Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Trung Quốc trục xuất ba nhà báo Mỹ vì có ý kiến ý cò về dịch bệnh coronavirus mới

Trung Quốc đã trục xuất 3 nhà báo của nhật báo Mỹ Wall Street Journal  (WSJ) vì báo của họ đã đưa ra ý kiến về dịch bệnh ​​coronavirus mà Bắc Kinh không hài lòng.

Chính phủ Trung Quốc ngày 20-2-2020 đã thông báo sẽ thu hồi giấy phép tác nghiệp báo chí của ba phóng viên này. Nguyên nhân là một bài báo ở mục Ý kiến (WS Opinion) có tựa đề “China is the real sick man of Asia” (Trung Quốc là một con bệnh thật sự ở Châu Á) xuất bản ngày 3-2-2020. Nó chỉ trích phản ứng ban đầu của Trung Quốc đối với dịch coronavirus và đưa ra giả thuyết về ảnh hưởng của sự bùng phát dịch bệnh này đối với nền kinh tế và hệ thống chính trị của đất nước Trung Quốc. Đây là một bài báo của học giả Walter Russell Mead và 3 phóng viên WSJ đã lãnh đòn “trả đũa” từ Bắc Kinh.

Bộ Ngoại giao tại Trung Quốc đã bảo vệ quyết định trục xuất ba phóng viên của WSJ. Geng Shuang (Cảnh Sảng), phát ngôn viên của bộ, trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 20-2-2020 đã phản bác lại ý kiến giải thích từ WSJ rằng đây là sự cố trong các trang mục tòa soạn, vốn hoạt động riêng rẽ. Ông này nhấn mạnh: “Chúng tôi không quan tâm đến việc phân chia công việc trong WSJ. Chỉ có một cơ quan truyền thông được gọi là WSJ, và nó phải chịu trách nhiệm cho những gì nó đã nói và làm.” Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm rằng báo WSJ đã từ chối xin lỗi về bài báo đó.
Cách gọi “người đàn ông bệnh hoạn của Châu Á” bị coi là xúc phạm đến những điểm yếu của Trung Quốc vào cuối những năm 1800 và đầu những năm 1900. Phát ngôn viên Geng Shuang nói rằng: “Những người truyền thông đã ngang nhiên xúc phạm Trung Quốc, phân biệt chủng tộc và bôi nhọ ác ý Trung Quốc phải trả giá của mình.”
Vài giờ sau khi Bắc Kinh tuyên bố lệnh trục xuất 3 phóng viên của mình, William Lewis, giám đốc điều hành của Dow Jones và nhà xuất bản của báo WSJ, đã có tuyên bố nói rằng ông thất vọng sâu sắc về quyết định của Bắc Kinh, nhưng đã bày tỏ sự ân hận về bài báo đó. Ông giải thích rằng trang mục ý kiến và các bộ phận làm tin bài của WSJ hoạt động riêng rẽ với nhau.

Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài của Trung Quốc (Foreign Correspondents’ Club of China – FCCC)  – một nhóm các nhà báo tại Trung Quốc – đã bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc và sự lên án mạnh mẽ” về việc trục xuất. Nhóm này nói rằng động thái của Trung Quốc “là một nỗ lực cực đoan và rõ ràng của chính quyền Trung Quốc nhằm đe dọa các tổ chức tin tức nước ngoài bằng cách trả thù các phóng viên hoạt động tại Trung Quốc.” Tuyên bố của FCCC nhấn mạnh: “Các phóng viên thành viên FCCC và các đồng nghiệp của họ ở Trung Quốc đang phải chịu một tần suất quấy rối, giám sát và đe dọa ngày càng tăng từ chính quyền. Việc trục xuất ba phóng viên WSJ này chỉ là vụ mới nhất và đáng báo động nhất mà các các nhà chức trách đã thực hiện.”
Theo FCCC, Trung Quốc đã không trục xuất một phóng viên nước ngoài nào kể từ năm 1998. CNN cho biết đây là vụ trục xuất phóng viên nước ngoài lớn nhất ở Trung Quốc kể từ năm 1989.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã phê phán việc trục xuất này. Ông nói: “Các nước trưởng thành, có trách nhiệm hiểu rằng một báo chí tự do báo cáo các sự thật và bày tỏ ý kiến. Phản ứng chính xác là trình bày các lập luận phản biện, chứ không phải là hạn chế ngôn luận.”
Theo Đài truyền hình CNN Mỹ (20-2-2020): Việc trục xuất 3 nhà báo Mỹ của WSJ diễn ra chưa đầy một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ  tuyên bố họ sẽ đối xử với 5 công ty truyền thông lớn của nhà nước Trung Quốc như là “những cơ quan tuyên truyền hữu hiệu” của chính phủ Trung Quốc. Ngày 18-2-2020, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết rằng Tân Hoa Xã, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI), Nhật báo Trung Quốc(China Daily) và Nhân dân Nhật báo sẽ được Mỹ coi là “các phái bộ nước ngoài” (chứ không phải là cơ quan báo chí thông thường), và có hiệu lực ngay lập tức.

China Is the Real Sick Man of Asia

Beijing expels three Wall Street Journal reporters

Beijing has expelled three Wall Street Journal reporters over a coronavirus opinion piece

HẠNH LÊ