Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Hội thảo QTSC “Chuẩn bị tâm thế cho trẻ học trực tuyến sẵn sàng bước vào năm học mới”

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các trường học tại TP.HCM phải tạm dừng dạy học trực tiếp để chuyển sang dạy học online nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Hệ thống giáo dục TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, đang phải đối mặt với một thách thức chưa từng có. Nhằm bảo đảm tính liên tục của hệ thống giáo dục, các cơ quan chức năng đã xây dựng kế hoạch học tập trực tuyến thay thế phương pháp giảng dạy trực tiếp trong thời gian học gian học sinh không thể đến trưởng.

Nguồn ảnh Internet. Thanks


Theo khảo sát gần đây từ Kaspersky, 55% trẻ em trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương phải chuyển sang hình thức học trực tuyến vì đại dịch. Báo cáo cũng cho thấy 74% trẻ không thích nghi được với việc học trực tuyến vì phải dành quá nhiều thời gian trước màn hình. 57% học sinh thấy bài giảng khó hiểu hơn so với việc học trên lớp. Từ lâu các nhà chuyên môn đã cảnh báo rằng việc ngồi quá nhiều trước các thiết bị điện tử sẽ có hại cho mắt, não và các bộ phận khác của cơ thể. Việc ngồi nhiều bên máy cũng khiến tâm lý trẻ không ổn định, dễ cáu gắt, giảm khả năng tập trung và trí nhớ.

Nắm bắt được vấn đề đó, ngày 11-9-2021, Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM phối hợp với Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM, Công viên Phần mềm Quang Trung, Trung tâm hỗ trợ tư vấn Chuyển đổi số (DXCenter) TP.HCM và STEAMZone tổ chức buổi hội thảo “Chuẩn bị tâm thế cho trẻ học trực tuyến sẵn sàng bước vào năm học mới” nhằm hướng dẫn phụ huynh học sinh hỗ trợ con học trực tuyến hiệu quả trong thời gian giãn cách, và các phương pháp cải thiện chất lượng giảng dạy trực tuyến hiệu quả cao cho các thầy cô.


Hội thảo xoay quanh 4 vấn đề chính: (1) Phương pháp dạy học trực tuyến, làm sao để trẻ thoải mái khi học cũng như tiếp thu bài giảng hiệu quả; (2) Tâm lý và sức khỏe tinh thần của trẻ khi học trực tuyến, đặc biệt là những trẻ mới bắt đầu vào lớp 1; (3) Các vấn đề về quản lý nhà nước trong dạy và học trực tuyến, đánh giá kết quả đạt được và những điều cần lưu ý thêm; (4) Vấn đề về công nghệ học online, kết nối đường truyền Internet và những vấn đề liên quan. Tất cả các vấn đề trên đều được các chuyên gia tâm huyết, giàu kinh nghiệm đến từ: Sở GD-ĐT TP.HCM, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM,Trung tâm đào tạo STEAMZone, Viện Nghiên cứu Giáo dục STEM, Đại học Missouri – Hoa Kỳ.
Hội thảo nằm trong Chuỗi hội thảo trực tuyến Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục gồm 2 phần chính với 12 chuyên đề, có nội dung chi tiết như sau:

  • Phần 1: Chuỗi hội thảo trực tuyến: Chuyển đổi số Giáo dục trong gia đình – Cha mẹ đồng hành cùng con trong “cuộc sống bình thường mới”, bao gồm 6 chuyên đề, dự kiến diễn ra từ ngày 11-9-2021 đến ngày 12-2-2022, hướng đến nhóm đối tượng là các bậc phụ huynh có con đang học mầm non và tiểu học; hiệu trưởng, giáo viên các trường mầm non và tiểu học và các cá nhân quan tâm chương trình.
  • Phần 2: Chuyển đổi số giáo dục trong nhà trường phổ thông – Định hướng giáo dục thông minh trong “trạng thái bình thường mới”, bao gồm 6 chuyên đề, dự kiến diễn ra từ ngày 25-9-2021 đến ngày 19-2-2022, hướng đến nhóm đối tượng là cơ quan quản lý giáo dục gồm Sở Giáo dục & Đào tạo các tỉnh thành, phòng GD-ĐT; hiệu trưởng và giáo viên các trường giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; các trung tâm đào tạo, trung tâm kỹ năng và cá nhân quan tâm chương trình.

Chuỗi hội thảo có sự tham gia của các khách tham dự trực tiếp trên nền tảng Webex và cũng được livestream công khai trên các kênh truyền thông YouTube và Facebook của QTSC.


Thông tin về các chuỗi hội thảo sẽ được liên tục cập nhật trên website của DXCENTER.

Một số ý kiến chuyên gia tại hội thảo

  • Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM:


Theo thống kê sơ bộ của Sở GD-ĐT TP.HCM, bậc tiểu học có hơn 31.247 học sinh trong tổng số hơn 688.100 học sinh (từ lớp 1 đến lớp 5) không có điều kiện học tập trên Internet. Với cấp THCS có 26.355, trong tổng số gần 451.965 học sinh từ lớp 6 đến lớp 6 và với cấp THPT, trong tổng số gần 234.767 học sinh từ lớp 10 đến lớp 12, có hơn 15.037 học sinh không có thiết bị, không có đường truyền Internet để học tập online.
Ngoài ra, TP.HCM vẫn còn hơn 8.000 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 không thể học online trong thời gian này vì nhiều lý do, như đang là F0 hoặc cả gia đình là F0, đang điều trị ở bệnh viện, gia đình đông anh em nhưng chỉ có 1 máy tính hoặc 1 điện thoại thông minh, thiết bị hư chưa sửa được do giãn cách…


Trước đó, ngày 7-9-2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về xây dựng và triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến.


Ngày 6-9, Sở GD-ĐT TP.HCM có tờ trình gửi UBND TP.HCM đề xuất thực hiện chương trình hỗ trợ trang thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh thành phố với các giải pháp như huy động nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chung tay cùng tiếp sức học sinh khó khăn; vận động doanh nghiệp viễn thông tài trợ hoặc cung cấp gói cước viễn thông giá rẻ để ổn định đường truyền, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh; mua trả góp, ưu đãi mua máy tính.

  • Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Giám đốc Trung tâm đào tạo ngắn hạn, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Chuyên gia tư vấn giáo dục:

Việc dạy và học trực tuyến trong thời gian dài đặt ra những thách thức và khó khăn lớn nhất cho nhà trường và phụ huynh chính là phụ huynh và nhà giáo dục chưa chuẩn bị tâm lý ứng phó với thời gian giãn cách quá dài như hiện nay, nên đã không chuẩn bị đầy đủ phương tiện để dạy và học trực tuyến (đường truyền, máy tính và thiết bị khác). Chưa kể tỷ lệ cao phụ huynh chưa hề tiếp cận các phần mềm sử dụng dạy học trực tuyến, nên khá khó khăn khi tương tác và giao tiếp trên các phần mềm này.


Tuy nhiên, việc học trực tuyến là xu thế, tất phải thực hiện. Để không xảy ra sự cố trong quá trình dạy và học.


– Phụ huynh phải dành thời gian nghiên cứu chương trình và bài học của con, nếu được, lên mạng chọn thêm những hình ảnh và các clip để minh họa tốt hơn cho các con hứng thú trong học tập, nhất định phải cùng con học tập cho đến khi việc học trực tuyến của con vào nề nếp.


– Dành một không gian nhất định, đủ ánh sáng và các điều kiện khác để con được học tập mà không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài.

– Hiểu tâm lý của con, đặc biệt khoảng thời gian tập trung của con để điều chỉnh việc học.

– Kết nối chặt chẽ với giáo viên (đặc biệt là học sinh lớp 1) để có cách giúp con học tập tốt nhất. Cha mẹ có thể cùng con đưa ra nguyên tắc sử dụng mạng và thiết bị công nghệ để đảm bảo an toàn. Quy định thời gian các thành viên được truy cập Internet và gia đình sẽ sử dụng một ứng dụng dùng chung để khóa thiết bị khi hết thời gian cho phép. Điều quan trọng là cha mẹ cũng phải gương mẫu tuân thủ những nguyên tắc này.


– Riêng với thầy cô, tôi nghĩ cách thay đổi đầu tiên là giảm thời gian thuyết trình, tăng cường các cách thức tương tác với học sinh; sử dụng nhiều hình ảnh trực quan sinh động để mô tả, mô phỏng nội dung học, liên hệ thực tế, hướng dẫn học sinh tự học kỹ hơn, và luôn tóm tắt, nhắc lại những nội dung trọng tâm cho mỗi lần lên lớp

  • Ông Nguyễn Thanh Hải, Tiến sĩ chuyên về giáo dục STEM – Viện Nghiên cứu giáo dục STEM, Đại học Missouri (Mỹ), Sáng lập viên Thư viện Trẻ sáng tạo (Library for Creative Kids) tại Hoa Kỳ, Thành viên của các tổ chức nghiên cứu và giảng dạy giáo dục STEM tại Hoa Kỳ (NSTA, NARST và NABT):

Các khó khăn có thể gặp phải trong quá trình học trực tuyến khá nhiều, tôi muốn liệt kê một số ý chính như: Thiếu các trang thiết bị hỗ trợ dạy và học; đường truyền, kết nối Internet không ổn định; thiếu phương pháp và kỹ năng dạy và học trực tuyến; không gian và kế hoạch dạy và học dễ bị xáo trộn; tâm lý, sức khỏe tinh thần trong thời gian khó khăn vì dịch bệnh; tài liệu dạy học vốn không thiết kế dành riêng cho việc dạy học online.


Tuy nhiên, tôi muốn nói đến 2 chữ cơ hội và thích nghi. Chúng ta đang đứng trước cơ hội để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, thời gian đầu chắc chắn có nhiều khó khăn cho mọi người, nhưng về lâu dài, mọi người sẽ thích nghi và triển khai dễ dàng hơn. Ai thích nghi nhanh thì cơ hội thành công trong tương lai sẽ cao hơn. Xu thế chuyển đổi số trong đời sống xã hội tương lai ngày càng lớn.


Hoa Kỳ cũng đã tổ chức học trực tuyến cho các cấp học và Chính phủ đã hỗ trợ và triển khai: cung cấp thiết bị đến từng học sinh và giáo viên; hỗ trợ Internet tốc độ cao miễn phí với các gia đình thu nhập thấp; tập huấn kỹ năng sư phạm dạy học online cho giáo viên; cung cấp thông tin hướng dẫn phụ huynh; cho sự lựa chọn đối với học sinh (100% online, 50% online).

  • Bà Đỗ Hồng Dinh, Giám đốc Kinh doanh IoT, Tập đoàn Intel:

Tại Malaysia, chính phủ hỗ trợ và triển khai học trực tuyến với các giải pháp như: lên kế hoạch học online cho từng lứa tuổi; thống nhất một phần mềm chung cho việc dạy và học trực tuyến trên toàn quốc; đào tạo giáo viên các kỹ năng dạy trực tuyến, giáo viên sẽ là người hướng dẫn lại cho PHHS để hai bên cùng kết hợp một cách hiệu quả; phân loại thu nhập của phụ huynh sẽ cung cấp thiết bị miễn phí cho học sinh và đưa ra các gói khuyến mại Internet băng thông rộng.
Song song trẻ học online thì phụ huynh cũng làm việc tại nhà nên cần phải chuẩn bị đường truyền Internet có băng thông lớn để tránh bị nghẽn mạch. Máy tính phải có màn hình tối thiểu 11 inch để không gây hại cho mắt của trẻ và không gian ngồi học với nhiệt độ và ánh sáng phù hợp. Bàn học phải vừa với tầm vóc của trẻ. Nhà nước giảm chi phí điện (15%) hàng tháng.


Về các sản phẩm máy tính dành cho giáo dục của Intel:
– Các dòng máy tính phục vụ cho việc dạy học: máy tính mini dành cho bảng tương tác (OPS), quản lý nội dung (Content access point)
– Các dòng máy tính dành cho dạy học với cấu hình cao.
– Các dòng máy tính bảng dành cho học sinh (chống va đập, chống nước, chống trộm)

MEDIAONLINE

Nguồn do QTSC cung cấp.