Lòng từ tâm đang bị lừa đảo trên mạng
Trong thời gian gần đây, trên mạng Facebook xuất hiện nhan nhản những status, thậm chí gửi qua tin nhắn Messenger, nêu lên những trường hợp nạn nhân, người gặp sự cố nào đó để kêu gọi “người từ tâm đi ngang qua ghé vào chia sẻ”. Nhiều bạn ngạc nhiên thốt lên: Sao dạo này người lâm nạn nhiều quá vậy? Và không ít người không nhận ra được đó chính là những chiêu trò của bọn xấu, thậm chí tội phạm trên mạng. Nhẹ tội nhất là chỉ cần click thao các đường dẫn được cung cấp và tiến hành khai báo là nạn nhân bị cướp mất tài khoản Facebook của mình.
Chuyện lợi dụng lòng từ thiện của công chúng thật ra đã xảy ra trên các mạng xã hội lâu lắm rồi. Chúng như đầu Phạm Nhan, chặn cái này, mọc ngay cái khác. Và trình độ “tay nghề” của bọn lừa đảo ngày càng siêu hơn. Chúng đánh vào tâm lý hướng thiện của cộng đồng, làm việc tốt để đức cho mình và con cháu và kể cả cái tâm lý “thà giúp lầm còn hơn bỏ qua”.
Trong mấy tháng cuối năm 2020, trên mạng rộ lên những vụ tấn công giả mạo (Phishing Attack). Đây là một hình thức tấn công vào người dùng bằng cách giả mạo thành một đơn vị hay cá nhân uy tín để chiếm lòng tin của họ, thông thường là qua e-mail và mạng xã hội. Mục đích của tấn công giả mạo thường là để đánh cắp dữ liệu quan trọng của người dùng như thông tin thẻ tín dụng, tên đăng nhập, mật khẩu.
Cụ thể, một số người dùng Facebook cho biết họ đã bị chiếm quyền sử dụng tài khoản chỉ bằng một vài thủ đoạn như bị lừa click vào một đường link giả mạo hay bị gắn thẻ (tag) vào một bài viết có chứa đường link độc hại. Các bài viết nguy hiểm này chủ yếu có những nội dung tai nạn giao thông hay kêu gọi ủng hộ, bình chọn… Khi tò mò nhấn xem bài viết được chào mời, người dùng được dẫn tới một trang mới giống giao diện đăng nhập Facebook và được yêu cầu đăng nhập lại thông tin đăng nhập tài khoản Facebook của mình để xác thực trước khi có thể đọc nội dung bài viết. Nếu điền thông tin tài khoản và mật khẩu đăng nhập theo yêu cầu, người dùng coi như bị ăn cắp thông tin đăng nhập Facebook của mình. Thậm chí, có khi chỉ cần click vào xem nội dung bài viết cũng bị mất quyền đăng nhập tài khoản khi bài viết đó bị nhúng mã độc.
Kịch bản sau đó thường là kẻ xấu sẽ đóng giả người dùng đã bị mình đánh cắp tài khoản để trò chuyện với bạn bè trên Facebook của khổ chủ nhằm giở những chiêu trò vay mượn tiền bạc hòng chiếm đoạt tài sản. Cũng không loại trừ bọn xấu sẽ rao bán những thông tin tài khoản mạng xã hội mà chúng lấy được, tương tự như nạn rao bán các địa chỉ e-mail truyền thống.
Trong thời gian qua, biết bao nhiêu vụ bịa ra các trường hợp khó khăn hay thậm chí dựa trên những trường hợp có thật để mạo danh làm từ thiện để quyên góp tiền đóng góp của các nhà hảo tâm khắp nơi – tới khi thấy đủ rồi thì cắt mọi liên lạc, ôm tiền lặn biệt tăm. Gần đây nhất là trong trân thiên tai mưa lũ ở miền Trung, có kẻ đã mạo danh ca sĩ Thủy Tiên để nhận tiền cứu trợ.
Theo thông tin từ Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, hồi giữa năm 2020, VKSND tỉnh Phú Yên đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với Trần Văn Hùng (SN 1997, trú ở huyện Sông Hinh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo khoản 3 Điều 174 BLHS. Báo Kiểm Sát cho biết: Theo điều tra ban đầu, từ tháng 10-2019, Hùng nảy sinh ý định lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của người khác. Hùng đã sử dụng tài khoản Facebook tên “Hùng Trần”, là quản trị viên của trang “Thanh Niên Chuyên Cần” đăng tải và chia sẻ các bài viết về những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cụ thể, Hùng đã đăng tải trên trang Facebook này nội dung: “chị T.T.S ở thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, chồng chết, sau khi sinh đôi hai con thì bị nhiễm trùng máu. Gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Quy Nhơn thì không qua khỏi. T.T.S chết để lại 04 đứa con, một bé 08 tuổi, một bé 04 tuổi và hai bé song sinh 01 tuần tuổi, cần tiền hỗ trợ các cháu”; cũng như nội dung “chị N.T.T.G giáo viên trường THCS thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, chồng là T.V.H bị tai nạn giao thông mất hai chân, có 02 con là N.T.A 12 tuổi và N.T.N học sinh lớp 2 bị bệnh u não và đang điều trị tại bệnh viên Bạch Mai; kêu gọi sư giúp đỡ, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân vào tài khoản Ngân hàng Agribank 46002053xxxxx của Trần Văn Hùng”. Do tưởng thông tin là thật nên từ ngày 4-11-2019 đến ngày 14-5-2020 đã có 1.121 mạnh thường quân chuyển vào tài khoản của Hùng tổng số tiền ủng hộ là 444.983.542 đồng. Hùng chiếm đoạt toàn bộ số tiền trên để sử dụng tiêu xài cá nhân.
Báo Hà Tĩnh (2-12-2020) cho biết: Thời gian gần đây, tại Hà Tĩnh, một số tài khoản Facebook, Zalo đăng tải hình ảnh thương tâm của các bệnh nhân kèm theo những câu chuyện đau lòng để kêu gọi quyên góp từ thiện. Tuy nhiên, không ít trong số này là giả mạo để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Mỗi khi biết được thông tin về một trường hợp cần trợ giúp nào đó, bạn nên liên hệ trực tiếp với người vận động (trong trường hợp đã biết rõ đây là người có uy tín dài lâu). Ở địa phương thì có thể liên hệ với chính quyền. Còn tại các bệnh viện thì có các phòng công tác xã hội chịu trách nhiệm về các trường hợp cần giúp đỡ này. Tất nhiên, có không ít người muốn được giúp trực tiếp, không thông qua các cơ quan, tổ chức. Vấn đề ở đây là ta liên hệ với họ để xác minh thông tin về đối tượng cho chính xác, rồi giúp ra sao là tùy từng nhà hảo tâm.
Chẳng hạn, cách đây không lâu, một tài khoản trên Facebook đưa những hình ảnh băng bó vết thương kèm theo thông tin cá nhân, bệnh lý được cho là của bệnh nhân Nguyễn Như Ngọc (1 tuổi, xã Đức Hương, huyện Vũ Quang), điều trị bỏng tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh để kêu gọi quyên góp từ thiện. Khi biết được thông tin của bé Ngọc, chị Nguyễn Phương C. (TP Hà Tĩnh) muốn hỗ trợ bé với suất quà giá trị. Chị lấy số điện thoại có trong bài đăng để gọi cho bố bé, cốt hỏi để đến bệnh viện trao quà tận tay. Biết chị muốn được trao tận tay chứ không chuyển tiền vào tài khoản, đầu giây bên kia chỉ ậm ừ và tắt máy. Nhiều ngày sau đó, chị C. cố gắng gọi vào số máy này, nhưng cũng đều không liên lạc được. Để xác minh thông tin, chị C. đã gọi điện đến chính quyền xã Đức Hương. Kết quả, ông Lê Văn Lợi, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, xác nhận: “Trên địa bàn xã không có trường hợp nào như vậy.”
Anh Lê Minh, một chuyên viên nghiên cứu tại Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT – Đại học Nguyễn Tất Thành mới đây chia sẻ trên báo chí: Nếu bạn thấy một ai đó trên Facebook gắn thẻ mình vào một bài viết khóc thương một người bạn (mà bạn chẳng rõ đó là ai) kèm theo một bài báo thì 99% là bạn đang bị “câu” (fishing) để tự khai thông tin đăng nhập Facebook của mình. Nếu click vào link được cung cấp để đọc bài, người dùng sẽ thấy yêu cầu đăng nhập lại Facebook vì đây là nội dung “người lớn” (có ảnh tai nạn). Nếu bạn tiến hành đăng nhập lại theo yêu cầu là coi như bạn bị mất tài khoản.
Chuyên gia này khuyến cáo: “Mọi người hãy rất cẩn thận, nếu phát hiện ra tài khoản nào tag tên bạn kiểu này, tốt nhất là block luôn tài khoản đó, hoặc trót khai ra rồi thì phải ngay lập tức đổi mật khẩu trước khi quá muộn.”
Với chiêu trò lừa đảo qua hình thức giả mạo này, bọn xấu có nhiều cơ hội thoát khỏi sự quản lý của mạng xã hội vì nội dung các post không có gì vi phạm các nguyên tắc cộng đồng. Nếu đặt ra từ khóa để quét phát hiện và ngăn chặn, mạng có thể gây ảnh hưởng tới những người có nhu cầu vận động từ thiện thật sự. Vì thế, giải pháp tốt nhất là người dùng nên báo cáo với mạng xã hội các nội dung có nghi vấn và bản thân các mạng xã hội cũng có thể quét các nội dung để dán nhãn cảnh báo người dùng cẩn trọng.
Nhưng, cuối cùng thì chuyện lên mạng có an toàn hay không vẫn là tùy thuộc vào sự cẩn trọng của mỗi người dùng. Do Lý Thông và ma quỷ giờ đông như quân Nguyên trên môi trường mạng, nếu muốn làm từ thiện, giúp đỡ tha nhân, người ta cần phải cẩn trọng, xem trước ngó sau. Phải tích lũy cho mình những kỹ năng chung sống an toàn với kỷ nguyên mạng toàn cầu.
- Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 9-12-2020 và báo Người Lao Động Online.
PHẠM HỒNG PHƯỚC