Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Rối rắm vì tên dịch bệnh

Thiệt tình là cái con virus có cái tên tục vỉa hè buôn chuyện là “Cô Vi Vũ Hán” nó phức tạp, rắc rối tới mức ngay cả cái tên cúng cơm của nó cũng khiến người ta muốn bị hack não.

Cho tới nay, nhiều nhà khoa học thú thiệt là giới chuyên môn chưa hiểu nhiều về chủng Coronavirus mới bùng phát ở Wuhan (tỉnh Hubei, Trung Quốc) hồi tháng 12-2019. Nó mới lạ quá và ranh ma, quỷ quyệt quá, nhưng hảo xực mạng người dữ quá. Mà hiểu sao cho được nếu như ngay tới cái tên của nó cũng còn mơ hồ, tranh cãi.

Nếu gọi theo tiếng Việt mang tính diễn giải đầy đủ, đây là “bệnh viêm phổi (hay  viêm đường hô hấp) cấp thể nặng do chủng mới của virus corona gây ra”.

Còn trên văn bản giấy tờ hiện nay, tên chính thức của loài virus là SARS-CoV-2 và tên chính thức của bệnh là COVID-19. Kết hợp lại, ta hiểu như vầy: dịch bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Vậy mà vẫn còn nhiều người dùng lẫn lộn hai cái tên này. Ghét ghê vậy đó! Xí!

Trên đường phố Wuhan – tâm dịch.

Trước hết, xin nói về tên bệnh.

Khi dịch bệnh mới được phát hiện, người ta gọi đó là “bệnh lạ”. Lúc nó tỏ ra nguy hiểm và bùng phát, truyền thông gọi nó là bệnh Wuhan coronavirus, hay Wuhan virus, hay China virus, rồi khoa học hơn là novel coronavirus (virus corona chủng mới). Để thống nhất, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bèn ban cho nó cái tên tạm thời là bệnh 2019-nCoV (2019 novel coronavirus, virus corona chủng mới phát hiện năm 2019). Mãi tới ngày 11-2-2020, trong một cuộc họp báo, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, đã công bố tên chính thức của bệnh dịch này là COVID-19. Ông giải thích: “CO” là viết tắt từ “corona”; “VI” là từ “virus”; “D” là từ “disease” (bệnh); và “19” là “2019” (năm phát hiện bệnh).

Xin lưu ý, WHO chỉ có quyền đặt tên các các loại bệnh. Còn tên của các loài virus gây bệnh thì theo truyền thống do một tổ chức quốc tế chuyên nghiên cứu về virus là (International Committee on Taxonomy of Viruses (ICTV) – Ủy ban Quốc tế về phân loại virus đặt. Tổ chức thành lập năm 1966 này thuộc Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Vi sinh học (International Union of Microbiological Societies, IUMS) – một tổ chức phi chính phủ (NGO) thành lập năm 1927.

Theo quy trình trước nay, mỗi khi trên thế giới bùng phát một loại bệnh do virus mới, người ta sẽ phải đặt tên cho 3 thành phần: loại bệnh (disease), virus (virus) và chủng virus (species). Việc đặt tên chúng được giao cho WHO (tên bệnh), các nhà virus học chuyên gia (tên virus), và tên chủng virus (ICTV).

Cũng trong ngày 11-2-2020, ICTV công bố tên chính thức của chủng virus gây dịch COVID-19 là SARS-CoV-2. Tên này do các chuyên gia của Nhóm Nghiên cứu dòng coronavirus (Coronaviridae Study Group, CSG) thuộc ICTV đệ trình.

ICTV giải thích: SARS-CoV-2 được viết tắt từ “severe acute respiratory syndrome coronavirus 2” (hội chứng hô hấp cấp thể nặng do virus corona chủng 2). SARS trong tên này không phải là dịch SARS (severe acute respiratory syndrome) gây kinh hoàng thế giới từ tháng 11-2002 tới tháng 7-2003, xuất phát từ miền nam Trung Quốc). SARS trong tên SARS-CoV-2 là tên viết tắt mô tả bệnh (giống như ở bệnh SARS 2002-2003) và cũng do dòng virus corona (CoV) gây ra, nhưng lại là chủng mới, nên gọi là chủng thứ 2. Trong trận dịch trước, SARS là tên bệnh, còn tên virus gây ra nó là SARS-CoV. Chắc bạn còn nhớ, dòng virus corona này còn gây ra dịch MERS (Middle East respiratory syndrome, hội chứng hô hấp Trung Đông) bùng phát tháng 4-2012 tại Saudi Arabia. Tên bệnh là MERS và tên virus gây bệnh là MERS-CoV.

Nhiều nhà chuyên môn không đồng thuận với cái tên SARS-CoV-2, một phần nó mù mờ, phần chủ yếu vì nó dễ gây lẫn lộn với bệnh SARS trước đó. Gần đây, một nhóm nhà vi trùng học Trung Quốc đề nghi thay tên virus SARS-CoV-2 bằng HCoV-19 (human coronavirus 2019, virus corona trên người phát hiện năm 2019).

Ngay cả với tên bệnh chính thức là COVID-19 cũng vậy. Bộ Y tế Việt Nam muốn gọi bệnh này là COVID-19 (nCoV) cho công chúng dễ nhận biết hơn. Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc ngày 9-2-2020 từng đặt tên tạm cho bệnh là NCP (novel coronavirus pneumonia, hội chứng viêm phổi do coronavirus mới).

Trong thời gian qua, thiên hạ giở thuyết âm mưu ra càm ràm rằng WHO đã chịu nhiều sức ép chính trị từ nhà cầm quyền Bắc Kinh, thậm chí đã có nhiều nhượng bộ, trong đại dịch COVID-19 này. Tôi không lạm bàn chuyện này vì vừa không có đủ dữ liệu, vừa có khi nói cũng bằng thừa. Nhưng trong cái chuyện đặt tên cho bệnh và cho virus mà không thấy bóng dáng Trung Quốc trong đó, WHO cũng có cơ sở để họ làm như vậy cho vừa lòng nhau.

Theo bộ quy tắc ban hành năm 2015, WHO khuyên không nên sử dụng các địa danh. Chẳng hạn, tên virus Zika lây lan qua muỗi Aedes hoạt động ban ngày có liên quan đến sốt xuất huyết, sốt vàng da, viêm não Nhật Bản và siêu vi West Nile đã được đặt tên theo tên Rừng Ziika Forest ở Uganda, nơi virus này được cô lập đầu tiên vào năm 1947. Virus Ebola gây bệnh sốt xuất huyết cũng được đặt tên theo tên sông Ebola ở CHDC Congo, nơi bệnh này được nhận diện vào năm 1976. Hậu quả là cho tới nay, hai địa danh này bị chết tên với virus chết người. Mà ngay cả Tổ chức Sức khỏe Loài vật Thế giới hay Tổ chức Thú y Thế giới (World Organisation for Animal Health, OIE) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (Food and Agriculture Organization of the United Nations, FAO) cũng tham gia đưa ra bản hướng dẫn về cách đặt tên bệnh và virus để không gây ảnh hưởng tới các loài vật và thực vật.

Chỉ có điều, cái chuyện đặt tên chính thức cho virus và bệnh dịch bùng phát từ Wuhan tháng 12-2019 đã được công bố từ ngày 11-2-2020 và truyền thông thế giới đưa tin hà rầm rồi, chẳng hiểu sao giờ đây có ông truyền thông có lẽ giựt mình tỉnh giấc ngủ say mà hê lên như chuyện mới tinh.

Mà thiệt ra, truyền thông nước ngoài cũng chẳng quá quan tâm tới các cái tên trong sổ bộ và chính thức của giới chuyên môn này. Nhiều người vẫn thích goi virus này là novel coronavirus nay new coronavirus, viết tắt nCoV. Trước đó họ còn gọi đích danh là Wuhan Coronavirus.

Tôi cũng vậy. Chỉ cần gọi nó là bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới. Thậm chí gọi nó là bệnh dịch do virus wuhan, dịch cúm vũ hán (cố ý không viết Hoa) cũng chẳng chết ông Tây nào. Có nên thắc mắc chăng là liệu lỡ bị ả Cô Vi Vũ Hán đoạt mạng xuống dưới phải khai lý lịch với Sir Bắc Đẩu như thế nào mà thôi.

Và nếu muốn tỏ ra thần thái, trên thông thiên văn, dưới rành địa lý, tôi chỉ cần phân biệt: COVID-19 là tên bệnh dịch và SARS-CoV-2 là tên chủng virus gây bệnh dịch đó. Gọi lộn mất công khiến ả Cô Vi Vũ Hán Dưới 19 tuổi khi dễ!

Một phụ nữ ở Wuhan bảo vệ mình cực kỳ cẩn thận.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.