Người Sài Gòn
Người Sài Gòn là người nào vậy bây?
Có lẽ không hề có chuẩn mực để xác định như thế nào mới đích thiệt là “người Sài Gòn”. Ai thích sao thì như vậy thôi. Khó quá thì cho nó qua thôi. (Mà trước 1975, hình như chẳng ai quan tâm tới cái vụ này.)
Còn riêng mình, xưa giờ A Phủ cho rằng “người Sài Gòn” là người sanh tại Sài Gòn hay sống lâu năm tại Sài Gòn trước năm 1975. Ngay cả những ai sanh tại Sài Gòn cũng cần có một bề dày thời gian để thấu cảm, thấm đẫm, hòa hồn mình vào hồn Sài Gòn.
Sau 1975, Sài Gòn không còn là một địa danh hành chính nữa. Nhưng cái tên Sài Gòn vẫn mãi tồn tại trong dòng chảy xã hội, quen trên cửa miệng, ăn sâu vào tâm khảm nhiều người cả nước với những cung bậc tình cảm, những tâm trạng đa chiều. Vùng đất Sài Gòn xưa giờ là đất lành chim đậu của đồng bào khắp 62 tỉnh thành khác. Và danh chánh ngôn thuận, tất cả là người TP.HCM – địa danh hành chính bao gồm cả vùng Sài Gòn xưa.
Nhưng điều đó không có nghĩa là nhiều người TP.HCM không được quyền tự nhận mình là “người Sài Gòn”. Bởi cụm từ “người Sài Gòn” giờ hàm nghĩa một chân giá trị, một chuẩn mực tốt đẹp, một phong cách sống tốt đẹp, thậm chí một cái đích để phấn đấu vươn tới. Với ý nghĩa này, những “người Sài Gòn” chánh hiệu cầu chứng tại tòa cũng cảm thấy thiệt là vui cái bụng. Và cho nó thời sự, A Phủ tin rằng càng có nhiều “người Sài Gòn’”, ả Cô Vi Vũ Hán 19 tuổi càng thất kinh tụt váy mà quất mã truy phong.
A Phủ sanh ra và sống 18 năm ở miền Nam trước 1975. Mặc dù trước 1975 và sau đó, có nhiều lần lui tới Sài Gòn hồi trước và TP.HCM sau này, thậm chí vương vãi nhiều thứ ADN, nhưng do chỉ chính thức sống ở TP.HCM từ năm 1984, A Phủ chớ dám nhận mình là “người Sài Gòn”. A Phủ vốn lớn lên ở Bến Tre, Vĩnh Bình, Vĩnh Long, Kiến Tường, và Long An nên chỉ dám nhận mình là người miền Tây Nam Bộ, người phương Nam. Nội vậy thôi mà đu theo cho trọn nghĩa đã đuối. Nhưng “người Sài Gòn” luôn nằm trong máu A Phủ như một lẽ sống, một mục đích cuộc đời. Thỉnh thoảng, kềm lòng hỗng đặng, A Phủ tào lao với cô hàng xóm mình là “Anh Hai Sài Gòn”, dân chơi Cầu Ba Cẳng, dân chơi đâu sợ mưa rơi. Mà khè chút thôi á. Ghét ghê vậy đó.
PHẠM HỒNG PHƯỚC