Thứ Sáu ngày 24 tháng 1 năm 2025

Từ đầu năm 2020, Việt Nam áp dụng mức xử phạt vi phạm giao thông nặng và khắt khe hơn

Một trong những cái mới gây chấn động năm mới 2020 là quy định xử phạt vi phạm giao thông được đánh giá là nặng nề và khắt khe hơn trước.

Bản thân mình, tôi ủng hộ quy định đã uống rượu bia thì không lái xe ngay sau đó khi nồng độ cồn trong máu còn cao có thể làm ảnh hưởng tới năng lực xử lý của người điều khiển phương tiện giao thông. Tôi cũng ủng hộ việc xử phạt nặng các hành vi vi phạm giao thông, mà có yếu tố rượu bia càng phải xử phạt nặng hơn. Nhưng toàn bộ việc xử phạt cần phải thật nghiêm minh và rõ ràng mới có hiệu quả thật sự.

Cũng cần minh định với nhau là nhà nước không hề cấm uống rượu bia. Người uống rượu bia chỉ bị xử phạt khi vi phạm các luật định khác, và say rượu được coi là một tình tiết tăng nặng.

Tuy nhiên có một vấn đề còn gây tranh cãi cho tới nay là quy định hễ có nồng độ cồn trong máu khi điều khiển các phương tiện giao thông, kể cả xe đạp, là bị phạt, mà không áp dụng định mức giới hạn. Liệu có quá nghiệt ngã hay bất khả thi?

Quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 này phù hợp với khoản 6 điều 5 của Luật phòng chống tác hại của rượu bia ban hành năm 2019. Điều này quy định:  nghiêm cấm “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Luật giao thông ở Mỹ quy định nồng độ cồn trong máu ở mức 0,08% trở lên là người lái xe đã phạm tội lái xe trong lúc say xỉn (DUI: Driving Under Infuence). Với người bình thường, chỉ cần uống 2 lon bia là đã đạt nồng độ cồn bị phạt này. Nhưng dù sao vẫn có hạn định để tránh những tình huống tình ngay lý gian (như trước đó lỡ hôn “nặng” một người có uống rượu – có thể gọi là có nồng độ cồn thụ động). Được cái ở Mỹ, nhà chức trách xử rất nghiêm, rất nặng tội lái xe khi say rượu – đặc biệt là có gây tai nạn tổn thương người khác.

Về hành vi sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 quy định:

– Với xe ôtô và các phương tiện tương tự xe ôtô. Điều 5, khoản 4, điểm a: phạt tiền từ 1 triệu đồng tới 2 triệu đồng cho hành vi “dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường”.

– Với xe môtô, xe gắn máy (kể cả máy điện) và các phương tiện tương tự xe môtô và xe gắn máy. Điều 6, khoản 4, điểm h: phạt tiền từ 600 ngàn đồng tới 1 triệu đồng cho hành vi “người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính)”.  

– Với xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) và xe thô sơ. Điều 8, khoản 1, điểm h: phạt tiền từ 80 ngàn đồng tới 100 ngàn đồng cho hành vi “sử dụng ô (dù), điện thoại di động”.

Cảnh sát giao thông TP.HCM đang kiểm tra nồng độ cồn của một người lái xe tối 2-1-2020. (Ảnh: Báo TTO/Internet. Thanks).

Như vậy, hễ đo có nồng độ cồn trong hơi thở hay trong máu là người điều khiển giao thông bị xử phạt từ 6 triệu đồng (chạy xe ôtô), từ 2 triệu đồng (chạy xe môtô, xe gắn máy), và từ 80 ngàn đồng (chạy xe đạp). Người đang chạy xe ôtô chỉ bị cấm dùng tay sử dụng điện thoại di động, nhưng vẫn được phép đeo tai nghe các loại. Còn người đang chạy xe môtô, xe gắn máy bị cấm sử dụng điện thoại di động lẫn các loại tai nghe. (Có lẽ ai cũng hiểu là nghe nhạc bằng tai nghe – đặc biệt là loại tai nghe nhét vào trong lỗ tai, in-ear, rất dễ bị chia trí, phân tâm).

PHẠM HỒNG PHƯỚC