Danh tính số cho công dân số
Mỗi người dân Việt Nam sẽ được cấp một danh tính số ngay từ năm 2021. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã cho biết như vậy trong tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 hồi cuối tháng 1 và đầu tháng 2-2021.
Danh tính số hay danh tính điện tử (e-Identity) là tập hợp các thông tin điện tử phục vụ việc xác định duy nhất một cá nhân, tổ chức. Khái niệm này đã được ghi trong dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử do Bộ TT-TT soạn thảo và được Thủ tướng Chính phủ ngày 25-2-2021 chỉ đạo phải khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ xem xét ban hành trong quý 1-2021 để tạo hành lang pháp lý trong vấn đề danh tính số.
Có thể nói rằng, danh tính số là một thẻ căn cước điện tử của một công dân số trong một xã hội số hóa trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện cả một quốc gia.
Ngày 25-2-2021, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất cấp và quản lý căn cước công dân đã được khai trương với sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Cơ sở dữ liệu quốc gia (DLQG) về dân cư được đánh giá là quan trọng nhất trong số các cơ sở DLQG, vì nó là nền tảng cho chuyển đổi số. Nó sẽ giúp đẩy nhanh việc xây dựng các hệ thống Chính phủ điện tử, thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại, thực hiện việc quản lý dân cư thông qua mã định danh cá nhân, giúp giải quyết cơ bản vấn đề định danh, xác thực điện tử cho công dân trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, cũng như các dịch vụ online khác, như giao dịch tài chính – ngân hàng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khai trương hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân tại Hà Nội chiều 25-2-2021. (Ảnh: VNPT.)
Theo báo cáo, đến nay Cơ sở DLQG về dân cư đã thu thập, chuẩn hóa dữ liệu của hơn 90 triệu người dân, đạt trên 92% dân số;, kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Một khi Cơ sở DLQG về dân cư đi vào hoạt động, nó sẽ cung cấp các thông tin cơ bản có đầy đủ tính pháp lý về công dân trên nền tảng số hóa. Từ nay khi thực hiện các giao dịch và các dịch vụ công với cơ quan Nhà nước, người dân và doanh nghiệp thay vì phải khai báo, nộp, chứng thực các giấy tờ chứng minh, các thông tin đó sẽ được trích xuất tự động từ Cơ sở DLQG về dân cư, giúp giảm bớt thời gian chuẩn bị hồ sơ, giảm chi phí giấy tờ, thời gian xác minh, đi lại cho công dân.
Và danh tính số chỉ có thể hoạt động được dựa trên Cơ sở DLQG về dân cư – nơi lưu giữ dưới dạng số hóa đầy đủ tính pháp lý các thông tin về nhân thân của công dân.
Danh tính số giống như một thẻ căn cước, một passport của công dân trong môi trường điện tử. Khi cần giao dịch điện tử, người dân chỉ cần xuất trình danh tính số của mình là các thông tin nhân thân cần thiết sẽ được tự động cung cấp cho nơi tiếp nhận giao dịch. Tất nhiên để bảo đảm bảo mật thông tin cá nhân của công dân, việc khai thác các dữ liệu nhân thân này sẽ phải phân thành nhiều lớp, tùy đối tượng mà được cấp quyền truy xuất những thông tin nào.
Từ danh tính số được người dân cung cấp, nơi tiếp nhận giao dịch sẽ tiến hành xác thực điện tử (e-Authentication) là việc kiểm tra định danh điện tử của cá nhân hoặc tổ chức để cho phép truy cập vào các dịch vụ hoặc tài nguyên của hệ thống thông tin. Và để có thể tíến hành các giao dịch, người có danh tính số sẽ phải cung cấp các yếu tố xác thực (Authentication factor) mà mình được cơ quan chức năng cung cấp. Đo là thông tin được sử dụng để xác thực điện tử, giống như là chữ ký số của người dân. Nó có thể bao gồm các loại như: thông tin mà đối tượng yêu cầu xác thực biết (thí dụ: mật khẩu…); thông tin mà đối tượng yêu cầu xác thực có (thí dụ: SIM điện thoại di động, USB token…); thông tin thuộc về đặc điểm tự nhiên (sinh trắc học) của đối tượng (thí dụ: vân tay, mống mắt, khuôn mặt, giọng nói…).
Thủ tướng ngày 25-2-2021 đã chỉ đạo các bộ ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để phổ cập danh tính số cho mọi người dân, tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế số, xã hội số.
Nếu như ở Mỹ và nhiều nước tiên tiến, mỗi người dân khi sinh ra có một số an sinh xã hội (social security) sử dụng suốt đời, mỗi công dân Việt Nam cũng được cấp một mã số định danh cá nhân là dãy số gồm 12 chữ số, xác lập từ Cơ sở DLQG về dân cư. Mã số này được cơ quan Nhà nước cấp cho mỗi công dân Việt Nam từ khi đăng ký khai sinh và gắn với họ đến khi chết, không thay đổi trong suốt cuộc đời, không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu thông tin công dân trên Cơ sở DLQG về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Từ đầu năm 2016, trẻ em mới sinh ra sẽ được cấp một số định danh cá nhân khi làm giấy khai sinh. Còn những người lớn chưa có số định danh cá nhân này sẽ được cấp khi dữ liệu được đưa vào Cơ sở DLQG về dân cư và đó cũng chính là số thẻ căn cước công dân.
Danh tính số là hình thức số hóa của mã số định danh cá nhân.
Ngày càng có thêm nhiều quốc gia áp dụng nhận dạng điện tử (danh tính số) để phục vụ cho việc bầu cử (ghi danh, cấp thẻ căn cước cử tri, nhận dạng và xác thực cử tri, ….), bao gồm cả những quốc gia sử dụng đăng ký cử tri sinh trắc học.
Các quốc gia hiện đang phát hành danh tính số do chính phủ cấp như Afghanistan, Bangladesh, Bỉ, Bulgaria, Chile, Phần Lan, Guatemala, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Israel, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Nigeria, Maroc, Pakistan, Peru, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Romania, Estonia, Latvia, Lithuania, Tây Ban Nha, Slovakia, Malta, Mauritius. Thậm chí Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan còn chấp nhận eID do ngân hàng cấp (còn được gọi là BankID) để cơ quan chính phủ nhận dạng.
Theo báo Chính Phủ, tại lễ khai trương Cơ sở DLQG về dân cư ngày 25-2-2021, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: sự phát triển mạnh mẽ của kỷ nguyên số sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn nữa vào nền kinh tế thế giới, thúc đẩy thay đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tăng năng suất xã hội và năng lực cạnh tranh. Do đó, chúng ta cần đẩy nhanh nắm bắt và ứng dụng những thành tựu mới của khoa học công nghệ trên tất cả các lĩnh vực, đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước nói chung, trong quản lý dân cư nói riêng, tạo một hệ thống thông tin “công dân số” trong tất cả các ngành, lĩnh vực, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của thời đại mới.
Tất nhiên, việc áp dụng danh tính số là mới mẻ. Vấn đề người dân quan tâm nhất vẫn là việc bảo mật thông tin cá nhân. Vì thế, Thủ tướng ngày 25-2-2021 đã chỉ đạo các bộ có liên quan tập trung hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quý 2-2021.
- Bản in trên báo Người Lao Động Chủ nhật 28-2-2021 và trên báo NLĐ Online. Cấp danh tính số, người dân hưởng lợi
PHẠM HỒNG PHƯỚC