Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Cuộc đua 5G trong làng di động

Một trong những tiêu chí cũng là một cuộc đua trong làng di động thế giới cho năm 2020 là công nghệ mạng 5G. Từ vài năm trước đó, người ta đã có lộ trình thương mại hóa mạng 5G trên thế giới từ năm 2020 để cùng chung sức phủ sóng rồi từ từ tiến tới thay thế dần mạng 4G LTE đã được thương mại hóa từ năm 2009. Nhưng rồi toàn cầu từ đầu năm 2020 chìm trong đại dịch COVID-19 làm thay đổi và đình trệ mọi thứ. Mạng 5G dù cũng bắt đầu được thương mại hóa vào năm 2020 tại nhiều nước hơn, tuy nhiên có chậm hơn và thu hẹp quy mô hơn kế hoạch ban đầu.

(Ảnh: Internet. Thanks.)

Công nghệ 5G được coi là một nền tảng kết nối của công cuộc chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Với nhiều ưu thế hơn hẳn thế hệ 4G về tốc độ (về lý thuyết tới 10Gbps, gấp 10 – 100 lần 4G), băng thông (cho phép số lượng thiết bị cùng kết nối nhiều gấp cả trăm lần), độ trễ (chỉ 4ms hay thậm chí 1ms, so với 75ms của 4G), năng lượng (giảm tới 90% năng lượng cho kết nối mạng)… 5G trở nên lý tưởng cho thời mà mọi hoạt động của con người đều được kết nối và trên mạng. Đặc điểm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là trí tuệ nhân tạo (AI), máy móc tự động và thông minh như ôtô tự lái, in ấn 3D, vạn vật kết nối (IoT), công nghệ sinh học và công nghệ nano. Và chỉ có 5G mới tối ưu hóa được nền tảng kết nối cho 4.0. Tương lai của 5G là những lĩnh vực như ô tô không người lái, chơi game và các ứng dụng VR/AR không dây, điều khiển robot từ xa,…

Một thí dụ về tính hơn hẳn của 5G là nó cho phép tải một bộ phim 3D trong 30 giây, trong khi cần tới 6 phút với mạng 4G. Theo thí nghiệm của Qualcomm, tốc độ tải phim UHD 8K trên 5G sẽ nhanh hơn gấp 500 lần trên 4G LTE.

Thông qua một nghiên cứu về nền kinh tế 5G (5G Economy), nhà sản xuất chipset di động hàng đầu thế giới Qualcomm nhận ra rằng mạng 5G sẽ có tác động tạo thêm sự tăng trưởng toàn cầu, như tạo ra doanh thu kinh tế toàn cầu 13.200 tỷ USD trị giá hàng hóa và dịch vụ; tạo ra thêm 22,3 triệu việc làm mới; tăng trường GDP thêm 2.100 tỷ USD. Nhưng phải tới năm 2035, 5G mới có thể tạo ra được ảnh hưởng kinh tế đầy đủ trên toàn cầu.

Việc triển khai 5G sẽ tùy thuộc vào 2 tay chơi chính: nhà mạng viễn thông và nhà sản xuất thiết bị di động.

Có thể nói, mạng 5G chính thức khai sinh vào tháng 6-2018 khi tổ chức chuẩn hóa quốc tế trong lĩnh vực viễn thông (3GPP) đã phê chuẩn phiên bản đặc tả (chuẩn) vô tuyến mới 5G New Radio (5G NR) độc lập (standalone) đầu tiên là Release 15 sau khi bắt đầu nghiên cứu NR từ năm 2015 và công bố bộ đặc tả đầu tiên vào tháng 12-2017. Và tới ngày 3-7-2020, 3GPP đã công bố Release 16, bộ đặc tả thứ 2 của 5G NR (bị trì hoãn 3 tháng do đại dịch COVID-19). Nếu như Release 15 đặt nền tảng cho việc thương mại hóa 5G, Release 16 cải thiện công nghệ 5G. Trước khi có đặc tả chính thức, việc nghiên cứu và thử nghiệm 5G phải dựa theo chuẩn 4G LTE.

Trang Lifewire cho biết, từ tháng 3-2018, một số ít nước đã bắt đầu triển khai  hoặc thí điểm mạng 5G, như New Zealand (thí điểm tháng 3-2018), Phần Lan, Tây Ban Nha, Úc, Ireland, Nga, Đức, Singapore, Hàn Quốc, Estonia, Bồ Đào Nha, Ba Lan,… Qatar được coi là nước đầu tiên trên thế giới triển khai mạng 5G thương mại vào tháng 5-2018. Trong năm 2020 có thêm các nước Mỹ, Canada, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ,… Cho tới nay, hầu hết các nước đều đã không ít thì nhiều có các kế hoạch triển khai hay tiếp cận 5G.

Xin mời đọc bài in trên báo Người Lao Động thứ Tư 15-9 và báo Người Lao Động Online.