Thứ Hai ngày 25 tháng 11 năm 2024

Hộ chiếu điện tử chấp cánh cho người Việt hội nhập

Quả thật là việc chậm được sử dụng hộ chiếu điện tử (e-passport) là một sự thiệt thòi cho công dân Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Chính Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cũng đề nghị người dân nên lựa chọn làm hộ chiếu điện tử vì có nhiều lợi ích cho cả cơ quan quản lý lẫn người sử dụng. Và theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 được Quốc hội ban hành ngày 22-11-2019, kể từ ngày 1-7-2020, Việt Nam bắt đầu phát hành hộ chiếu điện tử. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 toàn cầu, cho tới nay cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn chưa thể triển khai kế hoạch cấp hộ chiếu điện tử.

Công dân xuất cảnh sẽ dễ dàng hơn với hộ chiếu điện tử. (Nguồn: Internet.)

Hộ chiếu điện tử (e-passport) hay còn gọi là hộ chiếu sinh trắc học (biometric passport) là hộ chiếu được tích hợp một con chip điện tử lưu giữ thông tin căn cước cá nhân đã được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký số của người cấp. Hộ chiếu điện tử có độ bảo mật cao hơn nhờ các thông tin căn cước vừa được in trên trang chính, vừa được thể hiện bằng 2 dòng mã số ở bên dưới cho phép đọc được bằng máy (machine readable lines) như hộ chiếu truyền thống, lại vừa được lưu trong con chip tích hợp mà chỉ có máy đọc chuyên dụng mới đọc được. Hơn thế nữa, hộ chiếu điện tử còn co thể lưu giữ được các dữ liệu sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt, mống mắt) của người mang nó.

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới chấp nhận hộ chiếu điện tử từ năm 2015 để tạo sự thuận tiện cho người dân khi di chuyển xuyên biên giới. Hộ chiếu điện tử có mã vạch đặc biệt với con chip tích hợp các thông tin cá nhân được gắn ngay dưới trang bìa của quyển hộ chiếu (ICAO đã thông qua các tiêu chuẩn tích hợp loại con chip chứa thông tin cá nhân này).

Theo nhiều nguồn thống kê, vào thời điểm giữa năm 2019 đã có hơn 100 nước phát hành hộ chiếu điện tử. Và nhìn lên bản đồ thế giới hồi giữa năm 2019, số nước áp dụng hộ chiếu điện tử hầu như bao trùm cả hành tinh. Ngày 21-1-2020, Bangladesh trở thành nước đầu tiên ở Nam Á và nước thứ 119 trên thế giới phát hành hộ chiếu điện tử.

Ngay tại khu vực ASEAN, tính đến nay, đã có 8 nước chính thức phát hành hộ chiếu điện tử, gồm  Malaysia (1998), Thái Lan (2005), Singapore (2006), Brunei (2007), Philippines (2009), Indonesia (2011), Campuchia (2014), và Lào (2016). Như vậy, ở khu vực này chỉ còn 3 nước vẫn dùng hộ chiếu truyền thống là Việt Nam, Myanmar và Timor-Leste, trong đó Việt Nam về lý thuyết bắt đầu áp dụng hộ chiếu điện tử vào tháng 7-2020.

Tính tới nay, trên thế giới có hơn 1 tỷ hộ chiếu điện tử đã được phát hành. Theo hãng nghiên cứu thị trường Future Market Insights (FMI), chỉ nội trong năm 2018, có 264 triệu hộ chiếu điện tử đã được cấp, vào dự báo trong năm 2019 sẽ có thêm hơn 310 triệu cuốn nữa được phát hành.

Như đã nói ở trên, hộ chiếu điện tử có độ an ninh bảo mật và chống làm giả cao hơn nhiều lần so với hộ chiếu truyền thống. Và đó cũng là một tiêu chuẩn để nâng cấp giá trị của hộ chiếu đối với quốc tế. Nhiều nước cũng coi hộ chiếu điện tử là một trong những điều kiện để ưu tiên xét cấp visa. Trong chương trình miễn visa nhập cảnh Visa Waiver Program được Mỹ áp dụng cho 39 nước và vùng lãnh thổ, có điều kiện là người nước đó phải có hộ chiếu điện tử. 

Việc phát hành hộ chiếu điện tử phù hợp với xu thế chuyển đổi số toàn cầu trong thời công nghiệp 4.0 khi thế giới xây dựng các biên giới thông minh và sân bay thông minh (smart borders and smart airports). Với hộ chiếu điện tử, du khách dễ dàng và nhanh chóng xuất nhập cảnh thông qua các cửa điện tử mà không cần phải tiếp xúc với nhân viên cửa khẩu.

Hiện nay, trên thế giới đã phát triển nhiều loại thiết bị để đọc hộ chiếu điện tử trang bị cho cơ quan chức năng. Thậm chí có cả những thiết bị cầm tay dùng pin sạc. Với việc ứng dụng ngày càng sâu rộng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data), việc sử dụng hộ chiếu điện tử càng có hiệu quả cao hơn và an toàn hơn.

Tất nhiên, tới thời điểm này thì không còn phải bàn cãi gì về lợi ích của hộ chiếu điện tử. Vấn đề chỉ là triển khai việc phát hành nó ra sao.

Thật ra, Việt Nam đã bị lỡ nhịp về hộ chiếu điện tử tới cả một thập kỷ. Hồi giữa năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận về Đề án quốc gia “Sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử Việt Nam”, ấn định thời hạn thực hiện là năm 2011. Mục tiêu đến năm 2015 sẽ đạt 100% hộ chiếu được cấp cho công dân Việt Nam là hộ chiếu điện tử. Nhưng rồi không rõ vì sao đề án này không được triển khai. Sau đó cũng có lý do phải đợi có luật do Quốc hội ban hành để thống nhất thực thi.

Ngày 2-7-2020, tức 1 ngày sau khi luật định về cấp hộ chiếu điện tử bắt đầu có hiệu lực thi hành ở Việt Nam, lãnh đạo Cục Quản lý Xuất nhập cảnh đã cho báo chí biết Việt Nam vẫn chưa thể ấn định được ngày bắt đầu cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử cho công dân vì hệ thống thiết bị mua từ nước ngoài chưa thể nhập về được do tình hình đại dịch. Trong khi đó, theo vị này cho biết: hệ thống phần mềm để làm hộ chiếu gắn chíp điện tử đã hoàn thiện, dữ liệu liên quan cũng đã hoàn thiện, tuy nhiên phải có máy móc, thiết bị mới bắt đầu thí điểm được.

Cũng theo thông tin do Cục Quản lý Xuất nhập cảnh cung cấp, Cục này hiện đang quản lý hơn 125 triệu bản ghi dữ liệu về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân và hơn 20 triệu hộ chiếu, giấy thông hành. Vì vậy theo lãnh đạo Cục, nếu căn cứ vào hệ thống dữ liệu này thì việc cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử sẽ rất thuận lợi, có thể cấp được ngay khi có thiết bị.

Trước đó, ngày 9-6 tại Hà Nội, Viện Khoa học và Công nghệ (Bộ Công an) đã tổ chức Hội thảo khoa học về mẫu hộ chiếu điện tử Việt Nam mà họ đã thiết kế xong bản mẫu. Kết luận, Viện này cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp, phối hợp với Cục Quản lý Xuất nhập cảnh nghiên cứu chỉnh lý, hoàn thiện cuốn hộ chiếu điện tử để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt hầu sản xuất, phát hành theo đúng kế hoạch.

(Nguồn: Internet. Thanks.)

Hộ chiếu điện tử về kỹ thuật chỉ khác hộ chiếu truyền thống ở chỗ có tích hợp thêm một con chip lưu giữ dữ liệu mã hóa. Do con chip này nằm trong lớp bìa hộ chiếu nên về cơ bản, chỉ cần dùng bìa mới cho mẫu hộ chiếu truyền thông. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu như cơ quan chức năng nhân cơ hội này để thiết kế mẫu hộ chiếu mới đẹp, hiện đại và khó làm giả hơn. Nhất là hộ chiếu điện tử mới phải đáp ứng các tiêu chuẩn của hộ chiếu điện tử thế hệ thứ 4 (như con chip phải hỗ trợ chuẩn bảo mật LDS 2.0 của ICAO).

Các thế hệ xác thực.

Dữ liệu trên hộ chiếu điện tử thật ra cũng chẳng liên quan gì tới cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà chủ yếu chỉ nhằm xác thực căn cước của người mang hộ chiếu. Vì thế, cũng chẳng cần đợi tới khi hoàn thành kho cơ sở dữ liệu đó. Nhưng sẽ tiện cho tất cả nếu như hộ chiếu điện tử được cấp cho các công dân đã được cấp số định danh cá nhân (tức đã có căn cước công dân).

Ngoài ra, xét về năng lực công nghệ, Việt Nam hiện nay chắc chắn có những đơn vị có đủ khả năng để sản xuất thiết bị phục vụ cho việc sản xuất và sử dụng hộ chiếu điện tử. Có lẽ chỉ cần cơ quan chức năng đặt hàng.

Bây giờ, về pháp lý, Việt Nam đã bắt đầu áp dụng hộ chiếu điện tử. Vì thế, các cơ quan chức năng trong khi phải chờ đợi thiết bị được nhập về cần chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện, quy trình để có thể triển khai nhanh chóng hộ chiếu điện tử ngay sau khi có thiết bị. Tất cả là vì quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam trong thời hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Chúng ta đã chậm chân lắm rồi.

PHẠM HỒNG PHƯỚC