Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Có lẽ người đang dùng chữ Quốc ngữ nên đọc cho biết…

Tư liệu về giáo sĩ Alexandre de Rhodes và chữ Quốc ngữ này là từ một trang Blog trên Internet. Tôi xin phép được chia sẻ cho những ai quan tâm tới chữ Quốc ngữ như một tài liệu tham khảo thêm. Tôi cũng xin phép loại bỏ mọi yếu tố chính trị hay chính kiến, kể cả tôn giáo. Tất cả chỉ tập trung vào chữ Quốc ngữ – chữ viết của người Việt.

Quả là một sự trớ trêu của lịch sử, một giáo sĩ Công giáo Châu Âu có nhiều công lao với dân tộc Việt Nam bao năm nay an nghỉ trên xứ sở Hồi giáo. Cô hàng xóm của tôi có chia sẻ: dưới góc độ nào đó, công trình chữ Quốc ngữ chính là một trong những hành động “thoát Trung” ngoạn mục nhất và căn cơ nhất trong lịch sử Việt Nam. Mà thôi, đó là chuyện khác. Bây giờ, tôi xin chia sẻ một tư liệu có liên quan tới giáo sĩ Alexandre de Rhodes và chữ Quốc ngữ.

Chuyện ngày đó kể rằng:

Một đoàn nhân sĩ trí thức Việt Nam do GS.TS Nguyễn Đăng Hưng, Viện trưởng Viện Vinh danh Chữ Quốc ngữ và Bảo tồn tiếng Việt (ĐH Duy Tân, Đà Nẵng) dẫn đầu đã đến đặt và chính thức khánh thành bia tri ân của người Việt tại mộ phần linh mục Alexandre de Rhodes sáng 5-11-2018, đúng ngày giỗ thứ 358 năm của ông tại thành phố Isfahan (Iran).

Buổi lễ khánh thành bia tri ân đã có sự tham dự của chính quyền thành phố (ông Mazaheri, cộng đồng Hồi giáo tại Isfahan), cộng đồng chủ quản (ông Gestabian, cộng đồng Cơ đốc giáo Armenian tại Isfahan), nhà thờ VANK (bà Gukasian, Trưởng phòng Quan hệ dân chúng) và 20 công dân Việt Nam đến từ ba miền đất nước, có cả người Việt định cư ở nước ngoài.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, TS Nguyễn Thị Hậu, nhà văn Hoàng Minh Tường đến từ Việt Nam đã phát biểu tri ân sâu sắc sự đóng góp của giáo sĩ Alexandre de Rhodes đối với văn hóa Việt Nam.

Sau đây là bài phát biểu của Tiến sĩ Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu trước mộ linh mục Alexandre De Rhodes, tại Isfahan (Iran) trong dịp khánh thành bia tri ân ngày 5-11-2018.

“Chữ quốc ngữ là chữ viết chung của cả nước. Trải qua gần một ngàn năm bị phương Bắc đô hộ nhưng người Việt vẫn nói tiếng Việt. Từ khi giành được độc lập vào thế kỷ thứ X, các triều đại phong kiến nước ta đã mượn chữ Hán (còn gọi là chữ Nho) để sử dụng trong hành chánh, học thuật nhưng chữ Nho chưa bao giờ có vai trò là chữ quốc ngữ.

Từ thế kỷ XIII người Việt dựa trên chữ Nho để ra chữ Nôm nên muốn học chữ Nôm thì phải biết chữ Hán. Vì vậy cả chữ Hán và chữ Nôm đều không thể phổ biến trong dân chúng, do đó ít được sử dụng.

“Từ thế kỷ XVI, các giáo sĩ phương Tây bắt đầu đến truyền giáo tại nước ta. Khi truyền đạo, các giáo sĩ không phải chỉ nói, mà còn dùng kinh sách để giảng giải. Vì vậy, để truyền đạo cho người Việt, các giáo sĩ phải học tiếng Việt và viết kinh sách bằng tiếng Việt. Từ nhu cầu đó nhiều giáo sĩ đã ký âm thẳng tiếng Việt bằng mẫu tự la-tinh, rồi dùng thứ chữ mới ký âm này để viết sách giáo lý bằng tiếng Việt. Sau đó tổ chức biên soạn từ điển và in kinh thánh, giáo lý bằng loại chữ mới này.

“Từ thế kỷ XVII trở đi, nhờ dễ sử dụng bằng cách ghép chữ thành vần nên thứ chữ mới bằng mẫu tự Latin phổ biến hơn. Chữ quốc ngữ phát triển được là nhờ dựa trên nền tảng tiếng Việt là một ngôn ngữ giàu và đẹp, phong phú, linh hoạt và biểu cảm. Từ góc độ lịch sử văn hóa, sáng tạo ra chữ quốc ngữ là công trình của nhiều giáo sĩ phương Tây đặc biệt là vai trò của Ngài Alexandre de Rhodes. Bên cạnh đó không thể không nói đến sự đóng góp của nhiều nhà văn hóa, trí thức người Việt, đặc biệt giai đoạn từ nửa sau thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ XX.

“Từ đầu thế kỷ XX, cùng với sự xuất hiện nhiều thành tố văn hóa mới: báo chí, các thể loại văn học nghệ thuật, in ấn và xuất bản… chữ quốc ngữ càng có điều kiện phát triển rộng khắp, đồng thời tác động trở lại làm cho “văn viết” và “văn nói” của tiếng Việt có sự phân biệt. Từ sau 1945 có thể nói, bằng phong trào “bình dân học vụ” phần lớn dân chúng trước đây “mù chữ” đã biết đọc biết viết. Ngôn ngữ, văn hóa nhiều vùng miền đi vào chữ viết càng làm cho chữ quốc ngữ phong phú và tinh tế, nhiều sắc thái và giàu đẹp hơn.

“Chữ quốc ngữ là một thành tựu văn hóa lớn, có ý nghĩa thúc đẩy văn hóa phát triển (văn chương, giáo dục, khoa học kỹ thuật…). Vì vậy, từ buổi lễ trang trọng hôm nay tại đây, chúng ta hy vọng rằng ngoài việc tôn vinh những ngươi có công lao sáng tạo và hoàn thiện chữ quốc ngữ – tiêu biểu là Ngài Alexandre de Rhodes – chúng ta sẽ đánh giá đúng vai trò của những nhà văn hóa Việt Nam, giá trị những địa điểm ghi lại dấu ấn hình thành và phát triển chữ quốc ngữ tại nước ta vì đó là xứng đáng trở thành di tích lịch sử – văn hóa của đất nước.

“Trân trọng cám ơn giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, người khởi xướng và tổ chức hoạt động văn hóa rất có ý nghĩa này. Chân thành cám ơn các vị khách quý đã tham dự buổi lễ. Xin cám ơn tất cả anh chị em trong đoàn!

“Chúc tất cả quý vị sức khỏe và thành công!”

NGUYỄN THỊ HẬU

Theo từ điển bách khoa Wikipedia, giáo sĩ Alexandre de Rhodes sinh ngày 15-3-1591 tại Lãnh địa Giáo hoàng Avignon – nơi các Giáo hoàng Thiên chúa giáo sống từ năm 1309 tới 1377 và thuộc quyền cai quản của Giáo hoàng cho tới khi trở thành một phần lãnh thổ Pháp quốc vào năm 1791, và mất ngày 5-11-1660 ở Iran. Ông là một nhà truyền giáo Dòng Tên và một nhà ngôn ngữ học người Avignon. Ông đã góp phần quan trọng vào quá trình truyền bá đạo Công giáo tại Việt Nam và việc hình thành chữ Quốc ngữ. Tác phẩm ông biên soạn, Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (Từ điển Việt–Bồ–La), xuất bản tại Rome (Ý) năm 1651 đã hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latinh.

Chữ quốc ngữ Việt Nam được hình thành nhờ công trình tập thể của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và Ý, với sự trợ giúp của các giáo hữu Việt Nam, mà công đầu là của giáo sĩ Francisco de Pina. Khi Rhodes đến xứ Đàng Trong thì tiếng Việt đã được Latinh hóa với những dấu âm khá gần với chữ Quốc ngữ hiện nay. Alexandre de Rhodes đã ghi nhận và thừa hưởng di cảo của những người tiền bối. Ông có công san định chữ Quốc ngữ và ấn hành cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên.

Năm 1619, ở tuổi 26, giáo sĩ Alexandre de Rhodes lên đường đi truyền giáo ở Nhật Bản. Nhưng do tình hình bách hại Kitô giáo quá kinh khủng ở đó, ông không thể vào Nhật đước và sau đó được sai tới Trung Hoa. Đầu năm 1625, ông Alexandre cùng với bốn linh mục Dòng Tên khác và một tín hữu Nhật Bản cập bến Hội An, gần Đà Nẵng bắt đầu hành trình truyền giáo ở Việt Nam. Từ đó, Việt Nam trở thành quê hương thứ hai của Alexandre de Rhodes. Trong vòng 20 năm, ông bị trục xuất đến sáu lần, nhưng sau cả sáu lần ấy, ông đều tìm cách trở lại Việt Nam khi cơ hội cho phép. Tới năm 1645, ông bị Chúa Nguyễn trục xuất vĩnh viễn khỏi Việt Nam. Ông mất ngày 5-11-1660 ở Isfahan (Ba Tư, nay là Iran), 15 năm sau lần cuối cùng bị trục xuất khỏi Việt Nam.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.