Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Công nghệ xanh từ bao bì đến phụ kiện

Từ nhiều năm trước, nhiều hãng công nghệ đã bắt đầu dùng các vật liệu thân thiện với môi trường để đóng gói sản phẩm của mình. Phổ biến là việc thay thế những miếng chèn bằng mốp Styrofoam bằng giấy tái sinh.

Chẳng hạn, Công ty Dell Computers (Mỹ) từ năm 2009 đến nay đã thay các miếng chèn mốp bằng vật liệu từ bã mía.

Bao bì làm bằng bã cây mía.

Việc này thể hiện thái độ của nhà sản xuất đối với trách nhiệm bảo vệ môi trường sống. Nó còn như một điểm cộng cạnh tranh để chinh phục người tiêu dùng. Nhưng mặt khác, nhà sản xuất cũng không thể làm khác đi vì phải tuân thủ pháp luật. Các thành phố lớn của Mỹ như New York City, Washington, D.C., Portland, Seattle, Los Angeles, San Francisco,… đã ban hành các quy định cấm sử dụng polystyrene, loại vật liệu chế tạo ra mốp.

Mốp Styrofoam đã được sử dụng trong các ngành công nghiệp suốt từ khi nó nổi lên quen thuộc từ thập niên 1940 tới nay. Chỉ có điều polystyrene là một chất cực kỳ khó thể phân hủy. Theo các nhà khoa học, chất này vẫn tồn tại tới 500 năm khi bị chôn lấp dưới đất. Tỷ lệ tái chế bình quân của vật liệu EPS (Expanded Polystyrene) chỉ vào khoảng 10-12%, so với 78% của vật liệu giấy.

Còn nhớ, trong thời gian đầu tiên khi giấy tái sinh được thay thế cho các miếng mốp, không ít người đã khó chịu vì những miếng chèn giấy này xám xịt, nhám nhúa không bắt mắt. Và rồi cũng quen đi, nhất là khi ngày càng có nhiều nhà sản xuất nói không với mốp.

Tất nhiên, các thương hiệu lớn luôn phải đi tiên phong. Một là vì họ quá lớn mạnh, có đủ sức ảnh hưởng và dẫn dắt. Hai là họ có lượng sản phẩm và khách hàng quá lớn với quy mô toàn cầu.

Khi ra mắt dòng smartphone iPhone 12 series vào tháng 10-2020, Apple đã gây bất ngờ cho cả iFan lẫn cộng đồng Android khi loại bỏ bộ sạc và tai nghe EarPods bên trong hộp đựng iPhone. Và chưa trêu chọc “đối phương” được bao lâu thì cộng đồng Android đã phải tắt tiếng khi vào tháng 1-2021, tới phiên nhà Samsung ra mắt dòng Galaxy S21 series cũng không có kèm theo tai nghe và cục sạc trong hộp. Kể từ đó tới nay, các dòng smartphone Galaxy của Samsung cũng không kèm cục sạc và tai nghe nữa.

Hộp đựng các smartphone Galaxy của Samsung giờ mỏng bằng nửa trước đây.

Cả Apple lẫn Samsung đều giải thích lý do chính cho quyết định này là để bảo vệ môi trường, giảm thiểu lượng rác điện tử, giảm giá bán sản phẩm, tiết kiệm và tránh lãng phí.

Trong nhiều năm qua, rõ ràng đã xảy ra tình trạng dư thừa cục sạc và tai nghe khi 2 phụ kiện này được coi là thành phần mặc định của các smartphone mới xuất xưởng. Trong khi đó, một cục sạc có thể dùng cho nhiều thiết bị. Đặc biệt là với sạc cổng USB của thiết bị Android, tính tương thích càng rộng hơn, hầu như có thể dùng lẫn cục sạc của nhiều hãng khác nhau. Tai nghe kèm theo máy là loại tai nghe có dây giờ không còn được chuộng nữa, đồng thời chất lượng của loại “đi kèm” này cũng không cao – kể cả với những smartphone cao cấp cũng kèm tai nghe thua xa những tai nghe xịn của các tín đồ âm nhạc. Ngoài ra, xu hướng hiện nay là dùng tai nghe không dây vừa tiện dụng, vừa sành điệu hơn.

Với số lượng iPhone và thiết bị Galaxy cực lớn, việc bỏ tai nghe và cục sạc cũng giúp giảm mạnh lượng rác thải điện tử, cũng như lượng vật liệu sản xuất chúng. Các nguồn lực cho việc sản xuất chúng, nhất là năng lượng, cũng được loại bỏ.

Và khi không phải kèm theo tai nghe và cục sạc, hộp đựng smartphone chỉ còn mỏng bằng phân nửa trước đây – tiết kiệm được giấy và mực in. Bên cạnh đó, cục sạc 5W của Apple có trọng lượng khoảng 23g và tai nghe EarPods khoảng 12g. Không có chúng, trọng lượng sản phẩm nguyên hộp giảm hẳn. Khi công bố không còn kèm cục sạc và tai nghe theo dòng iPhone 12 series nữa, Apple nói rằng việc giảm kích thước của những chiếc hộp đựng iPhone có thể tiết kiệm tới 70% lượng iPhone trên một pallet (két hàng).

Việc không còn kèm theo tai nghe và cục sạc tất nhiên sẽ làm giảm giá bán smartphone giúp người dùng tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, người dùng còn được quyền tùy chọn để có thể sử dụng các tai nghe và cục sạc mình đang có sẵn hay mua riêng từ thương hiệu mà mình yêu thích. Apple và Samsung lúc này có thể đẩy mạnh kinh doanh tai nghe và cục sạc rời. Đặc biệt là cả 2 hãng có thể “rảnh tay” mà phát triển các dòng tai nghe không dây của mình. Quả là lợi và tiện cho cả nhiều bên.

Không chỉ có smartphone, trong năm 2021, tất cả các bao bì TV Samsung đều sử dụng vật liệu tái chế. Trong năm 2022, công ty nói rằng họ sẽ mở rộng việc sử dụng các vật liệu tái chế bao gồm cả bao bì bên trong hộp gồm xốp, hộp đựng và túi nhựa. Công ty cũng đã công bố mở rộng chương trình Bao bì Sinh thái (Eco-packaging) từng đạt giải thưởng quốc tế như giải thưởng Sáng tạo CES 2020 Innovation Awards, giải thưởng Thiết kế Xuất sắc Quốc tế tại IDEA 2020 ra toàn cầu. Năm 2020, Samsung đã áp dụng dạng bao bì thân thiện môi trường này cho dòng TV cao cấp Lifestyle TV. Từ năm 2021, tất cả bao bì TV của Samsung đều sử dụng vật liệu tái chế. Với chương trình Bao bì Sinh thái, người dùng có thể tái chế hộp carton thành nhà cho tthú cưng, phụ kiện và các vật dụng nội thất hữu ích khác (với thiết kế ma trận mô hình chấm, có kèm theo hướng dẫn chế tạo). Trong năm 2022, Samsung sẽ mở rộng dạng bao bì này sang các thiết bị gia dụng như máy hút bụi, lò vi sóng, máy lọc không khí… Vào năm 2021, Samsung đã đưa ra cam kết sẽ loại bỏ các loại túi nhựa sử dụng một lần khỏi các bao bì của mình vào năm 2025.

Bao bì TV sinh thái của Samsung. (Ảnh: Samsung).

Tại sự kiện Diễn đàn Nghe Nhìn (Visual Display Media Forum) 2022 do Công ty Samsung Vina tổ chức ở TP.HCM chiều 21-4-2022, Samsung Electronics (Hàn Quốc) cho biết: Trong xu hướng Sống Xanh, với dòng sản phẩm năm 2022, Samsung đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính một cách có hệ thống và giúp tái chế sản phẩm dễ dàng hơn, đồng thời giảm thiểu tác động trong giai đoạn sản xuất vì một tương lai xanh hơn. Cùng với điều khiển từ xa SolarCell mới có thể sạc năng lượng từ cả ánh sáng và sóng vô tuyến mà không cần dùng pin truyền thống vốn độc hại nữa, dòng sản phẩm năm 2022 tiếp tục được cải tiến khâu đóng gói với thùng đựng TV ít mực hơn 90% (in đơn giản hơn, ít nội dung hơn) và loại bỏ tất cả các ghim kim loại.

Một chiếc chuồng thú cưng được tái chế từBao bì TV sinh thái của Samsung. (Ảnh: Samsung).

Các nỗ lực xanh hóa từ sản xuất cho cuộc sống của các hãng công nghệ chắc chắn sẽ đạt kết quả lớn và sâu rộng hơn nếu được kết hợp với các chiến dịch nâng cao ý thức cộng đồng người dùng, cũng như được các chính quyền sở tại hỗ trợ bằng các luật định bảo vệ môi trường.

PHẠM HỒNG PHƯỚC