Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Công dân số – bạn là ai?

Lẽ đương nhiên là trong một xã hội số của thời đại số cần phải có các công dân số. Đặc biệt là người ta không thể xây dựng chính phủ số nếu như thiếu các công dân số. Vì thế, công dân số là một trong các mục tiêu chuyển đổi số toàn diện quốc gia mà Việt Nam đang tăng tốc xây dựng.

(Nguồn: Internet. Thanks.)

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên họp thứ ba của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban, chủ trì sáng 8-8-2022, khi nói về hình thức tổ công nghệ số cộng đồng đã nhấn mạnh: “Chính các tổ công nghệ số cộng đồng này sẽ tạo ra các công dân số, công dân số tạo ra xã hội số, xã hội số tạo ra nhu cầu số, nhu cầu số tạo ra thị trường số, thị trường số tạo ra doanh nghiệp số, và từ đó hình thành nền kinh tế số.”

Vậy, công dân số là ai? Cẩm nang Chuyển đổi số do Bộ TT&TT xây dựng đã định nghĩa: Công dân số là người dân được trang bị năng lực số để sống giữa môi trường được số hóa toàn diện. Theo đó, 9 yếu tố cấu thành công dân số là khả năng truy cập các nguồn thông tin số, khả năng giao tiếp trong môi trường số, kỹ năng số cơ bản, mua bán hàng hóa trên mạng, chuẩn mực đạo đức trong môi trường số, bảo vệ thể chất và tâm lý trước các ảnh hưởng từ môi trường số, quyền và trách nhiệm trong môi trường số, định danh và xác thực, dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong môi trường số.

Cũng theo Bộ TT&TT, vào năm 2025, đại đa số người dân trên thế giới sẽ trải qua một sự thay đổi to lớn chỉ trong vòng một thế hệ: Từ chỗ gần như không tiếp cận được thông tin đến chỗ có thể truy cập tất cả thông tin trên thế giới thông qua điện thoại di động thông minh.

Thật ra, khái niệm công dân số (digital citizen) đã được đề cập đến từ khá lâu rồi trên thế giới. Thuật ngữ này có nhiều nghĩa khác nhau, nhưng tựu trung đó là “người sống trong thế giới kỹ thuật số”.

Chẳng hạn, theo định nghĩa của Karen Mossberger, một trong những tác giả của cuốn sách “Digital Citizenship: The Internet, Society, and Participation” (Quyền công dân kỹ thuật số: Internet, xã hội và sự tham gia), công dân số là “những người sử dụng Internet thường xuyên và hiệu quả.” Theo nghĩa này, công dân kỹ thuật số là người sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) để tham gia các lĩnh vực xã hội, chính trị và chính phủ.

Trong khi đó, trang giáo dục Future Learn giải thích rằng: công dân số là người phát triển các kỹ năng và kiến thức để sử dụng hiệu quả Internet và các công nghệ kỹ thuật số. Họ cũng là những người sử dụng công nghệ số và Internet theo những cách thích hợp và có trách nhiệm để tham gia xã hội và chính trị. Về mặt hiệu quả, bất kỳ ai sử dụng công nghệ số hiện đại đều có thể được coi là công dân số.

Theo các chuyên gia quốc tế, một công dân số tốt là người được thông tin về các vấn đề khác nhau mà chúng có những lợi ích đáng kinh ngạc của công nghệ. Đây là lý do tại sao việc dạy quyền công dân số trong trường học và các cơ sở giáo dục khác là vô cùng cần thiết.

Như vậy, từ khái niệm công dân số, người ta đã phát triển tới quyền công dân số (digital citizenship). Cũng theo Future Learn, quyền công dân số là khả năng tiếp cận các công nghệ số một cách an toàn và có trách nhiệm, cũng như trở thành một thành viên tích cực và tôn trọng của xã hội, cả trực tuyến lẫn ngoại tuyến.

Trong nhiều lần đề câp tới chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đều nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa công nghệ thông tin (tin học hóa) với chuyển đổi số. Trong đó, chuyển đổi số hướng đến đối tượng người dùng, phục vụ người dùng, tạo ra những tiện ích và mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dùng trên nền tảng công nghệ số. Mà, như đã nói ở trên, chuyển đổi số không thể tiến hành thành công nếu như không hình thành được các công dân số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khi chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2022 thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), đã khẳng định nếu được người dân và doanh nghiệp ủng hộ thì nhiệm vụ dù khó khăn đến mấy cũng thành công. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu triển khai Đề án 06 nói riêng và nhiệm vụ chuyển đổi số một cách thực chất, tránh hình thức, để người dân và doanh nghiệp thấy được sự thiết thực, hiệu quả, tiện ích, tiết kiệm.

(Nguồn: Internet. Thanks.)

Thế giới công nghệ ngày nay thường nói tới việc “trao quyền” (empower) cho cộng đồng, cho người dùng thể hiện quan điểm chủ đạo định hướng người dùng, lấy người dùng làm trung tâm. Trong chuyển đổi số về chính phủ, chính quyền cũng phải “trao quyền” cho người dân để họ trở thành các công dân số và có đủ năng lực sống trong môi trường số.

Ở đây có 2 vế song hành. Một mặt, nhà nước tăng cường chuyển đổi số toàn diện quốc gia, đưa tối đa các dịch vụ hành chính công lên online. Mặt khác, nhà nước tạo mọi điều kiện cần thiết để người dân có thể tiếp cận hệ sinh thái số chính quyền này.

Trong ngữ cảnh này, việc khuyến khích và hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ số và Internet trong giao dịch, làm các thủ tục hành chính là rất cần thiết. Thậm chí về phía mình, nhà nước hay các tổ chức cũng có thể “ép” người dân phải sử dụng công nghệ số bằng cách chỉ cung cấp những dịch vụ nào đó trên nền online, số hóa.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng ngày 8-8-2022 có đề cập tới một cách tiếp cận toàn dân về chuyển đổi số rất riêng của Việt Nam. Ông nói: “Chuyển đổi số cần phải thông suốt từ Trung ương đến địa phương, tức là cấp gần người dân nhất. Các tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập ở từng thôn, bản, với nòng cốt là thanh niên, để đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng các nền tảng số. Đến nay, cả nước đã có 40.000 tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập; có 200.000 thành viên các tổ công nghệ này đang được đào tạo kỹ năng số.” Và ông nhấn mạnh: chính các tổ công nghệ số cộng đồng này sẽ tạo ra các công dân số.  

Trong số các dự án góp phần xây dựng công dân số ở Việt Nam có nền tảng học tập Công dân số được giới thiệu là được phát triển dưới sự hợp tác của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) thuộc Liên Hiệp Quốc.

Mục tiêu của nền tảng Công dân số là tạo môi trường học tập online về các kỹ năng số cho người dân có thể sống trong môi trường số. Kỹ năng số cung cấp kiến thức về máy tính cơ bản, cách sử dụng Internet và các ứng dụng trên máy tính, cách an toàn và bảo mật trực tuyến. Khi hoàn thành khóa học, người học sẽ có những kỹ năng cần thiết để có thể bắt đầu sử dụng máy tính một cách tự tin, hiệu quả và an toàn trực tuyến. Bên cạnh đó là học về kỹ năng mềm cần thiết cho bất kỳ công việc gì, hay sống ở bất cứ đâu, giúp mọi người tăng cơ hội thành công trong cuộc sống và công việc.

Bản in trên báo Người Lao Động thứ Bảy 20-8-2022 và trên báo NLĐ Online.

PHẠM HỒNG PHƯỚC