Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Tổng thống Donald Trump quyết định tạm dừng tài trợ cho WHO – ai có tật ắt rục rịch

Lúc 10g30 sáng 15-4-2020, tôi bần thần khi nhìn con số thống kê số người nhiễm novel coronavirus trên thế giới vừa được cập nhật. Từ khi đại dịch bùng phát từ Wuhan (Trung Quốc) hồi tháng 12-2019 tới sáng nay, thế giới sắp sửa vượt mốc 2 triệu người nhiễm virus tại 210 nước và vùng lãnh thổ trên khắp hành tinh. Và tối qua, số người tử vong vì dịch CIVID-19 đã vượt mốc 120.000 người. Mỹ – cường quốc số 1 thế giới – giờ là nước đứng đầu thế giới về số người nhiềm và số tử vong với những con số khó có nước nào vuột qua nổi. Tới sáng 15-4, Mỹ vừa vuột mốc 600.000 ca nhiễm (613.886) và 26.000 người chết (26.047). Nội trong ngày 14-4, Mỹ có thêm 26.945 người nhiễm mới và kỷ lục 2.407 người chết nữa.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, người lâu nay bị chỉ trích vì cách xử lý với đại dịch coronavirus và có số phiếu thăm dò ý kiến công chúng ​​ủng hộ ông giảm, trong cuộc họp báo tại Rose Garden ở Nhà Trắng ngày 14-4-2020 đã đổ lỗi cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về những gì ông gọi là thất bại của tổ chức Liên Hiệp Quốc này trong cuộc khủng hoảng và cho biết ông sẽ cho dừng tài trợ của Mỹ cho WHO trong khi chờ cơ quan hữu trách của Mỹ điều tra. Có nguồn nói rằng Tổng thống Trump cho biết Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với WHO khi tổ chức này có những cải tiến (phải chăng ý ông nói tới sự từ chức của nhân vật đang bị hầu khắp thế giới phê phán vì thai độ quá thân Trung Quốc là Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus – người đang có gần 1 triệu chữ ký trong thư thỉnh nguyện online kêu gọi từ chức).

Tuyên bố này được đưa ra khi ông Trump tiếp tục giận dữ vì những chỉ trích về phản ứng của ông đối với đại dịch, vốn bị cho là quá chậm và không hiệu quả, không thể nhanh chóng áp dụng các biện pháp y tế công cộng để kềm hãm virus.

Tổng thống Trump không nói liệu Mỹ có ngừng tài trợ vĩnh viễn cho WHO hay không, chỉ nói rằng Mỹ sẽ dừng giải ngân trong khi chính quyền xem xét vai trò của WHO trong việc xử lý đại dịch novel coronavirus. Năm ngoái, Mỹ đã đóng góp khoảng 553 triệu USD trong ngân sách 6 tỷ USD của WHO và luôn là nước có đóng góp tài chính lớn nhất cho tổ chức LHQ chuyên trách về sức khỏe cộng đồng toàn cầu này.

Ông Trump đã nhiều lần nói rằng quyết định áp đặt các hạn chế đi lại đối với Trung Quốc là bằng chứng cho thấy ông đã phản ứng sớm với các cảnh báo về sự nguy hiểm của coronavirus. Ông nói rằng quyết định đó đã cứu sống hàng ngàn và hàng ngàn sinh mạng, trong khi WHO lại chống việc đó. Tổng thống đổ lỗi cho tổ chức này vì sự gia tăng 20 lần các trường hợp bị nhiễm virus trên toàn thế giới.

Hồi tháng 2-2020 khi Trung Quốc đang trong cao điểm đại dịch, WHO đã khuyên các nước không nên áp đặt các hạn chế đi lại đối với những nơi có sự bùng phát của coronavirus, với giải thích rằng đó không phải là một cách hiệu quả để chống lại sự lây lan của virus. Dường như ý của WHO là cứ để người ta đi lại rồi kiểm soát tại các điểm đến để có thể phát hiện được virus đã đi tới những đâu. Có lẽ đây cũng chính là lý do mà WHO của ông Tedros đã ba lần bốn lượt lần lữa không chịu công bố đây là một tình trạng khẩn cấp toàn cầu và sau đó cũng kéo dài không chịu công bố đó là một đại dịch khi nó đã bùng nổ trên khắp thế giới. (WHO tuyên bố đây là một tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu – Public Health Emergency of International Concern (PHEIC) hay Global Emergency vào ngày 30-1-2020, và nâng cấp lên đại dịch pandemic vào ngày 11-3-2020).

Ông Trump đã bảo vệ quyết định của mình về việc đưa ra những hạn chế du lịch sớm đối với Trung Quốc, tự cho mình là đã cứu mạng nhiều người trong khi vẫn phải chịu những lời chỉ trích vì bài ngoại và phân biệt chủng tộc. Theo các số liệu mới công bố, trong thời gian trước khi Mỹ cấm hẳn người từ Trung Quốc vào nước này, hơn 400.000 người Trung Quốc đã từ bản xứ đang là ổ dịch “nhập cảnh thành công” vào Mỹ.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump bị phê phán vì chính quyền của ông đã không hành động gì cụ thể sau khi đã ban hành lệnh hạn chế đi lại, cũng như về khoảng trống trong thời gian biểu của sự phản ứng của ông giữa quyết định giới hạn đi lại được công bố ngày 31-1-2020 và việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vào ngày 13-3-2020. Một thời gian được phê phán là quá dài khiến Mỹ mất thế chủ động, bỏ lỡ giai đoạn vàng phòng chống dịch.

Tổng thống Donald Trump rời khỏi cuộc họp báo tại Rose Garden ngày 14-4-2020. Các ghế nhà báo ngồi được bố trí giãn cách nhau. (Ảnh: Doug Mills/The New York Times/ Internet. Thanks)

Cũng trong ngày 14-4, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi – thủ lĩnh Dân chủ ở Nghị viện vốn là “kẻ thù không khoan nhượng” của ông Trump, đã tiếp tục tung đòn tấn công vào tổng thống về việc xử lý đại dịch, khẳng định rằng ông Trump đã gây ra những cái chết và thảm họa kinh tế không cần thiết, bằng cách phớt lờ những cảnh báo sớm về căn bệnh này, làm hỏng phản ứng của liên bang và lại từ chối chịu trách nhiệm.

P/S: Có những nhà bình luận cho rằng theo “quy trình chính trị”, sau khi quy trách nhiệm cho WHO, Tổng thống Mỹ có thể sẽ “nhìn sang Beijing”.

PHẠM HỒNG PHƯỚC