Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Không chỉ nói không với tin đồn trên mạng

Ngày 11-7-2022, chủ tài khoản mạng Zalo “Hoàn Tô” là Tô Vĩ Hoàn, sinh năm 1984, cư trú tại huyện Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tiến hành xử phạt vi phạm hành chính số tiền 7,5 triệu đồng và yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai sự thật. Chủ tài khoản mạng xã hội này đã có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật về tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch của Tập đoàn Vingroup.

Hành vi của chủ tài khoản mạng xã hội này bị quy tội bôi nhọ hình ảnh không chỉ với cá nhân ông Phạm Nhật Vượng mà còn cả thương hiệu của tập đoàn kinh tế Vingroup.

Điều đáng nói đây không phải là vụ tung tin đồn thất thiệt, tin giả (fakenews) trên mạng xã hội đầu tiên bị xử lý. Ngay trong vụ có liên quan tới Vingroup lần này, ngoài ông Hoàn, cơ quan chức năng còn tiến hành xử lý 9 người khác ở 7 tỉnh thành tung tin đồn rằng “Chủ tịch Vingroup bị cấm xuất cảnh”.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, thời gian gần đây, trên mạng Internet xuất hiện nhiều thông tin không được kiểm chứng, sai sự thật, cho rằng thời gian tới cơ quan chức năng sẽ khởi tố và xử lý những cá nhân, doanh nghiệp có ảnh hưởng trên thị trường tài chính, chứng khoán.

Phải nói rằng, lâu nay, một trong những thứ mà các doanh nghiệp sợ nhất là tin đồn thất thiệt về đơn vị mình trên mạng Internet, đặc biệt là trên các mạng truyền thông xã hội. Họ lâm vào tình cảnh được vạ thì má đã sưng, dù sau đó có được cải chính, làm rõ thì những thông tin bất lợi cũng đã kịp lan tỏa khắp nơi và thực tế là không có nhiều người đọc được cái thông tin cải chính. Và đây là một chiêu đòn cạnh tranh độc địa trên thương trường.

(Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

Với các doanh nghiệp bình thường thì tác hại chủ yếu ở chính nạn nhân đó. Còn với những doanh nghiệp lớn, có tầm ảnh hưởng tới kinh tế – xã hội, cũng như có tác động tới thị trường chứng khoán, những tin đồn thất thiết gây thiệt hại diện rộng, tới nhiều người hơn. Chẳng hạn như một số vụ hỗn loạn thị trường chứng khoán, sập đỏ sàn, vừa qua cũng do những tin đồn thất thiệt về những doanh nghiệp có tầm cỡ. Không thể thống kê, đánh giá được những thiệt hại mà tin đồn, tin giả gây ra. Nhưng điều đã rõ là chúng gây thiệt hại rất lớn, rất nặng nề và thậm chí để lại di hại lâu dài.

Vấn đề nan giải và nhức đầu là ở chỗ thực tế đã có những tin đồn thuộc loại “hóng hớt trước” vì những nguyên nhân nào đó. Đã có những trường hợp “nay là tin đồn, tin giả” – thậm chí đã bị nhà chức trách xử phạt – nhưng ít lâu sau lại trở thành “tin thật”. Đó là lý do làm cho thật giả lẫn lộn và đánh trúng tâm lý của cộng đồng rộng rãi là tin vào những chuyện “nóng sốt”, “giựt gân”. Chỉ có điều, những thông tin “tiên tri”, “đi trước thời gian” không đúng thời điểm thì theo quy định đều là vi phạm, thậm chí có thể bị ghép vào những tội danh chẳng hề đùa chút nào.

Tin giả, tin đồn vẫn luôn là một vấn nạn mang quy mô toàn cầu. Thậm chí có thể nói không phóng đại rằng hễ có Internet, có mạng xã hội là có tin giả. Vì thế, ngay từ các cơ quan chức năng lẫn người dùng mạng phải chấp nhận chung sống với tin đồn, tin giả và buộc phải có cách đối phó với chúng một cách hữu hiệu. 

Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với nhà quản trị mạng xử lý nghiêm khắc với các hành vi tung tin đồn, tin giả. Hành lang pháp lý của Việt Nam đối với hành vi tin đồn, tin giả đều đã có. Vấn đề là nhà chức trách có chịu xử lý rốt ráo hay không, và có lẽ mức chế tài hiện nay vẫn còn nhẹ chưa đủ sức răn đe. Song song với xử lý những đối tượng tung tin giả, các cơ quan thông tin chính thống cũng cần mở rộng hơn nữa việc cung cấp thông tin chính xác cho cộng đồng. Một khi lượng thông tin chính thống phủ rộng hơn, mang tính áp đảo, lượng tin đồn, tin giả ắt phải thu nhỏ lại.

Vào đầu năm 2021, Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam (VAFC) với cổng thông tin tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả https://tingia.gov.vn/ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và quản lý đã chính thức đi vào hoạt động. Các tổ chức, cá nhân khi phát hiện tin giả có thể thông báo qua đường dây nóng tiếp nhận và những tin sai sự thật sẽ được dán nhãn, công bố tại địa chỉ này. Ngoài phản ánh trực tuyến, người dân còn có thể phản ánh tại đầu số điện thoại tiếp nhận là 1800 8108.

Và người dùng mạng có thể kiểm chứng ngay thông tin mà mình đang “hoang mang” bằng cách dùng công cụ tìm kiếm trên Internet (như Google Tìm kiếm, Bing,…) nhập từ khóa về thông tin cần kiểm chứng. Dựa vào các kết quả được trả về, người dùng mạng có thể biết thông tin đó có đáng tin hay không (có được đăng trên nhiều trang thông tin chính thống có uy tín).

Người dùng mạng thông minh và có ý thức luôn phải cảnh giác trước các thông tin mang tính nóng sốt, giựt gân. Dứt khoát không đăng tải, chia sẻ những thông tin trên môi trường mạng Internet chưa được kiểm chứng. Có lẽ cũng chẳng cần nâng tầm quan điểm, đạo lý gì ở đây, người dùng Internet chỉ cần luôn nhớ rằng tung tin hoặc chia sẻ tin đồn, tin giả có thể khiến mình bị xử phạt nặng và có thể phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.

  • Bản in trên báo Người Lao Động ngày 13-7-2022 và trên báo NLĐ Online.

PHẠM HỒNG PHƯỚC