủ sẵn một chiếc đèn pin quân đội – loại đầu quặp – để soi mà đọc sách báo khi trùm mền kín mít, nhất là vào ban đêm. Về sau, tôi học lỏm ông anh mình, gỡ lấy những tép pin trong những cục pin máy truyền tin quân đội xài rồi mà câu bóng đèn pin để đọc sách báo trong… mền. Mà mền lính thì dày cui, che sáng tốt.
Tôi nhớ tới giờ một kỷ niệm đọc báo Tuổi Hoa Tết Trung Thu. Năm đó vào giữa thập niên 1960, khoảng năm 1966-1967, tôi sống ở khu cuối sân bay – gần nghĩa địa. Lúc đó giữa mùa nước nổi lớn dữ lắm, trường phải cho nghỉ học. Mấy bữa trước, tôi gửi chú Tư Tỏ, làm hỏa đầu quân nhà bếp của trung tâm, chạy bobo đi chợ Mộc Hóa mua giùm một tờ Tuổi Hoa Tết Trung Thu. Ngày 14-8 âm lịch, tôi ghiền luyện nó tới mức giả như không nghe tiếng mẹ kêu tôi nhổ tóc sâu (tóc ngứa, loại tóc trắng nhỏ) cho bà như mọi khi. Kêu ba lần bốn lượt mà tôi cứ tỉnh bơ, khi phát hiện tôi đang chúi mắt vào tờ Tuổi Hoa, bà giận quá, giựt lấy, tôi giành lại và tờ báo bị xé làm hai. Tất nhiên, tôi phải thi hành nhiêm vụ thôi – dù trong hậm hực, nhổ cho có, bỏ sót nhiều. Và ngày hôm sau, đúng ngày Tết Trung Thu, khi mẹ đi chợ về, bà đã đưa cho tôi tờ Tuổi Hoa Tết Trung Thu khác mà bà mua đền. Tôi còn nhớ trong số đó có dạy làm đèn kéo quân.
Bữa nay Tết Trung Thu Kỷ Hợi 2019, sau khi cùng cục cưng cháu ngoại đi dự lễ hội Trung Thu của khu phố về, tôi tình cờ tìm được trên Internet ảnh chụp bìa của một số tờ tạp chí thiếu nhi số đặc biệt Tết Trung Thu xuất bản ở Saigon trước năm 1975. Tôi xin phép chia sẻ ở đây chủ yếu cho những người cùng cảnh ngộ mà thả hồn về dĩ vãng cách đây nửa thế kỷ. Tất nhiên, chúng cũng sẽ giúp các bạn trẻ biết thêm về cách người ta làm báo Tết Trung Thu hồi nẳm năm xưa.
Xin cảm ơn những người đã cất công lưu giữ những tài liệu quý giá này. Và tất nhiên chẳng quên cảm ơn cái kho tàng tri thức toàn cầu Internet – tìm gì cũng có, miễn là biết cách tìm.
Nếu muốn đọc lại những tờ báo thiếu nhi xuất bản ở Saigon trước 1975, bạn có thể vào trang Facebook này: Tủ sách Tuổi Hoa.
PHẠM HỒNG PHƯỚC