Công nghệ xóa bỏ những rào cản ngôn ngữ cho du khách
Rào cản ngôn ngữ là một trong những vấn đề quan trọng mà nhiều khách du lịch gặp phải khi đi ra nước ngoài. Ngay cả những người thông thạo nhiều ngoại ngữ quốc tế cũng vẫn bị lúng túng do không biết tiếng địa phương khi phải giao tiếp với người bản xứ không biết ngoại ngữ.
May mắn là công nghệ ngày càng phát triển tân tiến đã giúp hóa giải được cái vấn nạn ngôn ngữ này.
Hai cô gái đang dùng ứng dụng di động dịch thực đơn của một nhà hàng ở nước ngoài. (Ảnh: Whatever).
Một người bạn doanh nhân kinh doanh máy tính hồi cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000 đã đi sang Trung Quốc như cơm bữa, thậm chí đi Úc và một số nước Đông Nam Á để tìm kiếm các cơ hội làm ăn. Anh chỉ biết tiếng Việt, lõm bõm ít tiếng Anh và tiếng Hoa. Người phiên dịch cho anh trong các chuyến đi nước ngoài này chính là một thiết bị học và dịch ngoại ngữ cầm tay Kim Từ Điển vốn thịnh hành hồi đó. Khi giao tiếp với người nước ngoài, anh sử dụng các mẫu câu có sẵn trong cuốn Kim Từ Điển điện tử, cũng như 2 bên thay phiên nhau gõ tiếng mẹ đẻ của mình vào Kim Từ Điển để nhờ nó dịch. Vậy mà anh vẫn có được những hợp đồng nhập khẩu hàng hóa như ai.
Bản thân chúng tôi trong nhiều lần đi sang Trung Quốc đã phải thủ sẵn trong túi quần chiếc máy tính bỏ túi để… trả giá khi ra chợ mua hàng do người mua kẻ bán chẳng hề biết ngôn ngữ của nhau. Có mấy người bạn khi tới Bắc Kinh muốn mua một món đồ mà không biết thông tin cụ thể và trả giá (người bán ở Trung Quốc là “siêu nói thách”) đã nảy ra sáng kiến gọi điện thoại về Việt Nam nhờ một người bạn biết tiếng Trung tại TP.HCM trưc tiếp nói chuyện với người bán ở Trung Quốc (bật loa ngoài). Lúc đó chưa có các ứng dụng dịch thuật di động và cước phí roaming điện thoại quốc tế đắt lòi mắt luôn. Nhưng vấn đề là được việc.
Hồi thượng tuần tháng 7-2022, anh chàng chủ kênh YouTuber Xe Đầu kéo Vlog đã thực hiện một chuyến ngao du “ta balô” đi bụi bằng xe khách từ Việt Nam đi ngang qua Campuchia sang Lào rồi tiếp tục đi Thái Lan trước khi quay lại Lào rồi trở về Việt Nam. Trong 12 ngày ở nước ngoài đó, do không hề biết tiếng Anh hay tiếng địa phương, anh và bạn đồng hành giao tiếp với người dân địa phương không biết tiếng Việt bằng công cụ Google Dịch trên smartphone. Tất nhiên, là một YouTuber Nút Bạc với hơn 300.000 người đăng ký theo dõi, anh đã biết tận dụng mối quan hệ rộng rãi là những bạn bè người Việt sống ở nước mình tới. Nhưng những khi phải đi một mình, anh phải cầu viện Google. Và công cụ Google Tìm kiếm và Google Maps đã giúp anh tìm hiểu về nơi chốn mình tới ngao du, tìm đường đi. Kết quả là trong những clip du lịch quay trong chuyến ngao du Đông Nam Á, anh đã giới thiệu rành rẽ về từng nơi mà minh đến phục vụ hàng trăm ngàn khán giả của mình.
Trong một trường hợp khác, hồi trung tuần tháng 6-2022, một người con rể Mỹ và ông bố vợ Việt ở Hải Dương đã có cả buổi tối nhậu với nhau và “trò chuyện” rôm rả qua… Google Dịch. Cô vợ là một YouTuber người Việt ở Mỹ có hơn 240.000 người đăng ký đã rất thích thú kể lại chuyện này khi bố mình không biết tiếng Anh, còn chồng mình chỉ lõm bõm vài chữ Việt.
Ngày nay, có rất nhiều ứng dụng dịch thuật ngôn ngữ, kể cả miễn phí, mà người dùng có thể cài đặt vào thiết bị di động của mình để hỗ trợ khi giao tiếp với người nước ngoài. Khả năng của các ứng dụng này càng siêu hơn khi chúng được tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo AI.
Trong một lần đến thăm trụ sở của Tập đoàn Microsoft ở thành phố Redmond (bang Washington, Mỹ) cách đây ít năm, chúng tôi đã được trực tiếp trải nghiệm ứng dụng AI Microsoft dành cho khách sạn. Chatbot đóng vai trò một cô lễ tân khách sạn. Khi chúng tôi gọi điện tới, “cô gái” trả lời bằng tiếng Anh, nhưng khi nghe chúng tôi hỏi bằng tiếng Việt, “cô lễ tân” đã lập tức chuyển sang giao tiếp bằng tiếng Việt. Thiệt là êm.
Khả năng dịch thuật đa ngôn ngữ lúc đó cũng được Microsoft tích hợp vào ứng dụng giao tiếp, liên lạc và hội họp bằng video và tiếng nói nổi tiếng của mình là Skype. Chúng tôi đã được tham dự một cuộc họp quốc tế giữa giám đốc một công ty ở Mỹ với nhân viên các chi nhánh ở nhiều nước trên thế giới. Điều kỳ diệu là người nước nào cứ nói bằng tiếng nước đó và ngay lập tức được phiên dịch sang ngôn ngữ của từng người nghe. Các rào cản, bất đồng về ngôn ngữ đã được công nghệ giúp gỡ bỏ.
Ngay cả trong tình huống có khả năng đọc được ngoại ngữ gì đó nhưng lại nghe rất kém ngoại ngữ đó, bạn vẫn có thể dùng những ứng dụng như Live Transcribe (cũng của Google) để “tốc ký” ghi các câu thoại ai đó đang nói thành text để có thể đọc hiểu dễ dàng hơn.
Thật sự là chỉ cần thủ sẵn trong túi một ứng dụng Google Dịch là bạn có thể đi ta bà thế giới ngao du sơn thủy. Cho tới nay, ứng dụng này đã được nhà Google “võ trang tới răng” với những chức năng đa dạng. Khi gặp những bảng thông tin, những văn bản bằng tếng nước ngoài, bạn có thể dùng chức năng camera hay quét văn bản để dịch ra tiếng Việt. Cách này rất hữu dụng khi bạn vào nhà hàng mà thực đơn ghi toàn bằng tiếng bản địa. Còn khi muốn trò chuyện với người nước ngoài, bạn dùng chức năng dịch tiếng nói. Chẳng hạn, muốn giao tiếp với một người Nhật Bản, bạn thiết đặt 2 ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Nhật. Vậy là khi bạn nói bằng tiếng Việt, Google Dịch sẽ lập tức dịch sang tiếng Nhật và ngược lại. Trình độ của máy dịch vẫn dư sức giúp hai bên hiểu được nhau muốn nói gì.
Nếu làm siêng và muốn học thêm một ngoại ngữ nào đó, bạn vẫn có thể nhờ các ứng dụng dịch thuật trợ giúp. Những khi rảnh rỗi, bạn có thể nói những câu gì đó cho máy dịch để có thể học hỏi. Cứ chịu khó tích tiểu thành đa, dần dà bạn sẽ biết được nhiều về ngoại ngữ đó.
Có lẽ các tour du lịch nước ngoài nên khuyến nghị và hướng dẫn du khách trong đoàn sử dụng một ứng dụng dịch ngôn ngữ để có thể trợ giúp khi cần thiết. Đâu phải lúc nào hướng dẫn viên theo đoàn cũng có thể quán xuyến tất cả mọi du khách. Điều này sẽ có lợi và an toàn cho tất cả mọi người.
Hy vọng rằng trong những chuyến du lịch nước ngoài mùa hè 2022 này, những ứng dụng công nghệ sẽ là những trợ thủ đắc lực cho du khách.
Bản in trên báo Người Lao Động Chủ nhật 31-7-2022 và trên báo NLĐ Online.
PHẠM HỒNG PHƯỚC