Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Tàu thăm dò của Trung Quốc lại mò vào Biển Đông của Việt Nam

Có lẽ đây là những hình ảnh lần đầu tiên xuất hiện trên truyền thông. Tàu kiểm ngư Việt Nam thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, tàu chiến Mỹ giám sát, tàu thăm dò trái phép của Trung Quốc và tàu hộ vệ tên lửa Trung Quốc hộ tống cùng xuất hiện trên một khung hình trên Biển Đông. (Mà sao tôi vẫn ưng cách gọi của chính quyền VNCH ở Saigon trước 1975 là Biển Việt Nam một cách đĩnh đạc và tự tin hơn).

Không ảnh toàn cảnh cho thấy có ít nhất 4 tàu xuất hiện gần nhau ngày 1-7 gồm tàu hộ vệ tên lửa (số 1) và tàu Hải Dương 4 (số 2) của Trung Quốc, tàu kiểm ngư lớp KN-750 của Việt Nam (số 3) và tàu chiến Mỹ – Ảnh: US Navy
Một bản đồ Biển Việt Nam dưới thời VNCH. (Nguồn: Internet. Thanks.)

Sáng 2-7-2020, sau mấy ngày lại giở trò xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, tàu thăm dò địa chất Hải Dương 4 (Haiyang Dizhi 4) đã quay đầu về phương Bắc, có lẽ di chuyển trở về Đảo Hải Nam.

Trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đưa tin: “Trang Facebook của U.S. 7th Fleet vừa đăng tải những hình ảnh cho thấy tàu USS Gabrielle Giffords Gold (LCS 10) đã có mặt gần khu vực tàu Hải Dương Địa Chất 4 hoạt động vào ngày hôm qua, 1-7. Đây là thời gian mà Hải Dương 4 đang di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, như chúng tôi đã đưa tin. Theo trang thông tin của Hạm đội 7, Tàu USS Gabrielle Giffords đang trong một hoạt động triển khai luân phiên thường lệ trong khu vực hoạt động của Hạm đội 7 – Hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông.”

Một trong những tấm ảnh này cũng cho thấy sự hiện diện của tàu kiểm ngư Việt Nam đang ở gần tàu Hải Dương 4, trùng khớp với dữ liệu của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

Theo trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông: Trong tối 1-7, tàu Hải Dương 4 đã thực hiện 4 đường di chuyển qua lại theo hướng đông bắc – tây nam và ngược lại với tốc độ chậm (dưới 1 hải lý/giờ). Vào lúc 3g sáng ngày 2-7, tàu đã tăng tốc hướng về phía bắc. Đường đi và tốc độ của tàu cho thấy tàu đang trở về Hải Nam.

Trong khi đó, khi nói về sự việc tàu Hải Dương Địa Chất 4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 2-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng các hoạt động thăm dò, khảo sát phải có sự đồng ý của Việt Nam, phù hợp Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982). Việc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và UNCLOS 1982 có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực Biển Đông, trong khu vực cũng như trên thế giới.”

Sau khi Hải quân Mỹ xác nhận tàu chiến đấu ven bờ USS Gabrielle Giffords đã áp sát tàu khảo sát Hải Dương 4 của Trung Quốc trên Biển Đông, truyền thông Bắc Kinh lập tức chỉ trích Washington gây hấn. USS Gabrielle Giffords cũng là tàu đã đối đầu với tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng đội tàu hộ tống của nó khi các tàu này quấy rối tàu khoan dầu khí của Malaysia trên Biển Đông hồi tháng 5-2020. Tàu chiến USS Gabrielle Giffords thuộc lớp tàu Independence và là tàu chiến đấu ven bờ đầu tiên được trang bị tên lửa chống hạm đã liên tục xuất hiện trên Biển Đông kể từ khi được điều tới Singapore năm ngoái và tham gia vào phần lớn các hoạt động đối đầu, giám sát các hành động hung hăng của Trung Quốc.

Ảnh độ phân giải cao cho thấy những hình ảnh rõ nét về tàu chiến Mỹ USS Gabrielle Giffords Gold và tàu Hải Dương Địa Chất 4 của Trung Quốc. Nguổn: U.S. Navy.


Sự hiện diện đồng thời tàu 3 nước Mỹ, Việt Nam, Trung Quốc. Nguồn: U.S. 7th Fleet. Chú thích của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.


Sơ đồ đường đi của tàu Hải Dương Địa Chất 4. Hiện giờ tàu đang rời khỏi vùng biển Việt Nam trở về Hải Nam. Ảnh: Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

P.H.P.