Tản mạn về bóng đá Việt Nam
Cứ mỗi khi có trận bóng đá nào mà đội tuyển Việt Nam thi đấu, trang nhất của hầu hết các tờ báo chính trị – xã hội lớn và khắp các mạng xã hội lại rần rần như lên đồng về bóng đá. Cứ như là toàn cõi nhân sinh chỉ có bóng đá. Người ta có vẻ quên tất tần tật mọi thứ ngay chung quanh mình để chỉ biết có bóng đá. Hình như mỗi người Việt Nam đều là một bình luận viên hay huấn luyện viên bóng đá vượt qua cả đẳng cấp của FIFA (Fédération Internationale de Football Association, Liên đoàn Bóng đá Thế giới) mà bay lên tới tầm FCFA (Fédération Cosmique de Football Association, Liên đoàn bóng đá vũ trụ).
Phải chăng 97 triệu người dân Việt Nam đều mê bóng đá?
Chắc chắn không phải là tất cả đâu, mà là phần lớn. Trang Adtima chuyên về quảng cáo mobile ước tính có 3 phần 4 số dân Việt Nam yêu thích bóng đá hay trong số những người hâm mộ thể thao được họ thăm dò, có tới 85% quan tâm tới bóng đá.
Tôi thì khiêm tốn nghĩ rằng chỉ khoảng 25% người Việt Nam yêu bóng đá thôi. Nhưng sao lại rần rần bóng đá như vậy? Đơn giản là mỗi người Việt Nam dù yêu hay không yêu bóng đá thì cũng có trên dưới 10 người thân, bạn bè mê bóng đá. Không rần rần mới lạ!
Có lạ chăng là người Việt Nam yêu bóng đá ngang tầm vũ trụ như vậy mà bao năm nay vẫn không có được một đội tuyển đẳng cấp thế giới, thậm chí ở đẳng cấp Châu Á thật sự? Có vẻ nhiều ánh mắt dòm về phía VFF. Chừng nào VFF vẫn cứ “hết vê rồi ép” như xưa giờ, bóng đá Việt Nam vẫn cứ phập phù, đùa với tim mạch của người hâm mộ. Hãy về với mặt đất sau lũy tre làng mà thử hỏi: sau ông Park Hang-seo, thậm chí sau thời còn vận đỏ của ông ấy, bóng đá Việt Nam rồi sẽ như thế nào? Có vẻ người ta vẫn cứ hừng hực, ăn đong với nhau từng trận đấu… Có ai cho tôi thấy một chiến lược đầy sức thuyết phục về tương lai bóng đá Việt Nam không?
PHẠM HỒNG PHƯỚC