SAP mở rộng mạng lưới kinh doanh linh hoạt giúp doanh nghệp SMB đương đầu với đại dịch COVID-19
Vừa qua, hai thành viên HĐQT Công ty SAP (công ty phần mềm đa quốc gia của Đức) là ông Thomas Saueressig,phụ trách Product Engineering (chiến lược và thiết kế sản phẩm), và ông Scott Russell, phụ trách Customer Success (bán hàng, dịch vụ và đối tác), đã có cuộc trao đổi với giới báo chí Châu Á về những nỗ lực và giải pháp của SAP để đương đầu với đại dịch toàn cầu COVID-19.
Ông Thomas Saueressig là ngôi sao đang lên trong làng công nghệ toàn cầu, với tuổi đời còn rất trẻ (sinh năm 1985), nhưng đã khẳng định được năng lực ở vị trí lãnh đạo cấp cao của SAP. Ông là một trong 40 gương mặt trẻ toàn cầu được tạp chí Fortune vinh danh vào năm 2016 (Fortune 40 under 40). Trong HĐQT SAP, ông là nhà bảo trợ cho khu vực Châu Á (Board Sponsor for Asia), và thường xuyên làm việc với các khách hàng SAP tại Châu Á
Ông Scott Russell mới được bổ nhiệm vào vị trí thành viên HĐQT SAP vào đầu năm 2021. Trước đó, ông là Chủ tịch & Tổng Giám đốc SAP Châu Á. Ông đã gắn bó với SAP hơn 10 năm ở nhiều vị trí lãnh đạo như Giám đốc điều hành SAP Châu Á, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc SAP Đông Nam Á. Ông đã sống và làm việc tại nhiều nước Châu Á trong 25 năm qua, và hiện vẫn sống tại Singapore và làm việc online dù được bổ nhiệm vào ví trí toàn cầu.
Ông Scott Russell (trái) và ông Thomas Saueressig (phải) tại buổi gặp gỡ báo chí Châu Á.
MediaOnline xin trích giới thiệu một số nội dung trong cuộc gặp đỡ báo chí Châu Á này của 2 thành viên HĐQT SAP.
Điều gì đã thôi thúc SAP mở rộng Mạng lưới kinh doanh SAP?
● Ông Thomas Saueressig: Sau 18 tháng sống chung cùng đại dịch, có lẽ tất cả chúng ta đều nhận ra rằng chuỗi cung ứng không chỉ là một hoạt động “phía sau cánh gà”, mà là hoạt động trọng yếu, ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động kinh doanh khác. Những gián đoạn chuỗi cung ứng gần đây cho thấy các doanh nghiệp cần có khả năng kết nối toàn cầu.
SAP hiện có 400,000 khách hàng trên toàn thế giới, và mạng lưới kinh doanh SAP đã có 5,5 triệu đối tác thương mại. Với Mạng lưới kinh doanh SAP, chúng tôi giúp cho mọi doanh nghiệp đều được tiếp cận với các đối tác tiềm năng một cách minh bạch và cẩn trọng, giúp họ mở rộng mạng lưới và tránh những gián đoạn về chuỗi cung ứng.
Điều này sẽ có ý nghĩa thế nào với các doanh nghiệp toàn cầu và cụ thể hơn là các doanh nghiệp Đông Nam Á?
● Ông Scott Russell: Không có doanh nghiệp nào thành công trong cô đơn cả. Do vậy, chúng ta cần một mạng lưới kinh doanh có tính khả mở cao, tương tác đơn giản, thủ tục giao dịch nhanh gọn nhưng bảo đảm, có thể tự thích nghi với những biến động thị trường.
Trong đại dịch COVID-19, có tới 75% doanh nghiệp đã phải đối mặt với những gián đoạn chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, chúng ta không thể cho rằng tất cả những vấn đề trên sẽ biến mất khi đại dịch qua đi – mà khi đó sẽ có những bất ổn và gián đoạn khác.
Là người đã có hơn 25 năm kinh nghiệm sống và làm việc tại Châu Á, tôi thấy hệ sinh thái doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN, SMB) đóng vai trò vô cùng quan trọng. Các DNVVN thường phụ thuộc vào một số đối tác truyền thống. Tuy nhiên, để phát triển và mở rộng quy mô, họ cần phải tìm kiếm những đối tác mới, thị trường mới và cơ hội mới. Mạng lưới kinh doanh SAP sẽ là cầu nối cho họ trong quá trình này – cung cấp một mạng lưới và phương thức giao dịch trên phạm vi toàn cầu, giúp họ tiến xa hơn và viết tiếp câu chuyện thành công của mình.
SAP làm thế nào để bảo đảm Mạng lưới kinh doanh SAP quy tụ những nhà cung cấp chất lượng cao và đáng tin cậy?
● Ông Thomas Saueressig: Chắc chắn những doanh nghiệp tham gia Mạng lưới kinh doanh SAP đều muốn làm việc với những đối tác đáng tin cậy. Chúng tôi đã xây dựng một nền tảng khá đảm bảo về mặt pháp lý, đồng thời sử dụng công nghệ Blockchain và tận dụng dữ liệu trong hệ thống để bảo đảm rằng mọi thành viên của Mạng lưới kinh doanh SAP đều là những đối tác đáng tin cậy trong mọi giao dịch kinh doanh.
Chiến lược phát triển bền vững của SAP là gì và làm thế nào để các doanh nghiệp đẩy mạnh hơn nữa các chương trình phát triển bền vững xuyên suốt chuỗi giá trị của họ?
● Ông Thomas Saueressig: Các doanh nghiệp cần chú ý đến các chỉ số phát triển bền vững xuyên suốt chuỗi giá trị chứ không chỉ trong khâu sản xuất. Thực tế là lượng khí thải carbon ở trong quá trình cung ứng một sản phẩm (từ khâu nguyên liệu, vận chuyển, phân phối,…) lớn gấp 5,5 lần so với lượng khí thải trong quá trình sản xuất sản phẩm đó. Vậy nên, chúng ta chưa nhận thức được đầy đủ vấn đề nếu chỉ chăm chăm cải thiện lượng khí thải carbon trong doanh nghiệp.
Đối với phát triển bền vững, SAP chọn cách tiếp cận tương đối toàn diện. Nhiều người vẫn nghĩ phát triển bền vững là giảm thiểu lượng khí thải carbon hay tài nguyên, tuy nhiên chúng ta cũng cần phải chú trọng tới những khía cạnh khác như quyền con người, đa dạng hóa nguồn lao động, tiêu dùng đạo đức,… SAP đã phát triển giải pháp SAP Sustainability Control Tower (Quản lý phát triển bền vững SAP) với 3 mục tiêu chính là không khí thải carbon, không rác thải, không bất bình đẳng (zero emission, zero waste, zero inequality). Nhờ vậy, chúng ta có thể phát triển nền kinh tế tuần hoàn (circular economy), với mục tiêu đầu ra của một công ty có thể trở thành đầu vào của một công ty khác.
● Ông Scott Russell: Tất cả các doanh nghiệp đều muốn làm điều tốt và có ích cho xã hội, tuy nhiên, họ cũng cần sự trợ giúp để thực hiện điều này. Họ cần công nghệ, thông tin và cần được chia sẻ kinh nghiệm để hiểu và thực thi các chương trình phát triển bền vững trong doanh nghiệp mình.
Để hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, chúng ta cần thay đổi cách thức vận hành của một nền kinh tế. Chúng ta đã quen sống trong nền kinh tế đường kẻ (linear economy) với rất nhiều hệ lụy như khối lượng chất thải khổng lồ, vận hành kém hiệu quả, khiến doanh nghiệp phải gánh nhiều chi phí lớn. Xu hướng dịch chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn đã bắt đầu, và một số nghiên cứu đã ước tính kinh tế tuần hoàn sẽ giúp kiến tạo thêm 4,5 triệu tỷ USD từ nay đến 2030. Như vậy, kinh tế tuần hoàn không chỉ tốt cho Trái đất mà còn góp phần tăng trưởng kinh tế nữa. Tôi tin rằng Châu Á có thể trở thành khu vực tiên phong trong việc hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững và giảm thiểu bất bình đẳng xã hội.
RISE with SAP là nền tảng ERP theo mô-đun hoạt động trên nền tảng điện toán đám mây. Vậy mô hình này có những ưu điểm gì, thưa ông?
● Ông Scott Russell: Mọi khách hàng đều muốn ứng dụng công nghệ hiện đại một cách nhanh chóng và nhận được những lợi ích tức thì. Chúng tôi đã bỏ rất nhiều công sức để nghiên cứu và phát triển trong 18-24 tháng gần đây, để mang đến một hệ thống ERP được mô-đun hóa, nhưng vẫn đáp ứng được những hoạt động và quy trình đặc thù của từng ngành nghề. Ngoài ra, bất kỳ thay đổi nào cũng cần đúng người, đúng kỹ năng và đúng vị trí. Con người là trung tâm của chuyển đổi số, và đó là lý do tại sao giải pháp này đi kèm mô-đun quản lý trải nghiệm con người (Human experience management).
Khi trao đổi với các khách hàng trong khu vực, tính năng gì trong giải pháp SAP mà khách hàng đánh giá cao nhất, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại?
● Ông Scott Russell: Khách hàng của chúng tôi đánh giá cao sự đơn giản của RISE with SAP. Khách hàng cần một cách thức hiệu quả để chuyển đổi doanh nghiệp trên mây, với những tính năng họ cần để cạnh tranh và thích nghi với những thay đổi mới một cách đơn giản nhất. Với RISE, các hình thức hợp đồng, triển khai, chi phí đều rất đơn giản, rõ ràng.
Thứ hai là hình thức mô-đun hóa. Mỗi doanh nghiệp sẽ có lộ trình chuyển đổi riêng của họ. Một doanh nghiệp nhỏ chú trọng vào các tính năng quản lý chuỗi cung ứng. Một doanh nghiệp bán lẻ sẽ quan tâm tới chuỗi cung ứng cũng như các mô-đun khác như quản lý trải nghiệm khách hàng, quản lý kho. Do vậy, một hệ thống ERP dưới dạng mô-đun sẽ giúp tối ưu hóa quá trình triển khai và đáp ứng tốt nhất nhu cầu đặc thù của từng doanh nghiệp.
Ngoài ra, SAP vừa công bố mua lại Signavio, công ty chuyên về Quy trình kinh doanh thông minh (Business Process Intelligence). Như vậy, khách hàng SAP không chỉ tối ưu hóa được các quy trình của mình, mà còn có được những phân tích và thông tin về tính hiệu quả của các quy trình hoạt động để có được những điều chỉnh phù hợp.
DNVVN trong khu vực cần làm gì để trụ vững và vượt qua đại dịch COVID-19?
● Ông Scott Russell: DNVVN đang đứng trước thách thức kép: vừa tìm cách xử lý các gián đoạn của chuỗi cung ứng cũng như nhu cầu sụt giảm từ phía khách hàng. Do vậy, việc tiếp cận, kết nối và giao dịch với các đối tác mới trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Mạng lưới kinh doanh SAP là cơ hội để họ mở rộng thị trường và phát huy sức mạnh của mạng lưới mà không cần phải đầu tư vào một hệ thống công nghệ mới.
Ngoài ra, giải pháp Upscale Commerce mà chúng tôi mới ra mắt tại SAPPHIRE cũng sẽ giúp các DNVVN kết nối tới một nền tảng thương mại đa kênh (omni-channel) đơn giản, dễ vận hành trên nền tảng điện toán đám mây. Do vậy, các DNVVN không cần phải tự xây dựng một hệ thống e-commerce phức tạp và tốn kém nữa.
Chuyển đổi số có ý nghĩa thế nào đối với các DNVVN?
● Ông Thomas Saueressig: Chuyển đổi số đồng nghĩa với việc thay đổi toàn bộ doanh nghiệp, vì bạn sẽ cần thay đổi quy trình hoạt động và những thói quen cũ. Thí dụ, với thương mại điện tử, mọi thứ sẽ cần được kết nối online, không chỉ việc bán hàng, mà còn giao hàng, quản lý kho, quản lý nhà cung cấp, thậm chí là quy trình xử lý các đơn hàng bị khách trả lại. Tất cả các hoạt động này cần phải được xử lý nhanh nhất có thể, do vậy sẽ nảy sinh rất nhiều thách thức về mặt hậu cần. Trong kỷ nguyên số, các doanh nghiệp không chỉ cung cấp sản phẩm và dịch vụ online, mà còn là các trải nghiệm hấp dẫn, từ đó hình thành các mô hình kinh doanh mới như các gói thành viên theo tháng, theo quý,… Các doanh nghiệp sẽ cần phải tự động hóa và tối ưu hóa toàn bộ quy trình từ bán hàng, thanh toán, tới việc quản lý dòng tiền, quản lý doanh thu. Đây là ưu thế của một hệ thống mô-đun hóa cho phép các doanh nghiệp lựa chọn những phân hệ và những tính năng phù hợp nhất, đồng thời cho phép họ triển khai các mô hình kinh doanh mới.
MEDIAONLINE
+ Nguồn do SAP cung cấp.