Thứ Sáu ngày 08 tháng 11 năm 2024

Hoang mang bức xạ…

Qua nay, người ta hoang mang và lo lắng khi có tin cường độ bức xạ ở Biển Đông đột ngột tăng lên. Nguồn dẫn chứng từ số liệu đo đạc của uRADMonitor được giới thiệu là Mạng giám sát môi trường toàn càu (Global Environmental Monitoring Network), cho biết cường độ bức xạ ở Biển Đông hiện ở mức “màu cam” (nguy hiểm) 0,24 µSv/h.

Bản đồ uRADMonitor sáng 23-11-2019.
Bản đồ uRADMonitor sáng 23-11-2019.

Ở đây, không nói tới nguyên nhân của mức độ bức xạ này, mà chỉ thử coi mức độ này có phải là thật sự nguy hiểm cho con người hay không.

Đặt giả thiết, nếu giá trị suất liều bức xạ 0,24 μSv/h này ổn định liên tục và bạn ở ngoài trời liên tục và dưới ánh sáng mặt trời suốt 24 giờ/ngày, thì cơ thể bạn sẽ nhận được một liều phóng xạ (các nhà chuyên môn gọi là liều tích lũy) trong một năm là:

0,24 µSv x 24 giờ x 30 ngày x 12 tháng = 2.072 µSv.

Trong khi đó, theo hướng dẫn Radiation in Everyday Life (Bức xạ trong cuộc sống hàng ngày) của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (International Atomic Energy Agency, IAEA), liều bức xạ trung bình mà mỗi người trên thế giới nhận được trong 1 năm từ các nguồn tự nhiên (đất đá, tia mặt trời,…) là khoảng 2,4 mSv (2.400 µSv). IAEA là một tổ chức quốc tế độc lập thành lập năm 1957 có trụ ở ở Vienna (Áo) hiện có 177 nước thành viên, có trách nhiệm giám sát việc sử dụng năng lượng hạt nhân trên toàn cầu. IAEA báo cáo cho cả Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (United Nations General Assembly) lẫn Hội đồng Bảo an LHQ (United Nations Security Council).

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương dẫn nguồn “Bức xạ trong đời sống hàng ngày” (Radiation in Daily Life) của Bộ Văn hóa, Giáo dục, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản cho biết: liều bức xạ trung bình mà mỗi người dân trên thế giới nhận được trong 1 năm là 3.130 μSv, trong đó: 2.400 µSv  từ bức xạ có nguồn gốc tự nhiên (đất đá, tia mặt trời,…);  610 µSv từ chiếu xạ y tế (chụp X-quang,…); 110 μSv từ các hoạt động của con người liên quan đến nguồn bức xạ và chỉ có 13 µSv từ tất cả các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới.

Chỉ e rằng lời đồn đoán Biển Đông bị nhiễm phóng xạ cao có thể dẫn tới suy diễn hải sản đánh bắt ở Biển Đông trở nên độc hại thì sẽ gây ra những hệ lụy không lường được.

Khi tham khảo bản đồ  giám sát lượng bức xạ theo thời gian thực của uRADMonitor, bạn sẽ thấy trên thế giới đang có những nơi khác có cường độ bức xạ cao tới hơn 0,30 μSv/h. Tất nhiên, nếu kết quả đo lường của uRADMonitor là chính xác và là một sự tăng vọt đột biến, đây cũng là một chỉ số đáng quan ngại. Vì chỉ một nguồn bức xạ thôi đã cao như vậy, trong khi thực tế chúng ta phải sống trong môi trường có nhiều nguồn búc xạ khác. Chỉ có điều, mức độ bức xạ khó lòng ổn định ở mức cao kéo dài nếu như không phải trong vùng có sự cố hạt nhân như xảy ra ở Liên Xô trước đây (thảm kịch nhà máy điện hạt nhân Chernobyl tháng 4-1986) và Nhật Bản mấy năm trước (động đất và sóng thần Sendai phá hại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I tháng 3-2011).

Mong rằng có các nhà khoa học chuyên ngành có uy tín kịp thời lên tiếng giải thích tường tận.

PHẠM HỒNG PHƯỚC