Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử

Chiều 31-8-2022 tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã trao giấy xác nhận đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (HĐĐT) cho 5 doanh nghiệp đầu tiên đạt yêu cầu gồm: Viettel Telecom, FPT IS, Bkav, MobiFone và CMC TS. Các CeCA này nằm trong số 26 hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp mà Cục đã tiếp nhận từ tháng 9-2021 đến nay.

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải (thứ ba từ trái qua) trao giấy xác nhận đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực hợo đồng điện tử cho 5 don vị đầu tiên ngày 31-8-2022. (Ảnh: Bộ Công Thương)

Bộ Công Thương cho biết, thực hiện Chương trình phát triển thương mại điện tử (TMĐT) quốc gia giai đoạn đến năm 2025, trong gần 2 năm qua, Bộ đã xây dựng hệ thống Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam tại địa chỉ CeCA.gov.vn và chính thức ra mắt trục này vào ngày 16-6-2022.

Hệ thống Trục phát triển HĐĐT Việt Nam do Trung tâm Tin học và Công nghệ số thuộc Cục TMĐT và Kinh tế số xây dựng và vận hành sẽ đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ cho toàn bộ hoạt động ứng dụng HĐĐT tại Việt Nam, là cầu nối giữa các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực HĐĐT với các giải pháp định danh và xác thực, dấu thời gian, chữ ký số… từ đó tạo nền tảng để chứng thực và xác thực hợp đồng nhanh chóng, hiệu quả.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, nói rằng: “Hợp đồng điện tử được triển khai rộng rãi sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại số nói riêng và hoạt động thương mại trong nước, quốc tế nói chung.”

Ông Nguyễn Khơ Din, Tổng Giám đốc Công ty Nền tảng Chuyển đổi số SME (Tập đoàn Công nghệ Bkav), một trong 5 đơn vị CeCA đầu tiên, cho biết: Dịch vụ HĐĐT Bkav eContract hiện nay đã được Bkav cung cấp chính thức. Việc được Bộ Công Thương cấp giấy xác nhận là đơn vị cung cấp dịch vụ chứng thực HĐĐT là điều kiện quan trọng để Bkav có thể sớm triển khai rộng dịch vụ đến khách hàng trên cả nước. Bkav eContract không chỉ giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm đến 80% chi phí mà còn giúp rút gọn quy trình mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường. Đặc biệt các hợp đồng khi có sự xác thực của Bộ Công Thương sẽ bảo đảm giá trị cao nhất, hạn chế các rủi ro cho các bên tham gia.

Cục TMĐT và Kinh tế số yêu cầu các CeCA có nhiệm vụ xây dựng, quản lý, duy trì, vận hành hệ thống HĐĐT kết nối với Trục phát triển HĐĐT Việt Nam, chịu trách nhiệm về tính bảo mật, toàn vẹn, không thể chối bỏ của các HĐĐT mà mình lưu trữ và xác thực, góp phần thúc đẩy chủ trương chuyển đổi số quốc gia.

Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số cũng yêu cầu hệ thống Trục phát triển HĐĐTViệt Nam phải đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của các đơn vị; sớm kết nối với các hệ thống của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, các cơ quan hòa giải, trọng tài thương mại và các nhà cung cấp dịch vụ để hỗ trợ cho các CeCA cụng như các doanh nghiệp và cá nhân ứng dụng HĐĐT.

e-Contract. (Ảnh: Internet. Thanks).

Có thể nói rằng, việc cấp giấy phép cho các đơn vị chứng thực HĐĐT là một mảnh ghép nữa trong tiến trình xây dựng nền kinh tế số của Việt Nam. Trước đó, nhiều đơn vị cũng đã được cơ quan chức năng cấp phép cung cấp các dịch vụ chữ ký số, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử,…

Rõ ràng, các HĐĐT vốn thuận tiện cho các tổ chức và cá nhân trong giao dịch điện tử giờ đây có được sự chứng thực của Bộ Công Thương thông qua các đơn vị được ủy quyền sẽ có giá trị pháp lý cao, đem lại sự an tâm và bảo đảm quyền lợi cho các bên. Tất nhiên, để ngăn ngừa các điều xấu, Cục TMĐT và Kinh tế số sẽ phải thường xuyên giám sát và kiểm tra các CeCA bảo đảm cho các đơn vị này luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định Nhà nước. 

Bản in trên báo Người Lao Động thứ Bảy 10-9-2022 và trên báo NLĐ Online.

NGÔ LÊ