Khi người dân Hong Kong thật sự lên tiếng…
Có lẽ nếu có gọi đây là một cuộc “lật đổ” thì thiết nghĩ cũng chẳng có gì là “nổ”. Đài truyền hình CNN của Mỹ ngày 25-11-2019 đã gọi chiến thắng của phe đối lập ủng hộ dân chủ trong cuộc bầu cử hội đồng quận (district council) ở Hong Kong ngày Chủ nhật 24-11-2019 là “chiến thắng long trời lở đất” (landslide victory). Mà không phải là lật đổ sao được khi trước bầu cử, toàn bộ 18 hội đồng quận của Hong Kong đều do các đảng thân Bắc Kinh nắm giữ. Còn bây giờ, theo đài truyền hình công cộng RTHK, kết quả bầu cử cho thấy: với hơn 95% ghế nghị viên đã được công bố, các ứng cử viên ủng hộ dân chủ đã đại thắng với gần 90% số ghế đã kiểm.
Bà Carrie Lam, Đặc khu trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong, quan chức lãnh đạo Hong Kong do Bắc Kinh bổ nhiệm, trong thông cáo ngày 25-11-2019 cho biết chính quyền của bà “tôn trọng kết quả bầu cử”.
Hội đồng quận có nhiệm kỳ 4 năm và có trách nhiệm quản các vấn đề ở địa phương. Tất nhiên, quyền lực của họ chỉ giới hạn ở mức đó. Nhưng kết quả bầu cử ngày 24-11-2019 được coi như một “cuộc trưng cầu ý dân” về nền dân chủ ở Hong Kong. Đây là lần đầu tiên toàn bộ 452 ghế nghị viên quận được bầu lại cùng một lúc. Có 4,13 triệu cử tri trong tổng số 7,4 triệu dân Hong Kong đăng ký bầu cử và thực tế có hơn 2,9 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu – một tỷ lệ ấn tượng. Kenneth Chan, một chuyên gia về chính trị và chính quyền tại Đại học Hong Kong Baptist University, nói với Đài CNN rằng: Tỷ lệ cử tri đi bầu so với số cử tri đăng ký đạt tới hơn 70% như thế này là cao hơn bất cứ cuộc bầu cử nào trước đây ở Hong Kong. Và giới quan sát nói rằng đây chính là cơ hội để cho hàng triệu người Hong Kong trước nay lặng lẽ, không thể hiện chính kiến trong những bão táp biểu tình, chống đối có thể lên tiếng. Và thông qua lá phiếu, họ chọn tương lai cho Hong Kong cũng là tương lai của mình và gia đình là “tự do và dân chủ”.
Có 1.090 ứng cử viên được đề cử có giá trị. Chỉ có 1 ứng cử viên duy nhất bị bác quyền trở thành ứng cử viên là chàng trai 23 tuổi Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) – một thủ lĩnh nổi đình đám của phong trào ủng hộ dân chủ.
Qua 6 tháng Hong Kong chìm trong làn sóng biểu tình chống lại sự o ép từ Bắc Kinh, và sau 22 năm sống dưới chế độ cai quản của Bắc Kinh theo mô hình “một nước hai chế độ” do Trung Quốc đưa ra, người dân Hong Kong ngày càng nhận thức được chuyện “hôm nay và ngày mai”.
Có lẽ không thể phủ nhận rằng kết quả của cuộc bầu cử nghị viện quận ở Hong Kong này cũng chịu sự tác động phần nào từ việc cảc hai viện của Quốc hội Hoa Kỳ thống nhất cao một cách hiếm hoi cùng thông qua dự luật ủng hộ người dân Hong Kong bảo vệ quyền tự do và dân chủ của mình. Cử tri Hong Kong nhận thức mình không cô đơn!
Chắc chắn Bắc Kinh không hài lòng với những gì đang và sẽ diễn ra ở Hong Kong. Nhưng có lẽ họ hiểu hơn ai hết Hong Kong rất khác biệt, không hề giống như những “điểm nóng nội bộ” của Trung Quốc.
Trong những cuộc biểu tình chống đối hồi tháng 8-2019, sinh viên Hong Kong trưng những tấm biển ghi rằng “Let Hong Kong Be Hong Kong” – Hãy để Hong Kong được là Hong Kong. Câu khẩu hiệu này gợi nhiều suy nghĩ.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
Ảnh: Internet. Thanks.