Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

TP.HCM sử dụng Zalo hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ cấp CCCD đợt 3

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip đợt 3 (từ 15-7 đến 31-8-2022) cho người dân, công an các quận huyện tại TP.HCM đã thực hiện đồng loạt các giải pháp, trong đó có ứng dụng và khai thác hiệu quả nền tảng công nghệ Zalo trong nhiều hoạt động từ bấm số online, giải đáp thắc mắc bằng chatbot đến tra cứu tiến độ cấp CCCD.

Công an TP.HCM đặt chỉ tiêu hoàn thành thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho hơn 1,4 triệu trường hợp trước ngày 31-8-2022. Để sớm đạt được mục tiêu, các đơn vị khuyến khích người dân từ đủ 14 tuổi trở lên đang cư trú, làm việc trên địa bàn TP.HCM nhưng chưa làm CCCD gắn chip, hưởng ứng thực hiện.

Bấm số, tra cứu, hỏi đáp CCCD qua Zalo

Theo thông tin đăng tải trên Zalo “Công an Quận 1”, đơn vị này cho biết sẽ tiếp tục tăng cường cán bộ để khẩn trương cấp CCCD gắn chip và tài khoản định danh điện tử cho người dân. Đơn vị sẽ làm việc liên tục từ 7g đến 22g hàng ngày, kể cả cuối tuần. Bảo đảm tất cả người dân đến làm CCCD đều được giải quyết trong ngày, không phải quay lại vào ngày hôm sau với tiêu chí “tiếp hết dân, không hết giờ”.

Công an Quận 1 triển khai cao điểm đợt 3 cấp CCCD gắn chip trên địa bàn.(Ảnh: Zalo “Công an Quận 1”).

Tại Quận Tân Phú, trang Zalo “Công an Quận Tân Phú – TP.HCM” vẫn duy trì tính năng “Bấm số làm CCCD” để người dân có nhu cầu làm CCCD có thể lấy số thứ tự ngay tại nhà, sau đó chỉ cần đến địa điểm làm CCCD theo lịch hẹn, tránh mất thời gian chờ đợi.

Hiện, tài khoản Zalo của công an hầu hết các quận, huyện tại TP.HCM như: 1, 4, 11, 12, Phú Nhuận, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh, Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi… đều đã tích hợp hệ thống trả lời tự động (chatbot). Bộ câu hỏi của chatbot cũng được xây dựng dựa trên những vấn đề mà người dân quan tâm.

Công an Quận Tân Phú triển khai nhiều ứng dụng công nghệ giúp công tác cấp CCCD diễn ra nhanh chóng, hiệu quả. (Ảnh: Công an Quận Tân Phú, TP.HCM).

Người dân chỉ cần chọn thông tin muốn tìm hiểu, trang Zalo sẽ tự động trả về kết quả tương ứng. Các thông tin được lực lượng công an cung cấp đầy đủ và chi tiết như đối tượng cần làm CCCD, hồ sơ cần chuẩn bị, quy định về trang phục, thời gian, địa điểm, lệ phí phải đóng…

Chị Hoàng Minh Thùy (người dân phường Thới An, quận 12) cho biết chị đã đọc và chuẩn bị hồ sơ theo các hướng dẫn từ chatbot của Công an Quận 12 nên khi đến nơi làm CCCD thì không bị lúng túng hay phải đi lại bổ sung nhiều lần. Chị nói thêm: “Nhiều trường hợp công an trả lời chưa kịp thì người dân có thể bấm vào các nội dung cần tìm hiểu và nhận ngay được kết quả chính xác mà không phải mất thời gian tìm hiểu hay tra cứu thông tin trên mạng.”

Người dân Quận 12 còn có thể tra cứu tiến độ làm CCCD trên Zalo. (Ảnh: Công an Quận 12, TP.HCM).

Ngoài ra những thắc mắc khác liên quan đến CCCD như thời hạn sử dụng, thủ tục làm CCCD khi mất CMND/CCCD cũ như thế nào, đối tượng được ưu tiên thực hiện cấp CCCD cần chuẩn bị những hồ sơ gì… cũng đều được tài khoản Zalo tự động giải đáp.

Zalo là nền tảng được công an nhiều quận, huyện sử dụng để thông tin về CCCD đến người dân.

Những người dân đã thực hiện hồ sơ cấp CCCD có thể theo dõi tiến độ thực hiện thông qua tính năng “Tra cứu” tại Zalo của các đơn vị công an. Không dừng lại ở việc gửi thông tin bằng văn bản, nhiều quận, huyện như quận 12, Tân Phú còn thực hiện đa dạng các hình thức thể hiện như video, hình ảnh, infographic,… giúp người dân dễ ghi nhớ hơn.

Được biết, trong cao điểm đợt 3, Công an TP.HCM đã chỉ đạo bổ sung 12 điểm cấp CCCD tại các địa bàn Gò Vấp, TP Thủ Đức, Quận 8, Bình Tân, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, nâng tổng số điểm cấp toàn thành phố lên 46 điểm. Một số quận cũng triển khai các điểm lưu động và cập nhật liên tục, đầy đủ trên Zalo.

Khuyến cáo không chia sẻ, cho người lạ chụp CCCD của mình

Cũng theo lực lượng công an, thời gian qua đã xuất hiện tình trạng các đối tượng xấu lợi dụng sơ hở của một số người dân trong việc chia sẻ hình ảnh CCCD trên mạng xã hội, sử dụng vào việc đăng ký sử dụng các dịch vụ online (mua hàng, xin việc, vay tiền…) để đánh cắp thông tin cá nhân.

Đặc biệt, các đối tượng còn đưa ra nhiều lý do, xin chụp ảnh chân dung, chụp ảnh CCCD và có thể trả cho người dân từ 100.000 – 300.000 đồng trên mỗi CCCD. Sau đó, những thông tin này sẽ được bán, sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật như: làm giấy tờ giả để mở tài khoản vay vốn ngân hàng, chuyển nhận tiền đánh bạc, tổ chức đánh bạc, giả danh cán bộ công an, hải quan, thuế gọi điện đe doạ yêu cầu chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra,…

Để phòng tránh tội phạm và những hệ lụy từ tình trạng trên, các tài khoản Zalo chính thức Công an Quận 11, Phú Nhuận, Bình Tân, Tân Phú… cũng thường xuyên gửi tin báo cập nhật các thủ đoạn lừa đảo đến từng người dân, giúp người dân nâng cao cảnh giác.

Công an thường xuyên gửi tin báo về các thủ đoạn lừa đảo đến từng người dân.

Đơn cử, Công an Quận Phú Nhuận khuyến cáo người dân không đăng tải, chia sẻ hình ảnh CCCD cũng như cung cấp thông tin CCCD cho những dịch vụ không thiết yếu, không có cam kết bảo mật an toàn thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội.

Trường hợp bị mất CCCD, người dân cần trình báo ngay cho cơ quan chức năng để làm lại giấy tờ. “Đây là căn cứ để chứng minh chủ sở hữu của CCCD không có liên quan đến các giao dịch dân sự trong thời gian bị mất CCCD, đồng thời phòng ngừa trường hợp số căn cước của công dân bị lợi dụng thực hiện các giao dịch dân sự trái pháp luật”, trang Zalo “Công an Quận Phú Nhuận” thông tin.

Còn theo công an quận Bình Tân, khi bị các đối tượng xấu lừa đảo, lấy cắp thông tin CCCD, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan chức năng được hỗ trợ. Nếu nghi ngờ, phát hiện số CCCD của mình bị sử dụng trái phép để mở tài khoản ngân hàng, đăng ký thuê bao, người dân cần liên hệ ngân hàng, nhà mạng để được hỗ trợ khóa tài khoản, thuê bao.

Song song, khi phát hiện đối tượng mượn hoặc mời chào để chụp, thuê CCCD người dân cần tố giác và cung cấp ngay tài liệu, chứng cứ đến cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý.

CCCD được kỳ vọng sẽ từng bước thay thế, tích hợp các giấy tờ cá nhân. (Ảnh: QUỲNH DANH).

Theo đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030, Chính phủ kỳ vọng CCCD từng bước thay thế, tích hợp các giấy tờ cá nhân.

Ngoài tích hợp thông tin về bảo hiểm y tế và bằng lái xe, CCCD gắn chip được định hướng dần thay thế giấy phép lái xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, tiêm chủng, y tế, giáo dục, thẻ cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, triển khai rộng rãi việc ứng dụng các tính năng của chip điện tử trên CCCD đối với các lĩnh vực tài chính, hoạt động ngân hàng (mở tài khoản, nhận biết khách hàng, thanh toán, cho vay, ví điện tử…) và một số lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội khác.

T.Z.

Có tham khảo nguồn do Nhóm Truyền thông Zalo cung cấp.