Nhạy cảm Vạn Lý Trường Thành
Việc dựng lại mô hình Vạn Lý Trường Thành trong khu du lịch thiệt ra cũng giống như dựng mô hình 6 kỳ quan thế giới mới (New 7 wonders) khác. Chỉ có điều ở Việt Nam lúc này, yếu tố Trung Quốc làm cho nó trở thành nhạy cảm. Vì thế nó đòi hỏi người ta phải cẩn trọng hơn, nếu không muốn ăn gạch đá, đặc biệt là từ Dang Cư Mận.
Và càng là ca khó hơn khi thái độ và phản ứng này xuất phát từ lòng yêu nước, dù yêu thiệt lòng hay yêu theo trend.
Mà chuyện yêu nước thì luôn phải được coi trọng.
Ngay cả cái câu “Bất đáo Trường Thành, phi hảo hán” (tạm dịch: Chưa tới Vạn Lý Trường Thành thì chưa phải là đờn ông ngon cơm) cũng vậy. Hình như nó được dịch qua tiếng Anh như vầy: Haven’t come to Great Wall, not yet courageous man. Nhiều nguồn nói nó là câu nói dân gian cửa miệng của người Trung Hoa từ xưa rất xưa (Vạn Lý Trường Thành được xây dựng từ thế kỷ thứ 5 TCN, sau đó được Tần Thủy Hoàng – hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa – cho xây thêm vào thế kỷ thứ 3 TCN, rồi sau cùng được xây như còn lại ngày nay dưới thời nhà Minh từ năm 1368 đến 1647). Nó được gán cho ông Mao Trach Đông do nhà lãnh đạo đầu tiên của Trung Quốc đã phóng bút viết câu này rồi bút tích của ông Mao được khắc trên một khối đá quý dựng trên Vạn Lý Trường Thành. Câu này không phải của ông Mao. (A Phủ không biết chữ Hán nên chắc chắn cũng không thể nhận vơ là của mình từng nói cách đây nhiều thế kỷ).
Nhưng việc đề câu “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán” bằng tiếng Việt trên công trình mô phỏng Vạn Lý Trường Thành ở Việt Nam giờ cũng trở nên nhạy cảm.
Mà phàm thì là mà rằng cái gì bị cho là nhạy cảm thì phải được cảm một cách thiệt nhạy.
P.H.P.
+ Ảnh từ Internet. Thanks.